Mất tiền thật vì chơi tiền ảo
Bị hại vì lòng tham và mù quáng
Hiện nay, Việt Nam chưa công nhận bất cứ loại hình tiền ảo nào và cũng chưa có quy định pháp lý điều chỉnh hoạt động phát hành, mua bán, trao đổi tiền ảo, tài sản ảo; các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành cũng chưa quy định đơn vị chính thức quản lý việc phát hành và giao dịch các đồng tiền ảo, tài sản ảo.
Tuy nhiên, theo thống kê đến tháng 2/2023 của trang Similarweb.com, người dùng từ Việt Nam vẫn đang đứng trong top 5 (trên toàn thế giới) về lượng truy cập vào các sàn giao dịch tiền ảo, tiền số. Nguồn lợi đâu chưa thấy, nhưng đã có không ít người lao đao vì liên quan đến tiền ảo.
Lực lượng chức năng khám xét trụ sở của nhóm đối tượng điều hành sàn tiền ảo |
Mới đây, một nạn nhân tại TP. Thủ Đức cho biết, khi mở tài khoản để chơi, chị cũng giống như những người chơi khác, được thưởng 30 USD mà không cần nạp tiền trước. Sau đó, chị nạp 15.000 USD để bắt đầu chơi, một ngày sau số tiền tăng lên tới 32.369 USD, tức là lãi được 17.369 USD. Đã có trong tay một khoản lãi, nạn nhân dự định chuyển số tiền lãi này từ tài khoản ảo vào tài khoản ngân hàng để rút tiền thật, thì ôi thôi… tài khoản trên mạng liền bị khóa và xóa luôn!
Kể về lần mất trắng 200 triệu vì tiền ảo, anh Duy Thắng (TP. Hà Nội) cho biết, xuất phát từ lời giới thiệu của nhân viên tư vấn “đồng lương em bèo bọt nhưng giờ đã có nhà mặt phố, ôtô sang nhờ lãi tiền ảo”, anh đã mạnh dạn rút hết tiền tiết kiệm với hy vọng thay đổi cuộc sống. Sau vài lần chơi, anh liên tục thắng đậm, nhưng càng về sau, số tiền giảm theo cấp số nhân. Thậm chí, tư vấn viên gọi điện, nhắn tin chốt lệnh rồi mua liên tục, đang chạy xe ngoài đường anh cũng phải dừng lại để chốt lệnh vì nếu không chốt và không đóng thêm tiền bị sẽ cháy tài khoản, mất hết tiền gốc và lãi. “Nếu mình yêu cầu rút số tiền lãi thì họ bảo phải đóng thêm tiền để đủ định mức trong tài khoản gốc mới rút được tiền về. Càng đóng theo yêu cầu họ càng đòi hỏi với nhiều lý do vô lý để không trả tiền”, anh Thắng cho biết.
Về vấn đề này, đại diện Công an TP. Hồ Chí Minh cho biết, gần đây, xuất hiện tình trạng các đối tượng gọi điện mời chào, lôi kéo nạn nhân tham gia đầu tư vào các sàn giao dịch tiền ảo, chứng khoán quốc tế… do chúng thiết lập, cam kết sẽ hưởng lợi nhuận cao khi tham gia hệ thống. Các đối tượng thường quảng bá, đánh bóng tên tuổi bằng cách đăng tin, bài trên mạng xã hội, tổ chức các buổi hội thảo, gặp mặt offline, tự nhận là chuyên gia đầu tư, người truyền cảm hứng, người dẫn đường… để lừa đảo, kêu gọi đầu tư. Khi huy động được lượng tiền đủ lớn, các đối tượng sẽ can thiệp vào các giao dịch, điều chỉnh thắng thua hoặc báo lỗi, ngừng hoạt động (sập sàn) để chiếm đoạt tiền của người tham gia.
Theo các chuyên gia, hai nguyên nhân chính khiến các sàn giao dịch tiền ảo nở rộ, phát triển là lòng tham và sự mù quáng của người chơi.
Cần nâng cao cảnh giác
Trước tình hình này, các cơ quan chức năng khuyến cáo, người dân cần rất cảnh giác với các đối tượng mời chào tham gia đầu tư, tham dự hội thảo liên quan đến tiền ảo. Hiện nay, Việt Nam chưa công nhận bất cứ một sàn giao dịch tiền ảo nào. Do đó, người dân không nên tham gia vào thị trường này. Đồng thời, cần tuyên truyền cho người thân, gia đình, bạn bè không tham gia các hoạt động tương tự. Khi phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật, dấu hiệu phạm tội, thì phải phối hợp kịp thời với các cơ quan chức năng để đấu tranh xử lý...
Song song với đó, theo các chuyên gia, để loại bỏ những rủi ro về tiền ảo là một kế hoạch dài hạn, do đó, trong thời điểm hiện tại, cần tạo ra một hành lang pháp lý với chế tài nghiêm ngặt để ngăn chặn kịp thời các hành vi thao túng tiền tệ, lừa đảo đa cấp, đầu cơ dưới danh nghĩa giao dịch tiền ảo. Điều này là hết sức cần thiết, không chỉ đáp ứng các khuyến nghị của các tổ chức quốc tế về phòng, chống rửa tiền trên phạm vi toàn cầu, mà còn nhằm đảm bảo an ninh tài chính trong nước, không để tội phạm công nghệ - tài chính có cơ hội hoành hành, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người dân.