Thông tin tín dụng thể nhân: Điểm tín dụng tốt, tiếp cận vốn nhanh (Bài 4)
Thông tin tín dụng thể nhân: Điểm tín dụng tốt, tiếp cận vốn nhanh (Bài 3) | |
Thông tin tín dụng thể nhân: Điểm tín dụng tốt, tiếp cận vốn nhanh (Bài 2) |
Hiểu được lịch sử tín dụng của khách hàng hỗ trợ cho các NHTM rất nhiều trong việc đưa ra những quyết định cho vay |
Ghi nhận từ thực tiễn
“Nếu không có thông tin tín dụng thể nhân của CIC, chúng tôi như người “mù” bởi thực tế là rất khó biết khách hàng vay nợ những đâu, nợ tốt hay nợ xấu. Nhiều khách hàng đến với chúng tôi, hồ sơ rất “đẹp”, dự án tốt thế nhưng kiểm tra trên CIC thì lại thấy có tiền sử nợ xấu, nợ chậm trả đối với TCTD khác. Rồi chuyện khách hàng “giấu” khoản đã vay tại các TCTD khác với mong muốn được vay thêm cũng dễ dàng bị CIC “moi” ra...
Chính nhờ các thông tin tín dụng thể nhân mà CIC cung cấp, cán bộ tín dụng chúng tôi tự tin hơn rất nhiều trong các phán quyết đầu tư. Bên cạnh đó nó cũng giúp giảm thiểu tối đa những rủi ro trong hoạt động tín dụng của ngân hàng”, anh Hùng - một cán bộ tín dụng chia sẻ.
Theo ông Kevin Green – Giám đốc Cấp cao Quản lý Rủi ro của Ngân hàng HSBC Việt Nam thì, thông tin do CIC cung cấp rất quan trọng với các ngân hàng giúp họ hiểu rõ khách hàng của mình trước khi đưa ra các quyết định tín dụng. Để hỗ trợ tốt hơn cho ngành Ngân hàng, CIC có thể xem xét cung cấp thêm thông tin chi tiết về khách hàng hơn nữa, ví dụ như khi những hồ sơ vay được mở hay đóng cùng với những thông tin chi tiết về các khoản thanh toán bị thiếu.
Thêm nữa, để giúp quá trình xét duyệt hồ sơ tín dụng của khách hàng nhanh chóng và hiệu quả hơn, hệ thống CIC nên được tăng cường để giúp kết nối trực tiếp với hệ thống thanh toán vốn vay của các NHTM, từ đó các ngân hàng trích xuất và phân tích thông tin tín dụng thể nhân ngay lập tức mà không phải thông qua những quy trình thủ công.
“Hiểu được lịch sử tín dụng của khách hàng hỗ trợ cho các NHTM rất nhiều trong việc đưa ra những quyết định cho vay tín dụng. Các khách hàng thường hay có những khoản vay chưa được thanh toán ở những ngân hàng khác hay đăng ký nhiều khoản vay tín dụng trong thời gian ngắn thường được đánh giá rủi ro cao hơn, và với sự hiểu biết toàn diện về khách hàng là điều thiết yếu để ngân hàng đánh giá mức độ tin cậy của khách hàng”, ông Kevin Green nhấn mạnh.
Theo Công ty Standard & Poors, xếp hạng tín dụng là những ý kiến đánh giá hiện tại về rủi ro tín dụng, chất lượng tín dụng, khả năng và thiện chí của chủ thể đi vay trong việc đáp ứng các nghĩa vụ tài chính một cách đầy đủ và đúng hạn. Việc đánh giá về rủi ro và chất lượng tín dụng dựa trên các chỉ tiêu tài chính và phi tài chính của chủ thể vay nợ để thực hiện.
Người cho vay sử dụng hạng tín dụng để đánh giá rủi ro tiềm ẩn trong việc cho khách hàng vay. Việc sử dụng rộng rãi hệ thống điểm tín dụng và xếp hạng tín dụng thể nhân làm hoạt động cho vay được mở rộng, an toàn và hiệu quả hơn.
Có thể thấy, với vị trí là một tổ chức thông tin tín dụng công thuộc Ngân hàng Nhà nước, hoạt động xếp hạng tín dụng thể nhân của CIC có ý nghĩa lớn trong việc cung cấp thông tin tín dụng, phục vụ cho hoạt động tín dụng và các TCTD. CIC có lợi thế về nguồn thông tin tín dụng tổng hợp từ các TCTD và các thông tin khác từ các bộ, ban, ngành, với cách tiếp cận xếp hạng tín dụng khoa học và hệ thống cùng với đội ngũ chuyên gia có chuyên môn cao nên có thể thực hiện hoạt động này với mức độ tin cậy cao.
Việc tiếp tục hoàn thiện hoạt động chấm điểm thể nhân nói riêng, nâng cao chất lượng hệ thống thông tin tài chính tín dụng nói chung sẽ góp phần giảm thiểu rủi ro tín dụng, đảm bảo một nền kinh tế tài chính phát triển an toàn, lành mạnh và bền vững cho Việt Nam.
Giám đốc một công ty tài chính lớn chia sẻ: “Với chúng tôi thông tin tín dụng thể nhân đóng một vai trò vô cùng quan trọng, nhiều khách hàng mua hàng trả góp “biến mất” đã lâu cũng phải quay lại thanh toán để xóa đi nợ xấu. Điều đó cho thấy thông tin tín dụng đã là một phần tất yếu trong hoạt động ngân hàng. Thông tin minh bạch, rõ ràng sẽ giúp người vay nhanh chóng tiếp cận nguồn vốn ngân hàng hơn và ngược lại, thông tin xấu sẽ khiến người vay khó tiếp cận nguồn vốn hơn.
Đây cũng là cơ hội cho các công ty tài chính mở rộng hoạt động tín dụng tiêu dùng, bởi chúng tôi đã có rào cản CIC trong tiếp cận vốn tín dụng. Và thực tế cho thấy, nhiều khách hàng còn nợ xấu trên CIC đã không tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng. Do đó chúng tôi hoàn toàn tự tin phát triển trong lĩnh vực cho vay tiêu dùng”.
“Việc hình thành một “chợ tín dụng” trong tương lai gần mang lại rất nhiều tiện ích. Trước hết, nó tạo ra một thị trường vay rõ ràng minh bạch, ở đó các ngân hàng sẽ cạnh tranh bằng chất lượng dịch vụ, bằng tiện ích sản phẩm… những khách hàng có điểm tín dụng tốt sẽ nhanh chóng tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng, tận dụng được cơ hội sản xuất kinh doanh.
Các cơ quan quản lý cũng sẽ nắm được tổng nhu cầu đầu tư của khách hàng cá nhân đối với từng ngành hàng, từng lĩnh vực từ đó có sự phân phối, điều tiết nguồn vốn hợp lý hơn. Không chỉ có vậy, người quản lý tín dụng của ngân hàng cũng có thể giám sát hoạt động của cán bộ tín dụng dựa trên điểm tín dụng cá nhân, lịch sử vay vốn… từ đó tránh được những khuất tất trong quan hệ tín dụng”, anh Hùng nói.