Tiền ảo, hệ lụy thật
Hợp lực quản lý tiền ảo | |
Hoàn thiện khung pháp lý để quản lý tiền điện tử, tiền ảo |
Ngày 21/7/2017, NHNN có công văn số 5747/NHNN-PC gửi Văn phòng Chính phủ trả lời về vấn đề Bitcoin, Litecoin với nội dung xác định các loại tiền ảo như trên không phải là tiền tệ và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp theo quy định chung của pháp luật Việt Nam.
“Việc phát hành, cung ứng và sử dụng tiền ảo nói chung và Bitcoin, Litecoin nói riêng làm tiền tệ hoặc phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm”. Thế nhưng điều trái ngược là dù không được thừa nhận, nhưng trên mạng người Việt đang có rất nhiều diễn đàn, nhóm, hội chuyên về đầu tư tiền ảo.
Ảnh minh họa |
Có thể kể ra hàng loạt các loại tiền ảo đang tung hoành trên mạng như Onecoin, Ilcoin, Gemcoin... Điểm chung của các loại tiền này là đều được tạo ra trên môi trường mạng Internet bằng các thuật toán phức tạp. Điều đáng lưu ý là các loại tiền ảo trên đều không phải là tiền tệ, hàng hóa hoặc phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Do vậy, việc sử dụng Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác làm phương tiện thanh toán đều không được pháp luật thừa nhận.
Gần đây, tiền ảo đang có những biến tướng khá phức tạp khi mà nhiều người kinh doanh tiền ảo theo mô hình kinh doanh đa cấp dưới hình thức kêu gọi đầu tư. Tại Gia Lai vừa xảy ra vụ việc các đối tượng lạ mặt lừa đảo huy động tiền của người dân, thông qua kêu gọi đầu tư vào mô hình giao dịch tiền ảo đa cấp với tên gọi là “ngân hàng cộng đồng Bitcoin” (gọi tắt là FXMT4) với mức lợi nhuận khá hấp dẫn lôi kéo hàng trăm người tham gia đầu tư.
Thế nhưng, chỉ sau một thời gian ngắn ngủi, mô hình này “biến mất” để lại khoản nợ nần cho những nhà đầu tư nông nổi “trót” nướng tiền thật vào tiền ảo. Khi sự việc vỡ lở, người dân trình báo cơ quan chức năng thì mọi chuyện đã quá muộn, vì các giao dịch mua bán tiền ảo đều không có bất kỳ văn bản nào có giá trị pháp lý để làm chứng cứ.
Các chuyên gia cảnh báo hoạt động đầu tư tiền điện tử đang tiềm ẩn nhiều rủi ro, mạo hiểm. Về bản chất, giá trị tiền điện tử không được điều tiết bởi ngân hàng hay Chính phủ, mà bị chi phối bởi “nhà cái” - người điều hành hoạt động giao dịch tiền “ảo”. Vừa đá bóng vừa thổi còi, “nhà cái” có quyền nâng - hạ giá trị tiền điện tử theo ý muốn.
Một trong những “biến tướng” phức tạp khác mà tiền ảo đang gây nên đó chính là tình trạng tăng giá “ảo” của các thiết bị đào tiền. Theo thống kê, hiện có một lực lượng đông đảo các nhà đầu tư, cá nhân tham gia đào tiền ảo, nhất là Bitcoin. Hành động "đào coin" thực ra là việc sử dụng phần lớn sức mạnh của máy tính để thực hiện các tác vụ kế toán cho blockchain của đồng tiền ảo, góp phần tạo ra các khối block mới cho dãy blockchain. Từ đó người đào sẽ được trả công bằng một lượng tiền ảo đã được định sẵn.
Thế nhưng, với những cỗ máy tính có giá cả chục ngàn USD và mỗi ngày nếu “may mắn” sẽ chỉ kiếm được khoảng vài USD khi đào Bitcoin. Nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp đã phải “ngậm đắng” để bán đi những dàn máy khủng với giá rẻ chỉ bởi hiệu quả thấp và không theo kịp với xu thế phát triển của tiền ảo, bởi đơn giản là càng nhiều người đào thì tỷ lệ khó càng tăng và càng yêu cầu những dàn máy “khủng” hơn.
Các chuyên gia kinh tế thẳng thắn, về bản chất các đồng tiền ảo chỉ là một sản phẩm ảo mặc định từ thuật toán phức tạp, khó thấy, khó hiểu và khó kiểm chứng, do cá nhân tạo ra và bị lạm dụng biến thành đối tượng kinh doanh “hàng ảo” thuần túy trên mạng. Các đồng tiền ảo không được Nhà nước phát hành và bảo hộ giá trị, không nằm dưới sự kiểm soát của Chính phủ hay Ngân hàng Trung ương, lại càng không thể đóng vai trò thước đo giá trị, phương tiện thanh toán, dự trữ, lưu thông như một đồng tiền quốc gia chính thức.
Mấu chốt là ở chỗ: đồng tiền ảo không được đảm bảo bằng vàng hay nói cách khác nó không có giá trị từ sản xuất và dựa trên một tiêu chuẩn vật chất nào! Việc tăng giá, hay giảm giá một đồng tiền ảo hoàn toàn có thể tạo ra bởi các nhóm tài phiệt hoặc nhóm hacker nên giá trị đồng tiền hoàn toàn có thể bị “bóp méo”. Thực tế đã cho thấy, cộng đồng đào Bitcoin đã chứng kiến không ít người mất toàn bộ số tiền đầu tư lên đến trăm triệu đồng khi sàn giao dịch tiền ảo BTC-E bị sập.
Do không tuân theo các quy luật khách quan và không chịu ảnh hưởng từ thị trường thực tế nên số lượng nhà đầu tư bị thua lỗ do đầu cơ, mua bán tiền “ảo” luôn chiếm đa số. Hơn nữa, khả năng mất trắng toàn bộ số tiền đầu tư có thể xảy ra nếu sàn giao dịch bị đánh sập, lúc này, việc đòi lại tài sản đã đầu tư là rất khó.