Cân nhắc pháp lý cho tài chính vi mô
Tăng độ bao phủ tài chính toàn diện | |
Hoàn thiện pháp lý cho tài chính vi mô |
Đa số tổ chức TCVM hoạt động hiệu quả
Hội thảo tổng kết thực hiện Quyết định số 20/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về hoạt động của các chương trình, dự án tài chính vi mô (TCVM) của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức phi chính phủ vừa được NHNN Việt Nam phối hợp với Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và chính quyền các địa phương khu vực phía Nam tổ chức hôm 11/9 tại TP.HCM.
Theo báo cáo của NHNN Việt Nam, tính đến thời điểm hiện nay, sau 2 năm triển khai Quyết định 20 của Thủ tướng Chính phủ, trên cả nước đã có 8 chương trình, dự án TCVM nộp hồ sơ (tại NHNN Việt Nam) để xin cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động như một tổ chức TCVM chính thức. Có 2 chương trình, dự án đang nộp hồ sơ đề nghị chuyển đổi và 30 chương trình, dự án khác đang trong quá trình chuyển tiếp theo quy định Quyết định 20 để thực hiện chuyển đổi mô hình.
Đối với các tổ chức TCVM đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký theo Quyết định 20 thì hiện nay đa số đều hoạt động ổn định và hiệu quả. Tính đến cuối năm 2018, tổng số vốn được cấp của các chương trình, dự án TCVM đạt khoảng trên 800 tỷ đồng, vốn huy động đạt khoảng 710 tỷ đồng và dư nợ cho vay khoảng 1.500 tỷ đồng.
Hiện tỷ lệ nợ quá hạn của các tổ chức TCVM ở mức khá thấp (trung bình khoảng 0,03% tổng dư nợ). Hầu hết các chương trình, dự án TCVM đều tập trung cho vay các đối tượng người nghèo, người yếu thế trong xã hội với mức vay nhỏ (từ 4 triệu đồng - 30 triệu đồng/khách hàng, lãi suất dao động từ 4-18%/năm với thời hạn từ 6-40 tháng).
Liên quan đến tác động thực tiễn của Quyết định 20, cả NHNN và đại diện nhiều chương trình, dự án TCVM tại các tỉnh, thành đều cho rằng văn bản pháp lý này là cơ sở cần thiết để các chương trình, dự án TCVM hoạt động chính thức theo các quy định của Luật Các tổ chức tín dụng 2010.
Ở phía ngành Ngân hàng, thời gian 2 năm vừa qua, NHNN cũng đã hướng dẫn, giải đáp hàng loạt những vướng mắc của các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức phi chính phủ… về việc áp dụng Quyết định 20. Hầu hết các vướng mắc đều liên quan đến việc: xác định đối tượng được cấp giấy chứng nhận, xác định thời hạn hoạt động, nguồn vốn được cấp và các quy định chế tài, xử lý vi phạm đối với các chương trình, dự án TCVM đã chuyển đổi mô hình hoạt động. Cuối quý I/2019 vừa qua, NHNN cũng đã có tờ trình (Số 12/TTr - NHNN) báo cáo Thủ tướng Chính phủ để sớm tháo gỡ các vướng mắc này cho các đơn vị.
Nắm căn cốt để tạo khung pháp lý
Theo Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, sau 2 năm triển khai Quyết định 20, hiện nay vẫn còn khá nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc quản lý các chương trình, dự án TCVM chưa được giải quyết triệt để.
Theo đó, hiện số lượng các chương trình, dự án TCVM “bán chính thức” (chưa được NHNN cấp giấy chứng nhận đăng ký) rất lớn và đa dạng. Cả nước đang có khoảng 438 chương trình, dự án TCVM thực hiện tại 56 tỉnh, thành (tính đến cuối tháng 5/2018), nhưng mới chỉ có 40 đơn vị nộp hồ sơ xin giấy chứng nhận đăng ký hoặc đang hoàn tất chuyển tiếp, chuyển đổi mô hình.
Do vậy việc quản lý, thanh tra, giám sát đối với các chương trình, dự án TCVM vẫn còn vướng mắc nhiều quy định pháp luật chồng chéo. Phía NHNN, hiện mới chỉ quản lý chung đối với các tổ chức TCVM đã được cấp giấy chứng nhận, số còn lại vẫn do các bộ, ngành, địa phương quản lý.
Trên cơ sở những vướng mắc, khó khăn khi triển khai Quyết định 20, quan điểm chung của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng là nên chia nhóm đối tượng các chương trình, dự án tài chính vi mô để định hướng, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện nền tảng pháp lý áp dụng cho các đơn vị này.
Cụ thể, đối với các chương trình, dự án TCVM đã hoạt động nhưng không huy động tiết kiệm tự nguyện thì nên khuyến khích hoạt động thông qua các thủ tục đăng ký đơn giản, tạo điều kiện cho các chương trình, dự án tiếp tục hoạt động theo các quy định hiện hành. Ở nhóm các chương trình, dự án này NHNN chỉ chịu trách nhiệm xác nhận đăng ký chương trình, dự án, theo dõi giám sát tình hình hoạt động phục vụ công tác phân tích, đánh giá vĩ mô và xây dựng cơ chế, chính sách.
Ở nhóm thứ hai là nhóm đã có hoạt động huy động tiết kiệm tự nguyện thì phân thành 2 loại. Loại thứ nhất là các chương trình, dự án đã huy động tiết kiệm tự nguyện và muốn tiếp tục huy động thì bắt buộc sẽ phải chuyển đổi thành tổ chức TCVM để đảm bảo hoạt đồng chuyên nghiệp, an toàn, lành mạnh.
Nhóm các chương trình, dự án loại này bắt buộc phải đáp ứng đầy đủ các quy định về bộ máy quản trị điều hành, về các bộ phận nghiệp vụ, phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro, tuân thủ các tỷ lệ bảo đảm an toàn, tham gia đóng phí bảo hiểm tiền gửi… và chịu sự thanh tra, giám sát chặt chẽ và toàn diện của NHNN.
Phần còn lại trong nhóm 2 là các chương trình, dự án TCVM có huy động tiết kiệm tự nguyện nhưng không có nhu cầu hoặc không có đủ khả năng chuyển đổi thành tổ chức TCVM thì cho phép thời hạn chuyển tiếp để giảm dần số dư tiền gửi tiết kiệm tự nguyện, đảm bảo sau thời gian chuyển tiếp, chương trình dự án không còn số dư tiết kiệm tự nguyện.
Đối với nhóm thứ 3 là nhóm các chương trình, dự án TCVM đăng ký mới thì định hướng quản lý Nhà nước là không quy định cho phép huy động tiền gửi tiết kiệm tự nguyện và sẽ áp dụng giống như nhóm đầu tiên. Tức là khuyến khích hoạt động thông qua các thủ tục đăng ký đơn giản để các đơn vị phát huy khả năng hỗ trợ vốn cho người nghèo trong xã hội.
Dự kiến sửa Quyết định 20 vào tháng 7/2020 Theo Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng (NHNN), trên cơ sở tổng kết việc triển khai Quyết định 20 và xây dựng dự thảo văn bản sửa đổi, bổ sung Quyết định này, dự kiến từ nay đến tháng 4/2020 dự thảo Quyết định sửa đổi bổ sung Quyết định 20 sẽ được soạn thảo, công bố, đánh giá tác động và ghi nhận ý kiến từ các bộ, ngành, địa phương. Tiếp theo đó, trong quý III/2020 dự thảo văn bản pháp lý này sẽ được Bộ Tư pháp thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ. Nếu quá trình thuận lợi, Quyết định mới sẽ được hoàn thiện và ban hành vào tháng 7/2020. |