“Tiền điện tử” đã có đủ khung pháp lý điều chỉnh
Thận trọng với tiền điện tử khi chờ pháp lý |
Theo Dự thảo đề án về hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo đang được Bộ Tư pháp xây dựng trình Chính phủ, dự kiến sẽ giao cho các bộ, ngành xây dựng để trình Chính phủ ban hành 3 nghị định về các nội dung này.
Tuy nhiên, tìm hiểu về vấn đề này, các chuyên gia pháp chế NH cho biết, riêng về tiền ảo và tiền điện tử hiện nay chúng ta đang có sự nhầm lẫn nên cần có sự phân biệt rõ ràng để có định hướng xây dựng phương thức quản lý một cách hiệu quả nhất.
Dùng tiền ảo làm phương tiện thanh toán là vi phạm pháp luật |
Bởi lẽ theo cách hiểu hiện nay, tiền điện tử (e-money) là biểu hiện kỹ thuật số (hình thức điện tử) của tiền pháp định được sử dụng để chuyển giao giá trị của đồng tiền pháp định qua phương thức điện tử. Đó là giá trị được lưu trữ hoặc sản phẩm trả trước trong đó thông tin về khoản tiền hoặc giá trị khả dụng của khách hàng được lưu trữ trên một thiết bị điện tử thuộc sở hữu của khách hàng.
Còn tiền ảo (virtual currency) hay được gọi là tiền kỹ thuật số (digital currency) là biểu hiện kỹ thuật số của giá trị có thể có trong giao dịch kỹ thuật số và có các chức năng như: một phương tiện trao đổi; và/hoặc một đơn vị kế toán; và/hoặc một hình thức lưu trữ giá trị, nhưng không phải là tiền pháp định ở một quốc gia, lãnh thổ nào. Nó không được phát hành hoặc không được bảo đảm bởi bất cứ một quốc gia, lãnh thổ nào, và các chức năng trên chỉ được thực hiện tốt từ thoả thuận trong cộng đồng người sử dụng của loại tiền ảo đó.
Như vậy, tiền ảo khác với tiền pháp định, tức tiền chính thức hay tiền thật ở các đặc điểm: tiền pháp định có sự bảo đảm từ phía Nhà nước, từ NH Trung ương phát hành tiền, trong khi đó tiền ảo không được bảo đảm từ những tổ chức có tư cách như vậy, thậm chí hoàn toàn không được bảo đảm từ bất kỳ tổ chức nào.Tiền pháp định có hình thức vật chất cụ thể và tồn tại độc lập, trong khi đó tiền ảo luôn phải phụ thuộc vào môi trường kỹ thuật số để tồn tại.
Tiền ảo cũng khác với tiền điện tử, mặc dù cũng tồn tại phụ thuộc vào môi trường kỹ thuật số, nhưng tiền điện tử chỉ đơn giản là hình thức điện tử của tiền pháp định, như: ví điện tử, tài khoản thanh toán qua thiết bị điện tử di động...
Trong khi đó, mặc dù tiền ảo cũng có hình thức kỹ thuật số, nhưng nó hoàn toàn không gắn liền với đơn vị tiền pháp định nào. Do đó, tiền ảo không được đảm bảo khả năng chuyển đổi thành tiền pháp định bởi các tổ chức phát hành hoặc quản lý nó, thậm chí chẳng có một tổ chức nào chịu trách nhiệm về việc này.
Trên thực tế, về bản chất, việc chuyển đổi từ tiền ảo thành tiền pháp định là giao dịch dân sự giữa các chủ thể với nhau tương tự như mua bán tài sản, hàng hóa. Ở nhiều quốc gia, các giao dịch như vậy chưa được công nhận hoặc bảo vệ.
Góp ý về Dự thảo đề án này, NHNN Việt Nam khẳng định, hiện tại việc quản lý đối với tiền điện tử đã có đầy đủ khung pháp lý để điều chỉnh và đang được thực hiện bình thường, không nảy sinh vướng mắc.
Cụ thể, tiền điện tử hiện đã được điều chỉnh theo quy định tại Luật Giao dịch điện tử, Nghị định 35/2007/NĐ-CP về giao dịch điện tử trong lĩnh vực NH, Nghị định 101/2012/NĐ-CP, Nghị định 80/2016/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt, Thông tư 39/2014/TT-NHNN về dịch vụ trung gian thanh toán... Nếu cá nhân, tổ chức vi phạm đã có các chế tài xử lý theo quy định tại Nghị định 96/2014/NĐ-CP.
Như vậy, cơ sở pháp lý để quản lý tiền điện tử đã hoàn thiện. Do vậy, việc ban hành thêm Nghị định về tiền điện tử là không cần thiết và không phải là yêu cầu cấp thiết từ thực tiễn.
Đối với tiền ảo, thực tế thời gian qua cho thấy, kinh doanh tiền ảo ở Việt Nam đang là hoạt động gây nhiều bức xúc. Hoạt động đầu tư, kinh doanh tiền ảo đang có xu hướng tăng, diễn biến phức tạp, quy mô, phạm vi được mở rộng, hoạt động kinh doanh tiền ảo không chỉ sôi động tại các thành phố lớn là Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Hải Phòng... mà đã lan sang nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, kể cả các tỉnh biên giới phía Bắc, miền Trung, Tây Nguyên với hình thức kinh doanh và đối tượng tham gia đa dạng.
Trong các hình thức kinh doanh tiền ảo trên thực tiễn phải kể đến hình thức kinh doanh tiền ảo đa cấp thu hút đông đảo lượng người tham gia đầu tư. Tuy nhiên, đa số người tham gia đầu tư chưa hiểu biết đầy đủ về tiền ảo và những rủi ro tiềm ẩn khi kinh doanh sử dụng tiền ảo.
Ở góc độ pháp lý, NHNN cho rằng về nguyên tắc, tiền ảo cần được xem xét quản lý dưới 3 góc độ: (1) tiền tệ, phương tiện thanh toán; (2) tài sản ảo; (3) hàng hóa khi được đưa vào giao dịch trao đổi, mua bán.
Dưới góc độ là tiền tệ hoặc phương tiện thanh toán, thì cho đến nay chưa có bất kỳ quốc gia nào chấp nhận tiền ảo là tiền tệ, phương tiện thanh toán hợp pháp vì như vậy là xâm phạm chủ quyền quốc gia về phát hành tiền tệ. Không những thế nó còn tạo điều kiện để các đối tượng sử dụng trốn thuế vì các giao dịch thanh toán bằng tiền ảo là ẩn danh, và không có dấu vết.
Chính vì vậy, ngay từ đầu năm 2014, NH Nhà nước đã có thông cáo báo chí chính thức khẳng định: “các quy định của pháp luật hiện hành về tiền tệ và NH, bitcoin (và các loại tiền ảo tương tự khác) không phải là tiền tệ và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam.
Việc sử dụng bitcoin (và các loại tiền ảo tương tự khác) làm phương tiện thanh toán không được pháp luật thừa nhận và bảo vệ. Các TCTD không được phép sử dụng bitcoin (và các loại tiền ảo tương tự khác) như một loại tiền tệ hoặc phương tiện thanh toán khi cung ứng dịch vụ cho khách hàng. Việc sở hữu, mua bán, sử dụng bitcoin (và các loại tiền ảo tương tự khác) như là một loại tài sản tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho người dân và không được pháp luật bảo vệ.
Do vậy, NHNN Việt Nam khuyến cáo các tổ chức, cá nhân không nên đầu tư, nắm giữ, thực hiện các giao dịch liên quan đến bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác”.
Đồng thời, NHNN đã chủ động trình Chính phủ ban hành Nghị định 80/2016/NĐ-CP chính thức xác định tiền ảo là phương tiện thanh toán không hợp pháp tại Việt Nam và việc phát hành, sử dụng tiền ảo là tiền tệ, phương tiện thanh toán sẽ bị xử lý vi phạm theo Nghị định 96/2014/NĐ-CP của Chính phủ.
Dưới góc độ là tài sản, hàng hóa, về bản chất, tiền ảo là một loại tài sản ảo, thường có tên gọi là coin. Do đó, vấn đề hiện nay theo NHNN, Bộ Tư pháp cần xác định rõ tư cách là loại tài sản ảo của tiền ảo trong Đề án để chỉ ra thực trạng pháp lý của loại tài sản này. Về bản chất chính là việc xem xét thừa nhận tính hợp pháp của tiền ảo, tài sản ảo với tư cách là một loại tài sản. Khi thừa nhận tiền ảo, tài sản ảo là một loại tài sản thì vấn đề tiếp theo cần xem xét là việc có cho phép giao dịch loại tài sản này như là một loại hàng hóa hay không?
Các chuyên gia pháp chế NH thì cho rằng, pháp luật hiện hành (bao gồm cả Bộ luật Dân sự 2015) chưa có quy định cụ thể về tài sản ảo (bao gồm tiền ảo). Do vậy, để bảo đảm tính khả thi và sự cần thiết, Đề án cần tập trung vào rà soát, đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp tạo lập khuôn khổ pháp lý về tài sản ảo Như vậy, NHNN cho rằng đề xuất ban hành riêng nghị định về tiền ảo là không phù hợp; nên ban hành một nghị định chung về tiền ảo và tài sản ảo.
Không xem “tiền ảo ” thuộc nhóm “ngoại hối” Theo các chuyên gia pháp chế NH, “tiền ảo” không thể được xếp vào nhóm “ngoại hối” hoặc “dịch vụ trung gian thanh toán”, vì không phù hợp với quy định pháp luật. Bởi lẽ pháp luật quản lý tiền ảo dưới góc độ tiền tệ hoặc phương tiện thanh toán đã quy định tiền ảo không phải là tiền tệ hoặc phương tiện thanh toán hợp pháp, do đó, tiền ảo không phải là ngoại hối. Ngoài ra, theo quy định pháp luật về dịch vụ trung gian thanh toán, tiền ảo cũng không phải là dịch vụ trung gian thanh toán. |