Giảm giờ làm: Cần cân nhắc kỹ nhiều yếu tố
[Infographic] Chỉ số PMI ngành sản xuất Việt Nam tháng 3/2024 Hơn 1000 cơ hội việc làm ngành du lịch Thông báo tuyển dụng viên chức vào làm việc tại Viện Chiến lược Ngân hàng |
Xu thế chung trên thế giới
Vào cuối năm 2023, Chính phủ giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp các bộ, ngành nghiên cứu sớm giảm giờ làm việc cho người lao động trong doanh nghiệp thấp hơn 48 giờ/tuần.
Sang đến thời điểm năm 2024, mới đây, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam lại tiếp tục đưa ra đề xuất tương tự. Đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, các cơ quan nhà nước được nghỉ cả ngày thứ 7 trong khi các doanh nghiệp không được nghỉ là không công bằng.
Tại Việt Nam, năm 1999, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 188 về thực hiện chế độ tuần làm việc 40 giờ ở khu vực công. Đến nay, sau 24 năm, quy định thời giờ làm việc 40 giờ/tuần vẫn chỉ được thực hiện ở khu vực công.
Nhiều quốc gia trên thế giới giảm giờ làm để người lao động "hạnh phúc" hơn |
Nhiều thống kê chỉ ra, Việt Nam nằm trong nhóm nước có thời giờ làm việc bình thường theo tuần (từ 48 giờ/tuần trở lên) và số giờ làm việc trung bình năm (khoảng 2.339 giờ) thuộc hàng cao nhất thế giới. Theo chiều ngược lại, người lao động Việt Nam được hưởng số ngày nghỉ phép năm khởi điểm ít nhất thế giới (12 ngày) và số ngày nghỉ lễ, Tết ở mức trung bình thấp so với các quốc gia trên thế giới và khu vực.
Bởi nhiều lý do nêu trên, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị giảm giờ để người lao động có điều kiện tái tạo phục hồi sức lao động.
Tại một số các quốc gia tiên tiến trên thế giới hiện đang áp dụng quy định làm việc dưới 40 giờ/tuần. Đơn cử như New Zealand, chính phủ quốc gia này khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện giảm giờ làm nhằm cải thiện sức khỏe và tăng sự hài lòng của nhân viên. Bỉ là quốc gia đầu tiên ở châu Âu cho phép người dân có quyền tự quyết làm việc 4 ngày/tuần (tức 32 giờ/tuần) mà vẫn được hưởng đầy đủ lương thưởng. Nước Anh cũng từng thử nghiệm chế độ làm việc 4 ngày/tuần với 70 tổ chức tại đất nước này và cho hiệu quả công việc tích cực hơn.
Cần đảm bảo quyền lợi cho người lao động và doanh nghiệp
Dù đề xuất giảm giờ làm là tiến bộ, tuy nhiên khi áp dụng ở Việt Nam vẫn cần xét đến nhiều yếu tố và hoàn cảnh nền kinh tế trong thời điểm hiện tại.
Theo nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân, đề xuất này không phải là mới, trước đây nhiều bên đã đề xuất giảm giờ làm, tuy nhiên đến nay đều chưa được xem xét.
Đồng tình với việc tiến tới giảm giờ làm trong tương lai, vị nguyên Thứ trưởng này nhấn mạnh: Giảm giờ làm là mục tiêu chung của lao động trên thế giới, nhất là công nhân, chứ không phải riêng Việt Nam. Tuy nhiên, từ đề xuất đi vào thực tế cần có sự chuẩn bị đủ các điều kiện như cải thiện năng suất lao động, nâng mặt bằng tiền lương, thu nhập của lao động…
Nhiều người lao động còn băn khoăn, giảm giờ làm có kéo theo ảnh hưởng đến thu nhập? |
Hiện tại, mặt bằng tiền lương, tiền công được doanh nghiệp trả theo thời gian làm việc. Trong bối cảnh năng suất lao động chưa cao, mặt bằng thu nhập thấp thì phải kéo dài thời giờ làm việc, nếu giảm giờ làm thì thu nhập của người lao động sẽ giảm theo.
Nhiều người lao động khi được hỏi đã chia sẻ rằng, thu nhập thực tế khi làm việc 48 giờ/tuần còn chưa đảm bảo mức sống, vậy nếu giảm giờ làm có thể kéo theo giảm tiền lương, nên rất cần cân nhắc.
Ở Việt Nam, vài năm gần đây trong bối cảnh kinh tế khó khăn thì nhiều người lao động sẵn sàng làm thêm giờ để có thêm thu nhập, trang trải cuộc sống.
Trên thực tế, kinh tế Việt Nam vừa bước qua giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19, các đơn hàng quốc tế đang dần quay trở lại. Nếu giảm giờ làm, câu chuyện đảm bảo hàng hóa phục vụ đơn hàng, thị trường tiêu dùng sẽ là bài toán khó đối với doanh nghiệp.
Chủ một doanh nghiệp may mặc có tiếng cho rằng khi xem xét giảm giờ làm cần lưu ý hai nhóm đối tượng: Đầu tiên là những doanh nghiệp không liên quan đến sản xuất thì có thể giảm giờ làm việc. Ngược lại là nhóm liên quan đến trực tiếp sản xuất, phụ thuộc vào thâm dụng lao động thì không thể giảm giờ làm, vì hiện nay Việt Nam đang cạnh tranh về hàng hóa, công việc rất gay gắt. Đề xuất giảm thời gian làm việc, tăng thu nhập cho người lao động chỉ mang tính cơ học. Trong trường hợp không đáp ứng được đơn hàng của đối tác thì những người ảnh hưởng trực tiếp nhất về mặt thu nhập và có nguy cơ bị sa thải chính là người lao động.
Theo nhiều chuyên gia, giải pháp trước mắt có thể thí điểm điều chỉnh giảm giờ làm việc chính thức ở 1 số ngành nghề. Đồng thời, cần nhìn ra thực tế mỗi doanh nghiệp sẽ có một cơ chế hoạt động, ngành nghề riêng, cho nên nếu vội vã áp chung một cơ chế giảm giờ làm là thiếu thực tế, có thể ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của doanh nghiệp và người lao động.