Thông tin tín dụng thể nhân: Điểm tín dụng tốt, tiếp cận vốn nhanh (Bài 3)
Thông tin tín dụng thể nhân: Điểm tín dụng tốt, tiếp cận vốn nhanh |
Ảnh minh họa |
Chợ tín dụng
“Anh xem, đây là ngân hàng thứ 5 tôi đã gõ cửa trong gần 3 tháng qua rồi. Ngân hàng đồng ý cho vay thì lãi suất lại cao quá tôi không đáp ứng được. Ngân hàng có lãi suất vừa phải thì lại đòi hỏi quá nhiều tài sản đảm bảo, có ngân hàng lại yêu cầu phải sử dụng thêm các dịch vụ phái sinh của họ, họ mới duyệt hồ sơ… cứ gõ cửa thế này chả biết đến lúc nào mới mở được cửa ngân hàng theo đúng ý mình đây! Giá như có một cái “chợ” mà ở đó tôi có thể “bày” hết tâm tư nguyện vọng, trình bày về dự án cũng như tài sản đảm bảo… của mình để những ai cần “mua” (ngân hàng, tổ chức tín dụng…) có thể xem và duyệt hồ sơ của tôi như thế thì tiện biết bao…!”. Mơ ước tưởng xa vời của anh Nguyễn Văn Long chủ trang trại chăn nuôi (Hà Tây) đã phần nào trở thành hiện thực khi Trung tâm Thông tin Tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC) đưa hệ thống đăng ký thông tin tín dụng thể nhân vào hoạt động.
Ông Trương Hùng Lân, Trưởng phòng Hỗ trợ Khách hàng CIC chia sẻ, việc mở cổng đăng ký thông tin tín dụng thể nhân ngoài việc xác thực lại các thông tin người vay thì mục tiêu lớn hơn rất nhiều mà hệ thống này hướng tới là tạo lập một “chợ tín dụng” thể nhân.
Việc đăng ký các thông tin tín dụng của người vay như nhu cầu vay vốn, nguồn tài sản đảm bảo sẵn có… sẽ bước đầu tạo lập một “chợ” tín dụng thể nhân, nơi người mua bày tỏ các nhu cầu của mình về hàng hóa “tín dụng” và giới thiệu sơ bộ về “năng lực tài chính” để đảm bảo tiếp cận hàng hóa đó.
Căn cứ vào các nhu cầu tín dụng này, ngân hàng có thể tìm kiếm khách hàng phù hợp với phân khúc của mình. Tuy nhiên để chợ này thực sự đi vào hoạt động hiệu quả có lẽ cần khoảng thời gian 1 năm. Một năm này đủ để người “bán” và người “mua” xác lập vị trí, tìm hiểu thị trường và hiểu cách “đi chợ” như thế nào.
Trong những năm gần đây, hoạt động cho vay thể nhân/cho vay tiêu dùng của các ngân hàng mở rộng, trong khi đó thông tin đối với các khoản vay thể nhân (nguồn trả nợ, mục đích sử dụng vốn vay…) thường khó nắm bắt hơn so với doanh nghiệp nên chấm điểm tín dụng thể nhân trở nên cấp thiết hơn. Nắm bắt được vấn đề này, các ngân hàng thương mại Việt Nam đã từng bước xây dựng hệ thống xếp hạng nội bộ.
Tuy nhiên, mỗi khách hàng có thể có quan hệ tín dụng cùng lúc với nhiều ngân hàng, do vậy hệ thống chấm điểm xếp hạng nội bộ của các ngân hàng nếu chỉ dựa trên thông tin tín dụng của khách hàng với ngân hàng mình mà không dựa trên tổng hợp các nguồn thông tin từ các ngân hàng và các tổ chức tín dụng khác sẽ dẫn tới những sai sót trong việc xác định rủi ro tín dụng của khách hàng.
Bên cạnh đó, các hệ thống chấm điểm nội bộ lại sử dụng những thang điểm khác nhau khiến khó so sánh, đánh giá mức độ tín nhiệm của khách hàng một cách khách quan và chính xác.
Với vị trí là một cơ quan thông tin tín dụng công trực thuộc Ngân hàng Nhà nước, CIC nắm được nguồn thông tin tín dụng tổng hợp của tất cả các khách hàng vay tại các TCTD. Đây là lợi thế dữ liệu đầu vào để CIC tạo lập và cung cấp sản phẩm chấm điểm tín dụng thể nhân chính xác, đầy đủ, toàn diện để hỗ trợ hệ thống các TCTD, đặc biệt là các ngân hàng có quy mô nhỏ, công ty tài chính hay tổ chức tài chính vi mô… chưa có đủ điều kiện xây dựng hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ trong đánh giá, chấm điểm tín dụng khách hàng vay.
Hệ thống chấm điểm và xếp hạng tín dụng mà CIC đang triển khai là một giải pháp tổng thể để các ngân hàng tham chiếu trước khi ra quyết định đầu tư, đảm bảo tính minh bạch, đóng góp cho sự tăng trưởng kinh tế bền vững và lành mạnh.
Là một cơ quan thông tin tín dụng công trực thuộc Ngân hàng Nhà nước, CIC nắm được nguồn thông tin tín dụng tổng hợp của tất cả các khách hàng vay tại các TCTD. Đây là lợi thế dữ liệu đầu vào để CIC tạo lập và cung cấp sản phẩm chấm điểm tín dụng thể nhân chính xác, đầy đủ, toàn diện để hỗ trợ hệ thống các TCTD, đặc biệt là các ngân hàng có quy mô nhỏ, công ty tài chính hay tổ chức tài chính vi mô…chưa có đủ điều kiện xây dựng hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ trong đánh giá, chấm điểm tín dụng khách hàng vay.
Hệ thống chấm điểm và xếp hạng tín dụng mà CIC đang triển khai là một giải pháp tổng thể để các ngân hàng tham chiếu trước khi ra quyết định đầu tư, đảm bảo tính minh bạch, đóng góp cho sự tăng trưởng kinh tế bền vững và lành mạnh.
Ông Đỗ Văn Nam, Phó Giám đốc Agribank chi nhánh Thọ Xuân, Thanh Hóa chia sẻ, ý tưởng về một “chợ” tín dụng quả là rất hay. Việc hình thành một “chợ” tín dụng thể nhân sẽ đảm bảo sự cạnh tranh công bằng, lành mạnh hơn giữa các ngân hàng. Ở đó, ngân hàng nào có dịch vụ tốt, lãi suất cạnh tranh sẽ thu hút được nhiều khách hàng tốt và ngược lại. Bên cạnh đó, việc thông tin tín dụng thể nhân được thể hiện rõ cũng sẽ giúp những người quản lý ngân hàng có thông tin đối chiếu từ đó tìm kiếm được khách hàng tốt và loại bỏ được những rủi ro trong tín dụng.
Theo các chuyên gia thì hệ thống đăng ký thông tin tín dụng thể nhân còn là công cụ cực kỳ hữu hiệu giúp các cơ quan quản lý nhà nước nắm bắt được nhu cầu vốn của nền kinh tế, xu hướng đầu tư của khách hàng thể nhân từ xu thế này cơ quan nhà nước sẽ có sự điều tiết phù hợp, nắn dòng kinh tế, các ngành hàng theo định hướng phát triển chung.