Tiền mệnh giá nhỏ: Chuyện không nhỏ
Tiết kiệm gần 2.200 tỷ đồng từ không phát hành tiền mới in dịp Tết |
Vào thời điểm cách Tết Nguyên đán một vài tuần, vấn đề đảm bảo an toàn thanh toán, cung ứng tiền mặt lại được ngành Ngân hàng đặc biệt quan tâm. Và để thực hiện tốt nhiệm vụ trên, tuần qua NHNN ban hành công văn số 726 yêu cầu tất cả NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố và các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và CTCP thanh toán Quốc gia (Napas) tăng cường đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018.
Ảnh minh họa |
Ngoài việc chỉ đạo các đơn vị chức năng tập trung chỉ đạo làm tốt công tác cung ứng tiền mặt, đảm bảo hệ thống ATM phải thông suốt, NHNN cũng yêu cầu các TCTD trên địa bàn có kế hoạch tiền mặt để chủ động đáp ứng nhu cầu trước, trong và sau dịp Tết.
Đặc biệt, NHNN yêu cầu các chi nhánh tuyệt đối không găm giữ tiền mới được điều chuyển từ NHNN Trung ương chỉ để phục vụ mục đích đối ngoại, hoặc đổi cho tổ chức cá nhân mà không kịp thời phục vụ nhu cầu tiền mặt thanh toán cho TCTD hoặc Kho bạc Nhà nước trong lưu thông. NHNN cũng quán triệt trong toàn Ngành về tăng cường kỷ luật kỷ cương nâng cao tinh thần trách nhiệm phục vụ nhân dân. Chủ động ngăn ngừa phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm cán bộ vi phạm, lợi dụng vị trí công tác để gây phiền hà, trục lợi; xử lý kỷ luật ngay cán bộ lợi dụng đổi tiền mới, tiền lẻ lấy phí trục lợi…
Trước đó, thực hiện Chỉ thị số 48/CT-TTg ngày 27/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý, điều hành nhằm bình ổn giá cả thị trường, bảo đảm trật tự an toàn xã hội dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, NHNN đã chủ động xây dựng các phương án cung ứng tiền mặt cho nền kinh tế dịp Tết Nguyên đán; đồng thời NHNN cũng đã tổ chức họp báo chuyên đề để thông tin rộng rãi tới người dân trong việc ngành Ngân hàng chủ động lập kế hoạch đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu tiền mặt, nhu cầu thanh toán của các đơn vị, tổ chức và cá nhân; đảm bảo các máy ATM hoạt động thông suốt.
Có thể khẳng định rằng với việc đưa ra kế hoạch sớm và chủ động trong công tác chỉ đạo điều hành về cung ứng tiền mặt thời điểm giáp Tết Nguyên đán cùng với đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, trong những năm gần đây vấn đề căng thẳng về tiền mặt, thanh toán dịp Tết đã chuyển biến tích cực. Đặc biệt, người dân sử dụng tiền mệnh giá nhỏ một cách hợp lý, đúng mục đích tại các khu di tích, đền, chùa, lễ hội. Và khi NHNN công bố việc không phát hành tiền mới in dịp Tết Nguyên đán đến nay đã tiết giảm chi phí gần 2.200 tỷ đồng, nhiều người dân đã đồng tình ủng hộ.
Theo một cán bộ thanh tra của NHNN chi nhánh Bắc Ninh, với địa phương có nhiều đền, chùa thì trước đây lượng tiền lẻ người dân đi lễ đền, chùa rất lớn nhưng gần đây cũng đã giảm mạnh. Thậm chí do lượng tiền lẻ quá lớn, phía Ban Quản lý các đền, chùa đóng thành bao tải, sau đó cán bộ, nhân viên ngân hàng phải đưa máy xuống kiểm đếm hàng tuần liền. Nhưng đến nay lượng tiền lẻ mệnh giá từ 5.000 đồng trở xuống đã giảm đáng kể ở các đền, chùa.
Ông Nguyễn Thành Lập - Trưởng Ban Quản lý đền Bà Chúa Kho cho biết, qua vận động tuyên truyền nên người dân đã hạn chế việc “rải” tiền lẻ mệnh giá nhỏ ở các ban trong đền. Gần đây khá nhiều du khách đến lễ tại đền thay vì sử dụng tiền mệnh giá nhỏ để đặt ở các ban thì họ đã bỏ tiền vào hòm công đức. “Tôi đề nghị Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, NHNN và các ban, ngành liên quan tiếp tục có các giải pháp để giảm việc sử dụng tiền mệnh giá nhỏ, đảm bảo việc sử dụng tiền đúng mục đích, văn minh”, ông Lập đề nghị.
Trong công văn số 726 trên cũng cho biết, NHNN sẽ phối hợp với các đơn vị như chi cục quản lý thị trường, công an, thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật các trường hợp kinh doanh tiền mệnh giá nhỏ trái phép tại khu di tích, đền chùa, lễ hội hoặc kinh doanh đổi tiền trên mạng. Như vậy vấn đề chấn chỉnh sử dụng tiền lẻ mệnh giá nhỏ thời gian tới tiếp tục được triển khai để hướng tới việc sử dụng tiền đúng mục đích, giữ gìn bản sắc văn hóa, nâng cao nếp sống văn minh, bảo vệ hình ảnh đồng tiền Việt Nam.