Tiền công nghệ và những rủi ro
Một thách thức cho chính sách tiền tệ | |
Tiền ảo, hệ lụy thật | |
Hợp lực quản lý tiền ảo |
Sơ khai thị trường tiền ảo
Ngay sau khi được Chính phủ giao nhiệm vụ phối hợp với các bộ, ngành khác thực hiện Đề án hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý các loại tài sản ảo, tiền ảo và tiền điện tử, NHNN đã khá nhanh chóng đưa ra các quan điểm rõ ràng về bản chất đồng tiền ảo Bitcoin (BTC) và chủ động đề xuất nhiều công việc nhằm nghiên cứu, xây dựng đề án. Trong đó, NHNN nhấn mạnh hiện Bitcoin chưa được công nhận là một loại tiền tệ dùng vào việc thanh toán trên lãnh thổ Việt Nam.
PGS.TS. Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Trưởng khoa Tài chính Đại học Kinh tế TP.HCM đánh giá, đây là việc làm hết sức cần thiết. Bởi việc tái khẳng định quan điểm không xem BTC là một loại tiền tệ theo pháp luật hiện hành tại Việt Nam cho thấy NHNN nhất quán ngay từ đầu rằng tính đến thời điểm hiện nay, việc sử dụng BTC làm phương tiện thanh toán không được pháp luật thừa nhận và bảo vệ. Việc sở hữu, mua bán, sử dụng BTC như là một loại tài sản tuy không vi phạm pháp luật nhưng cũng sẽ không được bảo vệ bởi pháp luật.
Mặc dù chưa được pháp luật công nhận và dễ chịu nhiều rủi ro, nhưng trên thị trường Việt Nam, nhu cầu tìm hiểu về BTC để đầu tư kiếm lợi đang có thật và ngày một lớn, nhất là các thành phố lớn. Tìm hiểu nhiều diễn đàn khác cho thấy, các bài viết tư vấn đầu tư BTC hiện cũng đang khá phổ biến. Một số cá nhân đã có kinh nghiệm trong việc mua bán BTC thậm chí còn mở ra dịch vụ hướng dẫn trực tiếp cho những người chưa biết gì về cách thức đầu tư BTC.
Ngày 27/2/2014, NHNN đã có thông cáo báo chí về Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác, trong đó khẳng định: - Bitcoin (và các loại tiền ảo tương tự khác) không phải là tiền tệ và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam; - Việc sở hữu, mua bán, sử dụng bitcoin (và các loại tiền ảo tương tự khác) như là một loại tài sản tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho người dân và không được pháp luật bảo vệ. NHNN sẽ tiến hành theo dõi, nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế cũng như thực tiễn của Việt Nam đề xuất các biện pháp và chính sách hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và quản lý đối với tiền điện tử cũng như phối hợp với Bộ Tư pháp và các bộ, ngành để đề xuất biện pháp quản lý phù hợp đối với tài sản ảo, tiền ảo trong thời gian tới theo lộ trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. |
Anh Nguyễn Đại Cường - một người đầu tư BTC tại TP.HCM từ năm 2013 - cho biết, trong thời gian vừa qua, nhiều người hỏi anh về cách thức đầu tư BTC. Có người sẵn sàng rút tiền tiết kiệm hoặc bán bất động sản để chuyển sang đầu tư BTC hy vọng kiếm lợi nhuận nhanh chóng. Tuy nhiên, việc đầu tư vào BTC theo anh Cường nếu không rành về máy tính và công nghệ thì phải hết sức cẩn trọng. Bởi các bảo mật giao dịch của BTC rất phức tạp. Nếu chỉ cần sơ ý quên mật khẩu ví hoặc để máy tính nhiễm các mã độc khi thực hiện các giao dịch thì dễ dàng bị đánh cắp mật khẩu và mất luôn các khoản tiền trong ví.
Bên cạnh đó, việc giá BTC biến động nhanh chóng, người tham gia đầu tư BTC ngày càng nhiều khiến cho các dịch vụ tư vấn nở rộ. Các trang web hoạt động trá hình, các phần mềm có cài cắm các mã độc sẽ phát triển nhanh. Vì thế nếu không hiểu biết về công nghệ thì rất rủi ro khi thực hiện các giao dịch BTC.
Đầu tư BTC “không dễ ăn”
Theo phân tích của giới đầu tư BTC tại TP.HCM, hiện nay có ba cách thức để đầu tư BTC. Thứ nhất là tạo ví tại máy cá nhân rồi mua lại coin từ các sàn giao dịch. Đợi khi giá lên thì bán lại và thu tiền mặt qua các dịch vụ Paypal hoặc Perpect Money. Thứ hai là đầu tư mở sàn giao dịch và thứ ba là đầu tư máy móc để đào BTC từ hệ thống blockchain.
Đối với trường hợp mở sàn giao dịch BTC. Hiện nay tại Việt Nam đã có một số DN tham gia (chẳng hạn Công ty TNHH BTC Vietnam). Tuy nhiên, việc mở sàn đòi hỏi cá nhân, tổ chức đứng ra kinh doanh phải có nguồn vốn khá lớn, có trình độ công nghệ tin học cao và phải đầu tư nhiều thời gian. Thêm vào đó, do pháp luật chưa thừa nhận BTC là tài sản nên các giao dịch không được bảo vệ bằng các văn bản pháp lý. Người đầu tư sợ Nhà nước sẽ ban lệnh cấm các sàn giao dịch BTC nên cũng không nhiều cá nhân, đơn vị đứng ra lập sàn.
Trường hợp mua sắm máy móc để đào BTC cũng là một cách để đầu tư vào đồng tiền này nhưng theo những người đã tham gia vào thị trường BTC để đầu tư một máy đào ít nhất sẽ tốn kém khoảng 7.000 USD. Trong khi đó độ khó của việc đào BTC đã tăng lên nhanh chóng. Như vậy, tại Việt Nam hiện nay, mặc dù số lượng người đầu tư BTC đang ngày một tăng lên nhưng chủ yếu là cá nhân đầu cơ, mua đi bán lại để tìm kiếm lợi nhuận. Trong số này mặc dù có một số người tham gia thị trường với lượng vốn khá lớn và am hiểu thị trường BTC, tuy nhiên cũng không ít người mới chỉ đầu tư mang tính chất thử nghiệm và lướt ván. Trong khi đó, quan điểm của giới quan sát thị trường BTC cho rằng việc lướt ván BTC đến thời điểm này tại Việt Nam là không còn dễ dàng.
Theo đó, tính đến hiện nay vì hệ thống BTC đã thu hút quá nhiều người trên thế giới tham gia, khối lượng dữ liệu giao dịch đã trở nên rất lớn. Vì vậy thời gian để hệ thống xác minh các giao dịch ngày càng lâu hơn. Một giao dịch mua bán BTC hiện nay nhiều khi phải thực hiện hàng giờ đồng hồ mới hoàn tất. Sau khi mua bán trên sàn xong thì phải đợi đối tác trả bằng tiền thật qua Paypal hoặc Perpect Money… Khoảng chờ đợi này nhiều khi kéo dài cả tuần mới có thể rút tiền nộp vào ngân hàng để tiếp tục đầu tư. Trong khoảng thời gian này nếu giá cả BTC biến động thì việc chấp nhận rủi ro mất một lúc vài chục hoặc vài trăm triệu đồng là rõ ràng, chưa tính đến các hành vi lừa đảo khi giao dịch qua các sàn không uy tín.
Thận trọng mã độc vào đào tiền ảo
Nhóm nghiên cứu Anti-Malware của Kaspersky Lab vừa xác định được hai botnet trên các máy tính bị nhiễm phần mềm độc hại, chúng cài đặt âm thầm những phần mềm đào tiền ảo hợp pháp được sử dụng để tạo tiền ảo ("mine") dựa trên công nghệ blockchain. Trong một trường hợp, các nhà nghiên cứu đã ước tính rằng một mạng lưới 4.000 máy có thể mang đến cho các chủ sở hữu lên tới 30.000 USD/tháng. Trong một trường hợp khác, các nhà nghiên cứu đã chứng kiến bọn tội phạm kiếm được hơn 200.000 USD từ mạng botnet với 5.000 máy tính.
Ông Evgeny Lopatin, chuyên gia phân tích phần mềm độc hại của Kaspersky Lab cho biết: “Một điều đáng lo ngại khác mà chúng tôi nhận ra khi quan sát hai botnet mới này là các mã độc đào tiền đang tự mình trở nên có giá trị trên thị trường ngầm. Những tên tội phạm cung cấp các công cụ đào tiền ảo: phần mềm cho phép bất cứ ai sẵn sàng trả tiền cho phiên bản đầy đủ có thể tạo ra botnet khai thác tiền ảo của chính họ. Điều này có nghĩa là các botnet mà chúng tôi đã xác định gần đây chắc chắn không phải là những botnet cuối cùng”.
Tất cả những điều trên cho thấy, nếu chọn lựa giữa bỏ tiền vào BTC với việc đầu tư vào các kênh truyền thống như tiền gửi, bất động sản, chứng khoán và vàng… thì rủi ro là rất lớn, nhất là khi hệ thống pháp lý tại Việt Nam chưa có những quy định quản lý và xử lý đối với thị trường còn mới mẻ này.
Ông Nguyễn Khắc Quốc Bảo |
Không thể xem BTC là tiền tệ
TS. Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Trưởng khoa Tài chính - Ngân hàng, Đại học Kinh tế TP.HCM cho biết: Một số quan điểm cho rằng BTC là một ý tưởng tiền tệ có tính cách mạng, nhưng chính bản thân BTC cũng đang chứa đựng nhiều mâu thuẫn về đặc điểm, bản chất và vai trò của nó, nên hiện tại chưa thể xem BTC là tiền tệ.
Chính sự khan hiếm sẽ làm tăng giá trị BTC và càng khuyến khích nhiều người tham gia thị trường này do giá trị kỳ vọng của nó trong tương lai sẽ cao hơn hiện tại. Cũng chính đặc điểm này của BTC sẽ tước đi vai trò tiền tệ của nó. Bởi lẽ, BTC sẽ lại giẫm vào "vết xe đổ" của chế độ bản vị vàng khi sự khan hiếm vàng đã tạo ra những hạn chế trong việc điều hành chính sách tiền tệ và cản trở hoạt động kinh tế của các quốc gia. Vì vậy, vàng nhanh chóng bị loại bỏ và nhường lại vai trò tiền tệ cho các đồng tiền pháp định. BTC không phải là tiền pháp định, sở dĩ nó có giá trị do người ta tin vào hệ thống máy tính và các nguyên lý toán học tạo ra BTC, hay nói cách khác giá trị của nó dựa trên lòng tin.
Ông Lê Hồng Giang |
BTC không do Chính phủ nào tạo ra
TS. Lê Hồng Giang chuyên gia tài chính Australia cho biết: Đồng BTC không phải đồng tiền hợp pháp ở bất kỳ quốc gia nào vì nó không được một Chính phủ nào tạo ra.
Ở nhiều nước ngay cả tính hợp pháp của phương tiện thanh toán cũng không nằm trong thẩm quyển của Ngân hàng Trung ương, điển hình như Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed). Chỉ khi nào các TCTD sử dụng đồng tiền này làm phương tiện thanh toán thì Fed mới có quyền can thiệp. Bên ngoài hệ thống ngân hàng BTC được coi như một loại tài sản bình thường và tồn tại cho đến khi có luật cấm cụ thể (nếu có). Hiện nay hầu hết các quốc gia đã tuyên bố quan điểm về BTC nhưng không cấm sở hữu, trao đổi như một phương tiện thanh toán cá nhân. Họ chỉ cảnh báo rủi ro cho người sử dụng như NHNN Việt Nam đã từng ban hành thông cáo báo chí năm 2014.
Ông Võ Trí Hảo |
Trước mắt nên coi là hàng hóa
TS. Võ Trí Hảo - Đại học Kinh tế TP.HCM cho biết: Tiền điện tử có tính hai mặt giống như internet, lợi nhiều hay hại nhiều, phụ thuộc cách người ta ứng xử. Nếu chỉ dừng lại ở việc coi nó như một loại tài sản thì mặt tốt của nó bị bỏ qua, mặt đầu cơ của nó được giữ lại.
Trước mắt, Nhà nước nên công nhận BTC như một tài sản, hàng hóa, sau khoảng hai năm định hình rõ nét nhận diện đầy đủ các mặt trái của BTC sẽ ban hành các công cụ pháp lý cần thiết để khắc phục những mặt hạn chế, từ đó mới tính có nên công nhận BTC là tiền tệ hay không.