Tiết kiệm gần 2.200 tỷ đồng từ không phát hành tiền mới in dịp Tết
Đảm bảo an toàn, sẵn sàng cho lễ, Tết | |
Chấn chỉnh “rải” tiền lẻ tại các đền, chùa |
Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết thêm: NHNN không đưa tiền mới ra trong dịp Tết và đặc biệt với mệnh giá nhỏ để tránh việc nhiều người đưa cả thếp tiền mới mệnh giá nhỏ vào chùa rải, sau Tết thu về chất trong kho rất lãng phí.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú phát biểu tại buổi họp báo |
Về công tác thanh toán, Phó Thống đốc cho biết, tỷ trọng thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) thông qua một số công cụ vừa qua đều tăng rất tích cực. Trong đó, so với năm trước, năm 2017 thanh toán qua hệ thống liên ngân hàng tăng 32%, qua kênh chuyển mạch của ATM và POS tăng 34%, tỷ trọng thanh toán bằng tiền mặt trong tổng phương tiện thanh toán của nền kinh tế nếu như 2 năm trước khoảng 12% và 13% thì nay chỉ còn khoảng 11%.
"Dịp Tết Nguyên đán 2018 này, chúng tôi, đảm bảo hệ thống thanh toán một cách tốt nhất và năm sau phải làm tốt hơn năm trước. Thứ nhất, đảm bảo hệ thống thanh toán liên ngân hàng, hệ thống cốt lõi của nền kinh tế phải thông suốt, kể cả trong mấy ngày nghỉ Tết. Thứ hai, các NHTM phải đảm bảo thanh toán cho các DN, kể cả DN đầu trong và ngoài nước, nhất là đảm bảo cho DN xuất nhập khẩu được thực hiện thông suốt. Thứ ba, đảm bảo hoạt động ATM thông suốt tới mức tối đa", Phó Thống đốc khẳng định.
Tuy nhiên, ông cũng cho biết, điều đó không phải tuyệt đối 100% bởi máy ATM trục trặc có thể do nguyên nhân khách quan như đường truyền mạng, điện hỏng… "Do đó, đừng chỉ vì một vài máy mà đánh giá cả hệ thống ATM kém, mong người dân và các phóng viên thông cảm", Phó Thống đốc bày tỏ.
Chia sẻ về kế hoạch đảm bảo nhu cầu tiền mặt dịp Tết Nguyên đán 2018, ông Phạm Bảo Lâm – Cục trưởng Cục Phát hành và Kho quỹ NHNN cho biết, ngay từ đầu tháng 12/2017, NNNN đã chủ động thực hiện công tác điều chuyển tiền mặt từ trung ương tới NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố để nâng cao dự trữ, sẵn sàng đáp ứng đủ nhu cầu tiền mặt kinh tế, trong đó ưu tiên điều chuyển đến các tỉnh, thành phố kinh tế trọng điểm, có mức thu – chi tiền mặt cao và tập trung nhiều máy ATM.
“NHNN dự kiến tổng khối lượng tiền mặt điều chuyển trong đợt này tăng khoảng 20% so với khối lượng điều chuyển phục vụ nhu cầu tiền mặt Tết Nguyên Đán năm trước. Đến nay, công tác điều chuyển tiền mặt vẫn đang được thực hiện một cách khẩn trương, đảm bảo an toàn tuyệt đối. Dự kiến toàn bộ công tác điều chuyển về cơ bản được hoàn thành trước ngày 7/2/2018”, ông Lâm thông tin.
Để đạt được thành quả như trên, NHNN đã nhận được sự phối hợp tích cực của các Bộ, Ban, Ngành trong việc tuyên truyền, vận động người dân sử dụng tiền mệnh giá nhỏ một cách hợp lý, đúng mục đích tại các khu di tích, đền, chùa, lễ hội trong những năm qua. Đến nay phần lớn người dân đã có nhận thức đúng đắn trong việc sử dụng tiền mệnh giá nhỏ.
Bên cạnh đó, NHNN chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với các đơn vị có liên quan để tăng cường công tác kiểm tra, xử lý đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ đổi tiền hưởng chênh lệch theo quy định tại Nghị định 96/2014/NĐ-CP ngày 17/10/2014 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng.
Việc tuyên truyền chủ trương sử dụng tiền mệnh giá nhỏ một cách hợp lý, đúng mục đích, ông Lâm cho rằng, tính toán của NHNN việc không phát hành tiền mới in dịp Tết Nguyên đán năm 2018 giúp tiết kiệm khoảng 280 tỷ đồng, nâng tổng mức chi phí tiết giảm từ khi thực hiện chủ trương này đến nay lên đến khoảng gần 2.200 tỷ đồng.
Nhằm duy trì và phát huy những kết quả đã đạt được, dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, NHNN tiếp tục thực hiện chủ trương không đưa tiền mới in mệnh giá nhỏ ra lưu thông dịp Tết Nguyên đán; đồng thời, thực hiện các biện pháp quản lý, sử dụng tiền mệnh giá nhỏ hợp lý, tiết kiệm trong dịp Tết Nguyên đán theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Để đảm bảo chất lượng dịch vụ, an toàn hoạt động thanh toán dịp cuối năm và Tết Nguyên đán 2018, ông Phạm Tiến Dũng – Vụ Trưởng Vụ Thanh toán NHNN cho rằng, NHNN đã có các chỉ đạo các NHTM phải thường xuyên giám sát hoạt động của hệ thống ATM (đặc biệt tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu đông dân cư có nhu cầu rút tiền mặt lớn) để chủ động phát hiện, xử lý kịp thời các sự cố kỹ thuật, các trường hợp ATM hết tiền, ngừng hoạt động đảm bảo hệ thống ATM hoạt động ổn định, liên tục và thông suốt.
Đồng thời, các NHTM phải chủ động xây dựng kế hoạch tiếp quỹ, chuẩn bị sẵn sàng nhân lực và tiền mặt để tiếp quỹ đầy đủ, kịp thời cho ATM, không để ATM ngừng hoạt động; Tăng cường hoạt động ATM lưu động phục vụ tại các địa bàn xảy ra hiện tượng ATM quá tải (đối với các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán thẻ đã có trang bị ATM lưu động).
Các ngân hàng cũng đã làm việc với các DN điều chỉnh thời gian trả lương hợp lý để giảm tải cho các ATM tại các khu công nghiệp, khu chế xuất; Xây dựng phương án dự phòng chi trả trực tiếp bằng tiền mặt để đáp ứng kịp thời nhu cầu chi lương, thưởng dịp Tết tại các khu vực có ATM quá tải; Đảm bảo an ninh, an toàn các hệ thống thanh toán điện tử, thanh toán thẻ.
Bên cạnh đó, các ngân hàng phải tuyên truyền, quảng bá, hướng dẫn khách hàng sử dụng các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt nhằm giảm tải việc rút tiền mặt tại các ATM; xử lý nhanh và triệt để các giao dịch khiếu nại, khiếu kiện của khách hàng theo quy định.