Thanh toán dịch vụ công trực tuyến: Xu hướng phát triển tất yếu
Theo thống kê, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam đã có kết quả đáng ghi nhận trong năm 2018. Cụ thể, hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng đã xử lý an toàn với giá trị 73 triệu tỉ đồng (gấp 13 lần GDP, xử lý khoảng 13 tỉ USD/ngày), tăng trưởng 25% so với năm 2017. Giá trị thanh toán qua thiết bị di động tăng trưởng 169,5% so với năm 2017.
Khảo sát của PwC đối với 27 nước đã ghi nhận Việt Nam là thị trường tăng trưởng nhanh nhất về thanh toán di động trong năm 2018 với tỉ lệ người tiêu dùng thanh toán di động ở Việt Nam đã tăng từ 37% lên 61%.
Đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam định hướng xây dựng, sửa đổi, bổ sung hành lang pháp lý cho hoạt động ngân hàng nói chung và hoạt động thanh toán nói riêng, đáp ứng yêu cầu đối với các mô hình kinh doanh và sản phẩm dịch vụ mới trên nền tảng công nghệ thông tin, trong đó tập trung vào ngân hàng số, thanh toán số.
Các công nghệ mới, hiện đại trong thanh toán như việc áp dụng xác thực vân tay, nhận diện khuôn mặt, sử dụng mã phản hồi nhanh (QR Code), mã hóa thông tin thẻ (Tokenization), thanh toán phi tiếp xúc, công nghệ mPOS... hiện được các ngân hàng nghiên cứu, hợp tác và ứng dụng, đặc biệt là việc thanh toán bằng QR Code gắn với đẩy mạnh thanh toán qua điện thoại di động hợp với xu thế phát triển trên thế giới và dần thay đổi thói quen chi tiêu tiền mặt của người tiêu dung Việt Nam.
Theo đó, thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng cũng được đẩy mạnh. Hiện có khoảng 50 ngân hàng đã thỏa thuận phối hợp thu thuế điện tử với ngành thuế, hải quan trên phạm vi 63 tỉnh, thành phố và 768 quận, huyện trên cả nước. 95% số thu hải quan thực hiện qua ngân hàng; 99% doanh nghiệp đăng ký nộp thuế điện tử.
Là một trong những ngân hàng tiên phong trong triển khai thanh toán điện tử và thanh toán các dịch vụ công, Vietcombank đã chính thức phối hợp thu thuế nội địa từ 15/7/2011; phối hợp thu thuế xuất nhập khẩu từ 1/1/2012; nộp thuế điện tử với Tổng cục Thuế từ 11/7/2014 với các hình thức thu thuế điện tử gồm: thu thuế nội địa, thu thuế xuất nhập khẩu, bảo lãnh thanh toán thuế xuất nhập khẩu, kênh giao dịch: quầy, ATM, Internet banking, POS, qua cổng thông tin của cơ quan Thuế, Hải quan.
Việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến tại Vietcombank hiện đã đạt mức độ cao nhất (mức độ 4), nhằm tạo thuận lợi tối đa cho phép người sử dụng thanh toán lệ phí (nếu có) một cách nhanh nhất.
Tính đến quý III/2019, tổng số doanh nghiệp đã đăng ký dịch vụ với cơ quan thuế nộp thuế điện tử qua Vietcombank là 167.241 doanh nghiệp, chiếm 17,6% tổng số doanh nghiệp đăng ký qua các ngân hàng thương mại trong nước; Tổng số doanh nghiệp đăng ký dịch vụ với Vietcombank là 154.091 doanh nghiệp, chiếm 18,8% tổng số doanh nghiệp đăng ký qua các ngân hàng thương mại trong nước; Tổng số tiền nộp vào ngân sách nhà nước qua Vietcombank là trên 215.150 tỷ đồng, chiếm 23,7% tổng số thuế thu được qua các ngân hàng thương mại trong nước.
Với việc phát triển mạnh mẽ các phương thức thanh toán hiện đại trên nền tảng công nghệ số, thanh toán dịch vụ công tại Vietcombank đang được mở rộng hơn bao giờ hết. Cùng với phương thức truyền thống là giao dịch tại quầy, khách hàng giờ đây đã có nhiều lựa chọn thuận tiện và phù hợp với nhu cầu, thời gian và công việc của mình bằng các hình thức thanh toán mới, hiện đại, dễ sử dụng như: Dịch vụ trích nợ tự động, thanh toán thẻ, giao dịch tại ATM, POS, sử dụng dịch vụ internet banking, mobile banking, sử dụng ví điện tử... để thanh toán đối với nhiều loại hình dịch vụ, từ quyết toán thuế thu nhập cá nhân, đến thuế trước bạ, thuế nhà đất, hóa đơn điện nước, lệ phí, học phí…
Bà Phùng Nguyễn Hải Yến, Phó Tổng giám đốc Vietcombank cho biết: Vietcombank đã chuẩn bị đầy đủ điều kiện để sẵn sàng đáp ứng cho việc mở rộng thanh toán các dịch vụ công, từ các kênh thanh toán truyền thống đến hiện đại như QR Code, thanh toán không tiếp xúc...
Một trong những địa phương mà Vietcombank đã phối hợp triển khai thanh toán dịch vụ hành chính công là tỉnh Quảng Ninh với hơn 1.300 dịch vụ công trực tuyến và hàng nghìn loại thuế phí, dán mã QR Code tại các cơ quan hành chính tại Quảng Ninh để người dân, doanh nghiệp có thể thanh toán các loại thuế, phí qua internet banking, mobile banking…; Vietcombank cũng đang phối hợp với các tỉnh, thành khác trên toàn quốc để mở rộng mô hình này.
Thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng mang lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế, tuy nhiên vẫn còn gặp nhiều hạn chế, trong đó nguyên nhân xuất phát từ thói quen sử dụng tiền mặt của người dân. Thêm vào đó là tâm lý ngại thay đổi phương thức thanh toán của một bộ phận khách hàng, cùng với tâm lý e ngại vấn đề đảm bảo an ninh an toàn khi thanh toán điện tử.
Một số chuyên gia tài chính - ngân hàng cho biết: Để phát triển thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng, cùng với việc triển khai ứng dụng thêm các hình thức, phương thức thanh toán tiên tiến, hiện đại phù hợp với đặc thù thanh toán của mỗi loại hình dịch vụ công, cần đẩy mạnh mở rộng hợp tác giữa các đơn vị cung ứng dịch vụ công với các ngân hàng, tổ chức cung ứng giải pháp thanh toán; đẩy nhanh khả năng kết nối, trao đổi thông tin dữ liệu giữa đơn vị cung ứng dịch vụ công với ngân hàng...