Thúc đẩy quan hệ kinh tế Việt - Mỹ: 6 nhóm vấn đề cần giải quyết
Mỹ nới “trừng phạt” Huawei | |
Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh Việt – Mỹ: Vun đắp động lực, hướng tới tương lai |
Ảnh minh họa |
Chọn cách để đạt mục tiêu ngắn hạn
Để làm sâu sắc hơn nữa quan hệ thương mại và đầu tư Việt - Mỹ trong thời gian tới, có nhiều hướng tiếp cận mà Chính phủ hai bên có thể xem xét, như: Khởi động các cuộc đàm phán của một FTA song phương; Nâng cấp Hiệp định thương mại song phương (BTA) và Tăng cường khuôn khổ Hiệp định Khung Thương mại và Đầu tư (TIFA) thông qua khởi động một sáng kiến song phương mới tập trung vào việc đạt được kết quả cụ thể về các vấn đề ưu tiên.
Trong đó, khởi động các cuộc đàm phán về một FTA song phương toàn diện chính là mục tiêu cuối cùng cần hướng tới trong mối quan hệ thương mại và đầu tư giữa hai nước. Tuy nhiên, để theo đuổi một FTA song phương sẽ đòi hỏi một sự nhận thức rõ ràng rằng, hai bên cần chia sẻ các mục tiêu chung nhưng trước hết phải đạt được những mục tiêu ngắn hạn. Trong đó bao gồm việc giải quyết các vấn đề còn vướng mắc trong quan hệ song phương, tăng cường năng lực của Việt Nam để thực hiện các cam kết tiêu chuẩn cao, và ưu tiên thúc đẩy hơn nữa thương mại và đầu tư song phương và xem đây như các bước đệm để cuối cùng tiến tới một FTA.
Những mục tiêu ngắn hạn như nêu trên có thể đạt được bằng cách nào? Trong Sách Trắng do Phòng Thương mại Hoa Kỳ công bố mới đây đã đưa ra khuyến nghị: Hai bên nên khởi động một sáng kiến song phương mới dưới sự bảo trợ của TIFA hiện tại và nâng mức độ thảo luận ở cấp quan chức cấp cao hơn.
Việc tăng cường TIFA theo cách này sẽ thúc đẩy sự tham gia song phương và thiết lập các mục tiêu chung mà hai nước có thể tập trung vào. Tiếp tục sử dụng cơ chế TIFA sẽ đảm bảo tính liên tục, coi đây là một diễn đàn có giá trị và lâu bền để tăng cường quan hệ thương mại và đầu tư.
“Mặc dù hai nước có thể đàm phán FTA trong tương lai, nhưng bắt đầu theo cách tiếp cận này sẽ cho phép giải quyết kịp thời hơn các vấn đề song phương nổi bật và sẽ giúp xây dựng niềm tin cho các cuộc đàm phán FTA trong tương lai. Đồng thời, cuộc đối thoại cấp cao hơn sẽ thúc đẩy thương mại và đầu tư song phương trong các lĩnh vực mà sẽ hỗ trợ tăng trưởng và phát triển kinh tế của Việt Nam”, Sách Trắng nhấn mạnh.
Những trọng tâm cần giải quyết
Để đạt được các mục tiêu này, hai nước cần tập trung vào kế hoạch chi tiết giải quyết các vấn đề bao gồm: Thương mại kỹ thuật số, quyền sở hữu trí tuệ, thuận lợi về hải quan và thương mại, các rào cản kỹ thuật đối với các tiêu chuẩn thương mại, vệ sinh và kiểm dịch thực vật, và cơ sở hạ tầng năng lượng.
Về thương mại kỹ thuật số, Hoa Kỳ và Việt Nam nên đàm phán một thỏa thuận về lĩnh vực này theo hướng tiếp cận cân bằng và có thể dự đoán, từ đó giúp Việt Nam tăng cường sức hấp dẫn như là một điểm đến của đầu tư. Một thỏa thuận như vậy nên bao gồm đối thoại song phương để tăng cường hợp tác về quyền riêng tư, an ninh mạng và các vấn đề thương mại kỹ thuật số mới phát sinh khác. Hoa Kỳ và Việt Nam cũng nên tìm cách giải quyết các vấn đề xung quanh việc thực thi các luật liên quan đến thương mại kỹ thuật số của Việt Nam, trong đó có Luật An ninh mạng và các biện pháp về dịch vụ thanh toán điện tử.
Hoa Kỳ và Việt Nam cần đàm phán một thỏa thuận về quyền sở hữu trí tuệ (IPR), bởi điều này sẽ giúp Việt Nam thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế và thu hút đầu tư nước ngoài. Một thỏa thuận như vậy cần bao gồm một chương trình hỗ trợ kỹ thuật mạnh mẽ và nâng cao năng lực để thực hiện các cam kết IPR mà Việt Nam đưa ra trong các hiệp định thương mại được ký kết gần đây, đặc biệt tập trung vào các lĩnh vực mà Việt Nam có thể phải đối mặt với những thách thức quan trọng nhất.
Đối với hải quan và thuận lợi hóa thương mại, hai bên nên đàm phán một thỏa thuận lĩnh vực này để giúp thúc đẩy thương mại song phương, giảm trốn thuế và tăng nguồn thu của Chính phủ, trong khi giảm thiểu được các rủi ro về an toàn và sức khỏe cộng đồng do sản phẩm giả hay các hoạt động thương mại bất hợp pháp khác gây ra. Thỏa thuận cần bao gồm các cam kết không kém phần nghiêm ngặt hơn so với các cam kết đưa ra trong CPTPP và FTA EU-Việt Nam.
Bên cạnh đó, một hoặc một loạt thỏa thuận về rào cản kỹ thuật đối với thương mại (TBT) cũng cần được đàm phán để giúp điều chỉnh các tiêu chuẩn của Hoa Kỳ và Việt Nam. Làm được như vậy sẽ tạo thuận lợi cho thương mại thông qua việc các sản phẩm của DN hai bên chỉ phải đáp ứng các tiêu chuẩn chung thay vì riêng của từng thị trường, đồng thời khuyến khích sự minh bạch và quản trị tốt.
Trong khi đó để bảo vệ tốt hơn sức khỏe người tiêu dùng, an toàn của nguồn cung cấp thực phẩm, khuyến khích sự minh bạch và quản trị tốt qua đó thúc đẩy thương mại nông nghiệp song phương, Hoa Kỳ và Việt Nam nên đàm phán một thỏa thuận về các vấn đề liên quan đến tiêu chuẩn vệ sinh và kiểm dịch thực vật, từ đó giúp điều chỉnh các tiêu chuẩn của Hoa Kỳ và Việt Nam hướng đến các mục tiêu trên.
Cuối cùng, Hoa Kỳ và Việt Nam nên đàm phán một thỏa thuận về cơ sở hạ tầng năng lượng để giải quyết các rào cản phi tiêu chuẩn, các tiêu chuẩn và các vấn đề khác, từ đó sẽ giúp Việt Nam phát triển cơ sở hạ tầng năng lượng cần thiết để hỗ trợ nền kinh tế đang phát triển. Sách Trắng khuyến nghị, hai bên nên bắt đầu các cuộc thảo luận về các vấn đề trên càng sớm càng tốt, tiến tới thống nhất các sáng kiến cụ thể để phục vụ kịp thời cho nguyên thủ hai quốc gia trao đổi trong các cuộc gặp trong tương lai.