Thực hiện Nghị quyết 42: Số lượng khách hàng tự trả nợ đã tăng
Kiến nghị vướng mắc Nghị quyết 42 | |
Tạo lập khuôn khổ pháp lý đồng bộ cho xử lý nợ xấu | |
Tích cực áp dụng các biện pháp xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 |
Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh phát biểu tại hội nghị |
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh cho biết, từ khi có Nghị quyết 42 số lượng khách hàng tự trả nợ đã tăng lên. Điều đó đã chứng minh Nghị quyết này là văn bản rất hữu ích cho xử lý nợ xấu.
Thống kê toàn Ngành cho thấy, lũy kế đến 30/6/2019, hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) đã xử lý được trên 263,51 nghìn tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42. Trong đó, trong 6 tháng đầu năm 2019, đã xử lý được 64,97 nghìn tỷ đồng. Xử lý nợ xấu nội bảng xác định theo Nghị quyết 42 chủ yếu thông qua hình thức khách hàng trả nợ. Điều này phản ánh ý thức trả nợ của khách hàng đã cải thiện khi TCTD, Công ty quản lý tài sản các TCTD Việt Nam (VAMC) có quyền thu giữ tài sản bảo đảm (TSBĐ) theo Nghị quyết 42. Đây là dấu hiệu tích cực cho thấy Nghị quyết 42 đã và đang phát huy hiệu quả, góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và đẩy mạnh công tác xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD.
Riêng trên địa bàn TP. Hà Nội, lũy kế từ 15/8/2017 đến nay, nợ xấu đã xử lý theo Nghị quyết 42 của các TCTD trên địa bàn là trên 46 nghìn tỷ đồng. Trong đó, xử lý nợ xấu nội bảng là 16,38 nghìn tỷ đồng (chiếm 35,2%); xử lý các khoản nợ xấu đang hạch toán ngoài bảng cân đối kế toán là 8,42 nghìn tỷ đồng (chiếm 18,1%); Nợ xấu đã bán cho VAMC được thanh toán bằng trái phiếu đặc biệt là 21,68 nghìn tỷ đồng (chiếm 46,7%). Ngoài ra, đến thời điểm 30/6/2019 các TCTD trên địa bàn đã sử dụng 26,45 nghìn tỷ đồng dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu nội bảng theo Nghị quyết 42.
Ông Nguyễn Minh Tuấn – Giám đốc NHNN Chi nhánh TP. Hà Nội cho biết, sau hai năm Nghị quyết 42 đi vào thực tiễn, tỷ lệ nợ xấu có những bước chuyển biến rõ nét, góp phần giảm tỷ lệ nợ xấu trên địa bàn thành phố Hà Nội, cụ thể, tại thời điểm 31/7/2017 tỷ lệ nợ xấu là 2,8%/ tổng dư nợ; đến 30/6/2019 tỷ lệ nợ xấu giảm xuống còn 2,02%/tổng dư nợ.
Tuy nhiên, theo các TCTD trên địa bàn, mặc dù Nghị quyết 42 đã triển khai gần hai năm nhưng vẫn gặp những khó khăn, vướng mắc trong thu giữ TSBĐ; các cơ quan thực thi nhiệm vụ chưa vào cuộc quyết liệt. Theo ông Nguyễn Danh Thắng – Giám đốc Trung tâm xử lý nợ của BIDV, trong quá trình xử lý nợ xấu BIDV không thu giữ được tài sản, do không có chế tài cụ thể. “Đến Công an quận, huyện thì bảo việc này của xã, phường nhưng xuống phường, xã lại bảo nhiệm vụ này của quận, huyện”, ông Thắng chia sẻ.
Một khó khăn nữa là việc áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp về nghĩa vụ giao TSBĐ và xử lý TSBĐ đang rất khó khăn cũng được các TCTD nêu tại hội nghị; hay việc nhiều văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất tại Hà Nội chưa áp dụng thực hiện đối với trường hợp TSBĐ phát mại được tạm thời chưa thu thuế…
Toàn cảnh hội nghị |
Thay mặt Ban lãnh đạo NHNN, Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh đã trân trọng cảm ơn Thành ủy, HĐND, UBND và Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội luôn dành sự quan tâm tới ngành Ngân hàng và thể hiện qua việc tổ chức hội nghị hôm nay rất thiết thực để việc xử lý nợ xấu được thực hiện hiệu quả hơn nữa, góp phần vào ổn định kinh tế vĩ mô.
Theo Phó Thống đốc, thời gian vừa qua NHNN thường xuyên có những cuộc họp để đánh giá kết quả việc triển khai Nghị quyết 42. Từ những vướng mắc, khó khăn, những kiến nghị tại các cuộc họp trước đó và từ hội nghị này, NHNN Việt Nam sẽ tập hợp báo cáo lên Chính phủ.
“Chúng tôi xác định triển khai Nghị quyết 42 là nhiệm vụ chính trị. Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội sẽ tiếp thu đầy đủ những đề xuất, kiến nghị của các đại biểu tham dự hội nghị để phản ảnh tới các cơ quan liên quan và Ủy ban Thường vụ Quốc hội”, Phó Bí thư Thành ủy TP. Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc phát biểu.
Phó Bí thư Thành ủy TP. Hà Nội cũng yêu cầu các quận, huyện, sở, ngành của Thành phố thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 22/CT-UBND về việc thực hiện Chỉ thị số 32/CT-TTg ngày 19/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 1058/QĐ-TTg ngày 19/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ, để triển khai kịp thời, hiệu quả các quy định của Trung ương, Quốc hội trong việc xử lý nhanh, dứt điểm nợ xấu và TSBĐ của các khoản nợ xấu thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị quyết 42, đồng thời chỉ đạo triển khai các biện pháp phòng ngừa, hạn chế tối đa các khoản nợ xấu phát sinh và nâng cao chất lượng tín dụng của các TCTD, QTDND trên địa bàn Thành phố.