Mỹ nới “trừng phạt” Huawei
Trụ sở Huawei tại Đông Quan, Thâm Quyến, Trung Quốc |
Cụ thể, Bộ Thương mại Mỹ sẽ cho phép Huawei Technologies mua hàng hóa do nước này sản xuất để duy trì các mạng hiện có và cung cấp cập nhật phần mềm cho các thiết bị cầm tay Huawei hiện có. Tuy nhiên, Huawei vẫn bị cấm mua linh kiện của Mỹ để sản xuất các sản phẩm mới nếu không được cấp phép, mà dường như khả năng cao là sẽ bị từ chối.
Quyết sách mới này nhằm giúp cho các nhà cung cấp sản phẩm viễn thông của Huawei dựa vào thời gian sử dụng của thiết bị để thu xếp các hành động phù hợp, Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Wilbur Ross cho biết trong một tuyên bố.
Chính sách hạn chế thương mại Huawei dẫn tới những thay đổi trong chuỗi cung ứng của công ty công nghệ này, có thể gây ra hậu quả tức thời, sâu rộng và không lường trước cho khách hàng của Huawei.
“Mục tiêu dường như là để ngăn chặn hệ thống internet, máy tính và điện thoại di động của Huawei bị sập”, ông Kevin Wolf, một cựu quan chức của Bộ Thương mại Mỹ giải thích về quyết định nới lỏng tạm thời mới ban hành. “Đây không phải là một sự nhượng bộ mà để sắp xếp lại”.
Reuters đã đưa tin hôm Chủ nhật rằng Google đã ngừng kinh doanh với Huawei, yêu cầu chuyển giao phần cứng, phần mềm và dịch vụ kỹ thuật trừ những sản phẩm sử dụng mã nguồn mở.
Huawei, nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới, từ chối bình luận với CNBC.
Bộ Thương mại Mỹ cho biết sẽ đánh giá xem liệu có nên gia hạn miễn trừ sau 90 ngày hiệu lực của biện pháp nới lỏng hạn chế thương mại hay không.
Hôm thứ Năm tuần trước, Bộ Thương mại Mỹ đã thêm Huawei và 68 tổ chức khác vào danh sách đen xuất khẩu, khiến công ty này gần như không thể mua hàng hóa sản xuất tại Mỹ.
Các công ty trong danh sách được coi là tham gia vào các hoạt động trái với an ninh quốc gia hoặc lợi ích chính sách đối ngoại của Mỹ.
Thông báo thứ Hai của Bộ Thương mại Mỹ cho biết quyết định mới được ban hành như một giấy phép tạm thời, có hiệu lực cho đến ngày 19/8.
Quyết định mới cũng cho phép tiết lộ các lỗ hổng bảo mật và để Huawei tham gia vào việc phát triển các tiêu chuẩn cho mạng 5G trong tương lai.
Trong số 70 tỷ USD Huawei đã chi cho việc mua linh kiện của Mỹ vào năm 2018, khoảng 11 tỷ USD đã được chuyển đến các công ty như Qualcomm, Intel và Micron Technology.
“Tôi nghĩ hiện tình như là một cuộc kiểm tra thực tế”, chuyên gia luật thương mại Washington Douglas Jacobson nói. “Nó sẽ cho biết mức độ phổ biến của hàng hóa và công nghệ Huawei đến mức nào trên toàn cầu và nếu Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt thì điều đó có tác động đến đâu”.
Jacobson cho biết quyết sách mới là nhằm giữ cho các mạng di động tại châu Âu và các quốc gia khác, nơi thiết bị của Huawei khá phổ biến, ổn định được hoạt động.
Động thái này cũng có thể hỗ trợ các nhà cung cấp dịch vụ di động tại các khu vực đông dân cư ở Mỹ, chẳng hạn như bang Utah và miền đông Oregon, đã mua thiết bị mạng từ Huawei trong những năm gần đây.
Cựu quan chức Bộ Thương mại Kevin Wolf cho biết quyết định nới lỏng biện pháp trừng phạt tạm thời tương tự như hành động của bộ này vào tháng 7 năm ngoái để ngăn chặn các hệ thống bị sập, sau khi Mỹ cấm ZTE của Trung Quốc, một đối thủ nhỏ hơn của Huawei, mua các linh kiện do Mỹ sản xuất vào tháng 4/2018.
Quyết định hạn chế thương mại của Mỹ đối với ZTE đã gây thiệt hại nặng nề cho các nhà mạng không dây ở châu Âu và Nam Á, sau đó được dỡ bỏ vào ngày 13/7, khi ZTE đạt được thỏa thuận với Bộ Thương mại Mỹ, bao gồm khoản tiền phạt 1 tỷ USD cộng với 400 triệu USD tiền ký quỹ và thay thế ban giám đốc và quản lý cấp cao.
ZTE vốn đã ngừng các hoạt động chính do quyết định hạn chế thương mại thì sau đó tiếp tục kinh doanh trở lại.