Thúc đẩy thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công: Cần nhiều giải pháp đồng bộ
Thúc đẩy thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công: Cần nhiều giải pháp đồng bộ |
Thanh toán các dịch vụ công qua ngân hàng sẽ giúp hạn chế một khối lượng lớn tiền mặt trong lưu thông, từ đó giảm bớt những phí tổn của xã hội có liên quan đến việc phát hành và lưu thông tiền như chi phí in ấn, kiểm đếm, chuyên chở, bảo quản và huỷ bỏ tiền cũ, rách. Thêm vào đó, việc thanh toán dịch vụ qua ngân hàng giúp tăng sự lưu chuyển tiền tệ hỗ trợ nền kinh tế thông qua việc rút ngắn thời gian luân chuyển vốn qua các hệ thống thanh toán, giảm thời gian vốn trôi nổi, thúc đẩy chung chuyển vốn, qua đó góp phần tăng hiệu suất sử dụng vốn cải thiện tính hiệu quả, tăng thêm sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Đến nay, sau khi Đề án được phê duyệt, các Bộ, ban, ngành, UBND các tỉnh, thành phố đã tích cực hưởng ứng triển khai, trong đó nhiều đơn vị đã ban hành kế hoạch chi tiết nhằm thực hiện Đề án. Ngân hàng là một trong những Ngành chủ động đi đầu trong việc triển khai Quyết định số 241 của Thủ tướng Chính phủ.
Hoàn thiện về pháp lý và phát triển hạ tầng thanh toán
Triển khai Quyết định số 241, Thống đốc NHNN đã ký Quyết định số 923/QĐ-NHNN ngày 09/5/2018 ban hành Kế hoạch triển khai Quyết định số 241. Bên cạnh đó, NHNN đã xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ ban hành, xây dựng Kế hoạch và tổ chức thực hiện Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công: thuế, điện, nước, học phí, viện phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội theo Quyết định số 241. Mới đây, Thống đốc NHNN đã ban hành văn bản số 6422/NHNN-TT yêu cầu NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố thực hiện một số công việc để đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) đối với dịch vụ công.
Thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp tại Quyết định số 241, Quyết định số 923/QĐ-NHNN, về việc hoàn thiện hành lang pháp lý, NHNN đã nghiên cứu xây dựng Nghị định thay thế Nghị định về TTKDTM; sửa đổi, bổ sung quy định về phòng, chống rửa tiền nhằm tạo hành lang pháp lý cho việc ứng dụng công nghệ trong nhận biết thông tin khách hàng bằng phương thức điện tử và cung ứng sản phẩm, dịch vụ thanh toán liên quan đến công nghệ mới; nghiên cứu sửa đổi, bổ sung hành lang pháp lý cho Hệ thống thanh toán bù trừ tự động (ACH); sửa đổi, bổ sung một số Thông tư quy định về trung gian thanh toán và về phí dịch vụ ngân hàng.
Ngoài ra, NHNN đã nghiên cứu và phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, đơn vị liên quan xây dựng các cơ chế, chính sách, chương trình nhằm thúc đẩy TTKDTM nói chung cũng như thanh toán dịch vụ công nói riêng. Đồng thời, NHNN cũng chỉ đạo các tổ chức tín dụng đầu tư hạ tầng, nghiên cứu phát triển đa dạng sản phẩm dịch vụ thanh toán tiện ích, kết nối với các cơ quan liên quan (thuế, hải quan, kho bạc nhà nước, điện lực, bảo hiểm xã hội, bệnh viện...), đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng trong thanh toán đối với dịch vụ công; chỉ đạo các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán (TCCƯDVTT), dịch vụ TGTT tăng cường việc đảm bảo an ninh an toàn trong hoạt động thanh toán.
Đối với công tác phối hợp thu Ngân sách nhà nước (NSNN), NHNN đã nâng cấp, chỉnh sửa Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng (IBPS), phục vụ kết nối với Kho bạc Nhà nước (KBNN) tỉnh trên toàn quốc, chỉ đạo các ngân hàng thương mại (NHTM) tích cực tham gia thu thuế điện tử, bảo hiểm xã hội.
Hạ tầng thanh toán dịch vụ công cũng ngày càng phát triển. Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng (IBPS) hoạt động ổn định, an toàn, phát huy hiệu quả, đáp ứng tốt nhu cầu thanh toán liên ngân hàng trong toàn quốc, giữ vai trò là hệ thống thanh toán xương sống của quốc gia, góp phần đẩy nhanh tốc độ thanh toán và phát triển TTKDTM. Cơ sở hạ tầng và công nghệ phục vụ TTKDTM tiếp tục được chú trọng đầu tư, nâng cao chất lượng và phát huy hiệu quả. Đến nay có khoảng trên 18 nghìn ATM và trên 278 nghìn POS, POS hiện đã được lắp đặt tại hầu hết các cơ sở, chuỗi phân phối, bán lẻ, khách sạn lớn, đang mở rộng dần ra các cơ sở y tế, bệnh viện, trường học, quầy giao dịch KBNN.
Thời gian qua, NHNN đã đẩy mạnh truyền thông nhằm trang bị cho người dân kiến thức sử dụng các dịch vụ tài chính, thúc đẩy TTKDTM, thanh toán các dịch vụ công qua ngân hàng với hình thức sáng tạo và phong phú. Điển hình, các chương trình giáo dục tài chính như “Tiền khéo tiền khôn” và “Những đứa trẻ thông thái” đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của công chúng, các cơ quan, tổ chức quốc tế.
Dịch vụ công được thanh toán qua ngân hàng ngày càng nhiều
Theo báo cáo của Vụ Thanh toán (NHNN), đến nay, có khoảng 50 NHTM tham gia phối hợp thu thuế điện tử với Tổng cục Thuế trên 63 tỉnh/thành phố; 38 ngân hàng triển khai phối hợp thu với Tổng Cục Hải Quan, đáp ứng yêu cầu thanh toán điện tử phục vụ thu chi NSNN với nhiều hình thức như: thu nộp tiền mặt tại các quầy giao dịch của NHTM, qua chuyển khoản, Internet Banking, ATM và thí điểm sử dụng POS tại một số đơn vị để hạn chế việc nộp NSNN bằng tiền mặt tại trụ sở KBNN, tiến tới việc KBNN sẽ không thực hiện thu ngân sách bằng tiền mặt; 26 ngân hàng thỏa thuận với các công ty điện lực cung ứng dịch vụ thu hộ tiền điện trên phạm vi toàn quốc; 26 ngân hàng triển khai phối hợp thu tiền nước tại hơn 20 tỉnh, thành phố; 11 ngân hàng triển khai phối hợp thu tiền học phí, đa số được triển khai tại các trường đại học; 6 ngân hàng phối hợp triển khai dịch vụ thu hộ viện phí tại các bệnh viện lớn; 5 ngân hàng phối hợp chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội.
Công tác phối hợp thu NSNN qua NHTM tiếp tục được chú trọng và tăng cường, góp phần đa dạng hóa các kênh thu, nộp thuế, tạo nhiều tiện ích và thuận lợi cho doanh nghiệp và người nộp thuế. Đến nay, KBNN đã triển khai thanh toán điện tử song phương và phối hợp thu NSNN thành công với 5 NHTM lớn trên toàn quốc, với các hình thức thu nộp NSNN đa dạng. Nhiều phương thức thanh toán mới, hiện đại, dễ sử dụng cho khách hàng lựa chọn như: dịch vụ trích nợ tự động, thanh toán thẻ, giao dịch tại ATM, POS, sử dụng dịch vụ internet banking, mobile banking, sử dụng ví điện tử... Số lượng đơn vị sử dụng NSNN và số cán bộ công chức thực hiện trả lương qua tài khoản tiếp tục tăng lên, với trên 75.300 đơn vị hưởng lương từ NSNN (chiếm trên 81%) thực hiện trả lương qua tài khoản với hơn 2,45 triệu cán bộ công chức nhận lương qua tài khoản (chiếm trên 80%).
Mặc dù có những chuyển biến tích cực nhưng trên thực tế, việc thanh toán qua ngân hàng đối với dịch vụ công vẫn còn khiêm tốn, phạm vi triển khai chủ yếu tập trung vào nhóm đối tượng khách hàng là các tổ chức, doanh nghiệp hoặc tại các tỉnh, thành phố lớn, điều kiện kinh tế phát triển. Giao dịch thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng chưa nhiều, đặc biệt là ở địa bàn vùng sâu, vùng xa. Việc kết nối giữa ngân hàng với các tổ chức cung ứng dịch vụ công vẫn còn có những khó khăn. Khả năng trao đổi, chia sẻ thông tin, truy xuất dữ liệu liên quan đến các khoản thanh toán phí dịch vụ công còn hạn chế. Bên cạnh đó là thói quen sử dụng tiền mặt trong thanh toán của người dân và tâm lý ngại thay đổi phương thức thanh toán của một bộ phận khách hàng.
Tiếp tục triển khai các giải pháp để đẩy mạnh thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng
Để đạt những mục tiêu của Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công: thuế, điện, nước, học phí, viện phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội, theo Vụ Thanh toán (NHNN), thời gian tới, cơ quan quản lý tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và cơ chế chính sách về thanh toán qua ngân hàng, tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý hiện hành để tạo thuận lợi cho các ngân hàng trong việc cung ứng các sản phẩm dịch vụ công nghệ mới, cung ứng các sản phẩm dịch vụ thanh toán phù hợp với đặc thù dịch vụ công và điều kiện ở nông thôn vùng sâu, vùng xa.
Bên cạnh đó, các ngân hàng tích cực triển khai ứng dụng các hình thức, phương thức mới, hiện đại phục vụ thanh toán qua ngân hàng đối với dịch vụ công và chi trả an sinh xã hội, trong đó, bao gồm việc tiếp tục mở rộng thêm mạng lưới thiết bị chấp nhận thanh toán thẻ tại các đơn vị KBNN, các bệnh viện, trường học để phục vụ thu phí dịch vụ qua ngân hàng và tiếp tục triển khai thêm các hình thức, phương thức thanh toán mới tiến tiến, hiện đại phục vụ cho thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng.
Đồng thời, NHNN tiếp tục nghiên cứu xây dựng biện pháp trao đổi, chia sẻ thông tin phù hợp giữa đơn vị cung ứng dịch vụ công với ngân hàng, tiếp tục phối hợp với Bộ Tài chính để chỉnh sửa phần mềm Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng tương thích và đồng bộ với hệ thống trao đổi thông tin dữ liệu về thu, nộp ngân sách định danh các khoản thu (mã giao dịch - ID) của Bộ Tài chính; mở rộng và phát triển việc kết nối liên thông giữa các ngân hàng với các đơn vị điện nước, trường học, bệnh viện, bảo hiểm xã hội để thực hiện việc xử lý và đối chiếu thông tin dưới dạng dữ liệu điện tử tạo điều kiện thuận lợi cho việc theo dõi và quản lý các khoản thu, chi với khách hàng được nhanh chóng, chính xác... Bên cạnh đó, cần sự phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp trong việc triển khai các giải pháp đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với dịch vụ công và sự đầu tư cho công nghệ, công tác đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán của ngân hàng nhằm tạo niềm tin cho khách hàng.
Đặc biệt, công tác thông tin tuyên truyền tiếp tục được các ngân hàng đẩy mạnh cùng với việc thực hiện hiệu quả các giải pháp hỗ trợ khác như hợp tác với các tổ chức quốc tế, các nước trong và ngoài khu vực để học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm từ các mô hình dự án đã triển khai thành công tại các nước trên thế giới.
Bàn về vấn đề này, ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho rằng cần đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến sâu rộng bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, phù hợp với đặc điểm của từng nhóm đối tượng, từng vùng, miền, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, khu vực nông thôn nhằm nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng, dịch vụ thanh toán trong nền kinh tế, thúc đẩy các hình thức TTKDTM. “Cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức cung cấp dịch vụ công và người dân về thực hiện giao dịch thanh toán qua ngân hàng, bao gồm các khoản thuế, các loại hóa đơn định kỳ (điện, nước, học phí) và viện phí, chi trả an sinh xã hội qua ngân hàng” - ông Bùi Sỹ Lợi nói.