Tận dụng mọi cơ hội đưa vốn tín dụng ra nền kinh tế
Lãi suất thấp, tín dụng vẫn giảm
Báo cáo tại buổi làm việc của đoàn công tác NHNN Việt Nam với hệ thống ngân hàng tỉnh Sơn La về hoạt động tiền tệ, ngân hàng do Phó thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú chủ trì, Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh Sơn La Trịnh Công Văn cho biết, năm 2023 và quý I/2024, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Sơn La (Chi nhánh) đã tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách tiền tệ, hoạt động ngân hàng trên địa bàn theo chức năng, nhiệm vụ được Thống đốc NHNN giao trên địa bàn.
Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú chỉ đạo các TCTD tháo gỡ khó khăn cho DN và mở rộng cho vay tiêu dùng, hộ sản xuất. |
Cụ thể, Chi nhánh tham mưu cho tỉnh ủy, UBND tỉnh có văn bản chỉ đạo cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp, các sở ban ngành, các tổ chức chính trị xã hội, các hiệp hội ngành/nghề phối hợp với Chi nhánh trong quản lý nhà nước về lĩnh vực tiền tệ, hoạt động ngân hàng và ngoại hối trên địa bàn; tạo điện kiện giúp đỡ, hỗ trợ, tháo gỡ cho các tổ chức tín dụng (TCTD) hoạt động trên địa bàn; chỉ đạo cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp cùng chung tay với ngành Ngân hàng trong việc tháo gỡ cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn để phục hồi kinh tế trên địa bàn; tham gia ý kiến các chương trình phát KT-XH của tỉnh. NHNN cùng các TCTD phối hợp với một số Sở, ngành tổ chức các hội nghị để tháo gỡ khó khăn trong hoạt động ngân hàng.
Các TCTD trên địa bàn chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng, các chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và NHNN; đẩy mạnh công tác huy động vốn, phát triển đa dạng các sản phẩm tín dụng ngân hàng phù hợp với nhu cầu sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng chính đáng dùng của người dân và doanh nghiệp với lãi suất hợp lý; thực hiện tốt các giải pháp tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, bền vững đi đôi với nâng cao chất lượng tín dụng, kiểm soát nợ xấu, đảm bảo an toàn hệ thống; triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, chính sách tín dụng theo chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Đặc biệt, NHNN chỉ đạo các TCTD trên địa bàn thành lập Câu lạc bộ các TCTD, Câu lạc bộ QTDND trực thuộc Hiệp hội QTDND Việt Nam để thống nhất tạo môi trường, văn hóa kinh doanh lành mạnh, giúp đỡ và hỗ trợ nhau trong hoạt động. Bên cạnh đó, chỉ đạo các TCTD, chi nhánh, phòng giao dịch thuộc TCTD tham gia Hiệp hội doanh nghiệp, chi hội doanh nghiệp các huyện, thành phố để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đẩy mạnh cung ứng tín dụng, dịch vụ…
Tuy nhiên những tác động bất lợi từ nền kinh tế, cộng thêm những khó khăn riêng có của Sơn La khiến khả năng hấp thụ vốn vay trên địa bàn giảm khá mạnh trong quý đầu năm. Cụ thể đến 31/3/2024, dư nợ cho vay của các TCTD trên địa bàn chỉ đạt 43.920 tỷ đồng, giảm 3,55% (tương đương giảm 1.615 tỷ đồng) so với cuối năm 2023. Trong khi rủi ro nợ xấu có xu hướng gia tăng do khả năng trả nợ của khách hàng bị suy giảm.
Lý giải về việc việc dư nợ trên địa bàn giảm, Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh Sơn La, Trịnh Công Văn cũng như các TCTD cho biết, tăng trưởng kinh tế Sơn La không ổn định và có xu hướng giảm (Năm 2018 là 5,83%; năm 2019 là -2,58%; năm 2020 là 7,21; năm 2021 là 3,23%; năm 2022 là 8,89% và năm 2023 là 0,75% và quý I/2024 là -2,68).
Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh Sơn La, Trịnh Công Văn báo cáo tình hình hoạt động của hệ thống ngân hàng trên địa bàn. |
Cũng theo ông Văn, hiện toàn tỉnh có khoảng 3.455 doanh nghiệp, song năm 2023 chỉ có 642 doanh nghiệp hoạt động có lãi và năm 2024 dự kiến con số này chỉ còn khoảng 300. Bên cạnh đó, mặc dù thủy điện là lợi thế của Sơn La, song đến nay dư địa để phát triển tín dụng đối với lĩnh vực này cũng ngày càng bị thu hẹp khi mà các dự án đi vào hoạt động, có nguồn thu và trả bớt nợ.
Tất cả những điều đó khiến khả năng hấp thụ vốn vay trên địa bàn có xu hướng giảm. Cụ thể tỷ lệ tăng trưởng tín dụng: Năm 2017 là 21,1%; năm 2018 là 15,3%; năm 2019 là 12,6%; năm 2020 là 8,4%; năm 2021 là 3,6%; năm 2022 là 3,8%; năm 2023 là 2,15% và quý I năm 2024 giảm 3,55%...
Trong khi đó, mặc dù nợ xấu đã được kiểm soát, nhưng nợ tiềm ẩn chuyển sang nợ xấu có nguy cơ tăng nếu tình kinh tế tiếp tục khó khăn, đặc biệt khi kinh tế Sơn La phụ thuộc rất lớn vào điều kiện tự nhiên (thời tiết trong những năm qua diễn biến bất thường, dịch bệnh liên tục bùng phát).
Chia sẻ của đại diện các TCTD trên địa bàn cũng cho thấy rõ những khó khăn trong việc thúc đẩy tăng trưởng tín dụng trên địa bàn. Giám đốc Agribank Chi nhánh Sơn La Phạm Văn Bằng cho biết, từ đầu năm đến nay, dư nợ của chi nhánh giảm hơn 1.000 tỷ đồng. Nguyên nhân một phần do người dân được mùa cà phê bán đi trả bớt nợ ngân hàng, một phần cũng bởi sản xuất - kinh doanh khó khăn nên người dân, doanh nghiệp không muốn vay vốn.
Giám đốc Agribank Chi nhánh Sơn La Phạm Văn Bằng phát biểu |
“Chưa bao giờ lãi thấp như bây giờ, nhưng việc cho vay gặp rất nhiều khó khăn do khả năng hấp thụ vốn yếu. Mặc dù, ngân hàng chủ động tiếp cận, nhưng doanh nghiệp không có nhu cầu. Như ngày 26/3, Agribank tổ chức hội nghị khách hàng nhằm giới thiệu các chương trình tín dụng ưu đãi cũng như tháo gỡ khó khăn trong việc tiếp cận tín dụng, nhưng sau hội nghị dư nợ vẫn giảm”, ông Bằng thông tin thêm.
Trong khi ông Nguyễn Thế Dũng - Giám đốc Chi nhánh BIDV Sơn La chia sẻ, chi nhánh cũng rất khó khăn trong việc thu nợ lãi khi các dự án thủy điện chỉ có năm 2022 hoạt động tốt. Trước đó năm 2019-2020 là khó khăn do hạn hán. Từ tháng 10/2023 đến nay chưa có hạt mưa nào nên nhiều dự án thủy điện đứt gãy dòng tiền, chậm trả nợ. Vì vậy, ngân hàng không chỉ giảm dư nợ mà chất lượng tín dụng giảm sút.
Giám đốc Vietcombank Chi nhánh Sơn La Nguyễn Huy Thịnh cũng cho biết, không chỉ tình hình phát triển của doanh nghiệp ảm đạm, mà thị trường bán lẻ nhưng quý I cũng rất trầm lắng, gần như các hoạt động sản xuất kinh doanh nằm im. “Cái nổi bật nhất của Sơn La năm 2024 là ngành cà phê khi giá cà phê tăng từ 40.000 đồng/kg năm 2023 đến nay tăng tới 100.000/kg, nhưng các ngân hàng không được hưởng lợi nhiều lắm, vì chủ yếu cho vay hộ trồng cà phê. Còn doanh nghiệp thu mua chế biến chủ yếu từ dưới xuôi lên gần như không sử dụng các dịch vụ của ngân trên địa bàn vì vậy hoạt động của hệ thống ngân hàng trên địa bàn càng khó khăn hơn”, ông Thịnh thông tin thêm.
Cần những giải pháp căn cơ
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú ghi nhận và biểu dương hoạt động điều hành của NHNN Chi nhánh Sơn La giữ được kỷ cương tốt, kết nối tốt với chính quyền địa phương, đoàn đại biểu quốc hội, quy tụ được tất cả các TCTD thông qua việc điều hành và các câu lạc bộ tạo sự thống nhất trong thực thi chính sách tiền tệ, tạo sự cạnh tranh lành mạnh.
Phó Thống đốc cũng ghi nhận những cố gắng, nỗ lực của các TCTD trên địa bàn tỉnh Sơn La trong việc tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.
Theo Phó thống đốc Đào Minh Tú, những khó khăn hiện nay của hệ thống ngân hàng Sơn La cũng là vấn đề chung mà toàn ngành Ngân hàng đang phải đối mặt. Chẳng hạn như tăng trưởng tín dụng sụt giảm trong hai tháng đầu năm, mặc dù thời gian qua NHNN đã triển khai quyết liệt và đồng bộ tới 10 giải pháp như giảm lãi suất, tạo thanh khoản, cho phép các TCTD cơ cấu lại nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn; phân bổ hạn mức tín dụng cho các TCTD ngay từ đầu năm; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào hoạt động để giảm chi phí, lãi suất; cải cách thủ tục cho vay; mở rộng cho vay tiêu dùng, cho vay tín chấp; tổ chức các hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp…
“Nếu như những năm trước đây, chỉ cần triển khai 2-3 giải pháp trên là đã có thể thúc dẩy được tăng trưởng tín dụng. Thế nhưng hiện nay đã triển khai quyết liệt và đồng bộ nhiều giải pháp như vậy mà tín dụng vẫn giảm, cho thấy khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế đang rất yếu. Vì vậy để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, bên cạnh nỗ lực của ngành Ngân hàng, cần sự chung tay của các bộ, ngành , địa phương", Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh.
Mặc dù vậy, Phó Thống đốc yêu cầu các TCTD trên địa bàn Sơn La cần tiếp tục bám sát chỉ đạo của NHNN cũng như các chủ trương, chính sách của tỉnh, tập trung tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. Theo đó, với doanh nghiệp khó khăn thì ngân hàng phải ngồi lại cùng doanh nghiệp bàn cách tháo gỡ, thậm chí tư vấn cách vượt khó cho họ. “Đây là thời điểm cần ngân hàng - doanh nghiệp phải cộng sinh với nhau", ông nhấn mạnh.
Trong bối cảnh các doanh nghiệp đang khó khăn, ông cho rằng, các TCTD nên chuyển mạnh sang cho vay tiêu dùng và hộ gia đình phát kinh tế nhỏ lẻ. “Để mở rộng cho vay cá nhân, các TCTD cần phải mạnh dạn trong việc cải cách thủ tục, quy trình cho vay, thậm chí phải chấp nhận vất vả, chi phí cao hơn cho vay doanh nghiệp, nhưng nó là lối thoát với những tỉnh khó khăn như Sơn La”, ông khuyến nghị và ủng hộ các TCTD mở rộng hoạt động tại các địa bàn huyện, cho vay hộ nông dân.
Trước thực tế nhiều lĩnh vực được coi là lợi thế của tỉnh nhưng đã tới hạn phát triển như thủy điện hay như mục tiêu trở thành trung tâm phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trung tâm chế biến nông sản vùng Tây Bắc vẫn còn nhiều thách thức khi sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, đối mặt với bài toán thị trường tiêu thụ và giá cả, Phó Thống đốc yêu cầu hệ thống ngân hàng trên địa bàn phải chủ động bám sát kế hoạch phát triển địa phương, tham mưu và tư vấn cho chính quyền địa phương những lợi thế kinh tế có thể phát triển cũng như những mảng thị trường bão hòa. Từ đó tỉnh có những giải pháp căn cơ xoay chuyển tình thế tình hình hiện nay cũng như tạo cơ hội mới cho doanh nghiệp và ngân hàng.
Đồng thời, các TCTD trên địa bàn đánh giá đầy đủ các khoản nợ có nguy cơ mất vốn, báo cáo trụ sở nhằm có giải pháp ứng phó sớm để không rơi vào thế bị động.
Phó Thống đốc cũng thông tin, tới đây NHNN sẽ đánh giá phân tích sâu hơn về những khó khăn của nền kinh tế và các TCTD, từ đó có báo cáo với Thủ tướng Chính phủ để có những giải pháp hỗ trợ. NHNN cũng đang trình gia hạn Thông tư 02/2023/TT-NHNN nhằm tiếp tục tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp gia tăng năng lực tài chính phục hồi và phát triển sản xuất.