Thu, chi Quỹ Bảo hiểm xã hội: Không đạt dự toán, phải cắt giảm chi tiêu
Đề xuất tăng 6,92% lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp hàng tháng từ 1/7/2018 | |
Phạt đến 75 triệu đồng đối với hành vi trốn, chậm đóng bảo hiểm xã hội | |
Bảo đảm quyền lợi cho người lao động |
Vừa qua, Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội đã có ý kiến về Báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện chi phí quản lý bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm thất nghiệp giai đoạn 2016 - 2018 và đề xuất chi phí quản lý BHXH, bảo hiểm thất nghiệp giai đoạn 2019 - 2021.
Phải bảo đảm chi phí quản lý BHXH, BHTN không vượt quá mức trích tính trên số thực thu, chi |
Cơ bản đồng tình với bản báo cáo này, tuy nhiên Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội, bà Nguyễn Thúy Anh cũng nêu nhiều điểm cần được Chính phủ quan tâm, như: kết quả thực hiện chi phí quản lý BHXH các năm 2016, 2017 tuy bảo đảm tỷ lệ theo quy định nhưng mức tiền đều tăng so với dự kiến chi phí quản lý được đề xuất giai đoạn 2016 - 2018, cụ thể: năm 2016 tăng 6,2% (612 tỷ đồng); năm 2017 tăng 13% (1.385 tỷ đồng); dự kiến năm 2018 tăng 21% (2.403 tỷ đồng). Điều này cho thấy, việc dự báo đối tượng tham gia và đối tượng thụ hưởng chưa sát với những thay đổi chính sách đã được quy định trong Luật BHXH 2014.
Bên cạnh đó, khi xây dựng nhu cầu chi phí quản lý BHXH giai đoạn 2016 - 2018 chưa dự báo một số chi phí lớn để triển khai một số nhiệm vụ mới phát sinh theo quy định của Luật BHXH. Ví dụ như việc bàn giao sổ BHXH cho người lao động, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia, cấp số định danh và quản lý đối tượng tham gia BHYT hộ gia đình... Một số nội dung chi được dự toán chưa sát, có sự chênh lệch lớn, BHXH Việt Nam phải sắp xếp kinh phí trong phạm vi dự toán được giao để bảo đảm nguồn lực thực hiện nhiệm vụ.
Đại diện Ủy ban về Các vấn đề xã hội cũng nêu hàng loạt bất cập khác trong công tác quản lý của ngành này như: hình thức, phương pháp tuyên truyền tuy có đổi mới bằng việc tăng cường đối thoại chính sách nhưng còn dàn trải, chưa mang lại hiệu quả rõ nét về phát triển đối tượng tham gia, chưa ưu tiên tiếp cận những nhóm lao động tiềm năng như người làm việc theo hợp đồng lao động từ đủ 1 đến dưới 3 tháng, đối tượng tham gia BHXH tự nguyện.
Việc giao dự toán chi phí quản lý theo tỷ lệ phần trăm (%) tính trên dự toán thu, chi BHXH, BHTN nhưng không xác định tỷ trọng của từng nội dung chi nên chưa tạo động lực khuyến khích tiết kiệm chi thường xuyên cho hoạt động quản lý bộ máy để tăng chi đầu tư xây dựng cơ sở vật chất; chưa phải là giải pháp tài chính hữu hiệu xử lý tình trạng trốn đóng, nợ đọng, lạm dụng, trục lợi BHXH, BHYT, BHTN còn đang diễn ra phổ biến tại nhiều địa phương và ở mức cao.
Bà Thúy Anh đề nghị Chính phủ quan tâm rà soát để hạn chế việc chuyển nguồn kết dư chi phí quản lý BHXH hàng năm để đảm bảo kỷ luật tài chính; đôn đốc để có giải pháp thu hồi các khoản đầu tư kém hiệu quả...
Về đề xuất chi phí quản lý giai đoạn 2019 -2021, Ủy ban về Các vấn đề xã hội đề nghị Chính phủ cần quan tâm bảo đảm gắn hiệu quả sử dụng chi phí quản lý với kết quả thực hiện chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTN hàng năm. Đồng thời sắp xếp, tổ chức bộ máy BHXH tinh gọn, hiệu quả, thực hiện theo định biên vị trí việc làm phù hợp, nâng cao năng suất lao động, nâng cao chất lượng phục vụ và củng cố niềm tin của nhân dân vào vai trò trụ cột của BHXH, BHYT, BHTN đối với an sinh xã hội.
Đối với phương thức giao chi phí quản lý và mức chi phí quản lý, Ủy ban này đồng ý với đề xuất của Chính phủ, quy định chi phí quản lý BHXH, BHTN giai đoạn 2019-2021 tính trên tổng thu và chi. Theo đó, mức chi phí quản lý BHXH, BHTN năm 2019 bằng 2,15%; năm 2020 bằng 2,0%; năm 2021 bằng 1,85% dự toán thu, chi BHXH, BHTN (trừ số chi đóng BHYT cho người hưởng BHXH). Bình quân giai đoạn này bằng 2,0% tính trên dự toán thu, chi BHXH, BHTN, giảm 13% so giai đoạn 2016-2018.
Song Ủy ban về Các vấn đề xã hội cũng đề nghị trong trường hợp việc thực hiện thu, chi quỹ BHXH, BHTN trong năm không đạt dự toán, thì phải cắt giảm chi tiêu, tiết kiệm kinh phí tương ứng, bảo đảm chi phí quản lý BHXH, BHTN không vượt quá mức trích tính trên số thực thu, chi.