Tiếp tục quyết liệt tái cơ cấu ngân hàng
Tái cơ cấu ngân hàng: Không ngủ quên trên chiến thắng | |
Không trực tiếp sử dụng NSNN trong tái cơ cấu ngân hàng | |
Tái cơ cấu ngân hàng: Thành công nhân đôi |
Nhìn lại để bước tiếp
Sau khi triển khai thành công Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2011 - 2015 theo Quyết định 254/QĐ-TTg, tính đến nay số lượng các NHTM đã giảm từ con số 42 NH hồi năm 2011 xuống còn 34 NH. Còn nếu tính cả hệ thống các TCTD thì hiện nay Việt Nam có 34 NHTM, 5 NH liên doanh và 9 NH 100% vốn nước ngoài.
Đặc biệt, sau giai đoạn tái cơ cấu trên thì cơ cấu sở hữu cũng như loại hình hoạt động của các TCTD đã được thay đổi để phù hợp hơn với cơ chế thị trường và tiến trình hội nhập quốc tế.
Sau cuộc “đại phẫu”, hiện nay một số NHTM đã có những bước phát triển đáng ghi nhận, đặc biệt trong kế hoạch CPH |
Phải khẳng định rằng, sau cuộc “đại phẫu”, hiện nay một số NHTM đã có những bước phát triển đáng ghi nhận, đặc biệt trong kế hoạch CPH. Đi đầu là Vietcombank, VietinBank, kế đó là 15 NHTMCP đã có nhà đầu tư chiến lược với các tỷ lệ nắm giữ cổ phần khác nhau. Sự thay đổi cơ cấu sở hữu NH đã góp phần không nhỏ tạo điều kiện để NH tăng vốn tài chính, nâng cao khả năng quản trị rủi ro, đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ và nâng cao chất lượng dịch vụ cung ứng.
Một cấu phần quan trọng trong thực hiện Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD là xử lý nợ xấu (XLNX) cũng đạt được kết quả bước đầu. Bằng các giải pháp bán nợ cho Công ty quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC), cùng với việc tự trích lập dự phòng để xử lý, tỷ lệ nợ xấu/dư nợ tín dụng của phần lớn TCTD giảm rõ rệt trong năm 2015 và kỳ vọng tiếp tục giảm trong năm 2016.
Tính đến cuối năm 2015, trên 90% TCTD đã hoàn thành mục tiêu đưa nợ xấu về mức dưới 3%, chỉ có một vài TCTD thuộc nhóm các công ty tài chính và cho thuê tài chính còn tỷ lệ nợ xấu trên 3%.
“Hạng mục” nào cần tiếp tục hoàn thiện
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai tái cơ cấu hệ thống các TCTD, các chuyên gia tài chính - ngân hàng, đại biểu Quốc hội đều cho rằng, những kết quả trong giai đoạn 2011-2015 tiếp tục là nền tảng và cũng là tiền đề để ngành Ngân hàng triển khai tiếp trong giai đoạn tiếp theo. Điều 2 của Quyết định 254/QĐ-TTg đặt ra nhiệm vụ cho NHNN “Chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, tổ chức có liên quan xây dựng và trình Chính phủ phê duyệt Đề án “Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng đến năm 2020”.
Một trong những vấn đề được quan tâm nhất là số lượng các TCTD sau giai đoạn tái cơ cấu tiếp theo. Nhiều ý kiến cho rằng cần phải thu gọn, giảm số lượng NHTM xuống nữa để đầu tư nâng cao chất lượng dịch vụ.
Vấn đề thứ hai là XLNX. Theo nhóm nghiên cứu của GS.TS. Phạm Quang Trung và TS. Nguyễn Thị Diệu Chi, thuộc Trường Đại học Kinh tế Quốc dân: XLNX vẫn còn chậm khi kết quả bán nợ, cũng như tài sản đảm bảo còn khiêm tốn. Nguyên nhân chính của những khó khăn này là việc VAMC không thể tự tiến hành cơ cấu nợ cho khách hàng khi bản thân các TCTD chưa thống nhất. Hệ thống văn bản pháp lý chưa quy định đầy đủ về quyền và trách nhiệm giữa các bên trong xử lý nợ.
Thêm vào đó, công tác định giá khoản nợ cũng chưa có quy định cụ thể để làm cơ sở xác định giá trị tài sản nợ. Do vậy, việc đấu giá, phát mại một tài sản thường mất rất nhiều thời gian. Tuy nhiên, sâu xa vấn đề ở đây, chính là thị trường mua, bán nợ của Việt Nam chưa phát triển, chưa có cơ chế định giá nhanh, chưa có thị trường mua bán nợ thứ cấp… Do đó chưa tận dụng được nguồn vốn từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Về giải pháp sử dụng tiền ngân sách để thúc đẩy XLNX, Luật sư Trương Thanh Đức - Chủ nhiệm CLB Pháp chế ngân hàng (Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam) cho rằng, sử dụng ngân sách cũng chỉ là một phần. Những cơ chế chính sách mới mang tính quyết định như: tạo ra hành lang pháp lý, tạo ra thị trường mua bán nợ để thực sự mua bán nợ vận hành theo cơ chế thị trường.
Với quan điểm nợ xấu phải được xử lý triệt để, TS. Trần Hoàng Ngân - Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, thay vì tạm mua nợ bằng trái phiếu đặc biệt thì VAMC có thể mua bán dứt điểm nợ xấu, những NH nào thua lỗ thì phải xử lý cho được. Đồng thời, cũng phải làm rõ người đi vay và người cho vay phải chịu trách nhiệm trong việc tạo ra nợ xấu.
Theo ông Ngân, với việc Thống đốc NHNN đã ban hành Quyết định số 618/QĐ-NHNN cho phép VAMC chính thức được triển khai phương án mua - bán nợ xấu theo giá thị trường trong khuôn khổ những quy định cụ thể về phạm vi, đối tượng, điều kiện, nguyên tắc, trình tự và giá mua nợ; và Thông tư 08/2016/TT-NHNN sửa đổi bổ sung một số điều của Thông tư 19/2013/TT-NHNN về mua bán, xử lý nợ xấu của VAMC đã tạo thêm cơ chế cho xử lý nợ xấu.
Để hỗ trợ cho ngành Ngân hàng trong tái cơ cấu, các chuyên gia cho rằng, Nhà nước, Chính phủ cần tiếp tục đẩy mạnh quá trình xây dựng và hoàn thiện khung khổ pháp lý về tiền tệ và NH. Trong đó, các văn bản pháp lý liên quan tới vấn đề tái cấu trúc các TCTD cần bổ sung chi tiết hơn các quy định cụ thể về tái cấu trúc như thế nào, tiếp tục xử lý các TCTD yếu kém ra sao, và cần tiếp tục nâng cao trách nhiệm của các TCTD trong việc xử lý các yếu kém; Tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các TCTD thực hiện hoạt động sáp nhập, hợp nhất, mua lại, đặc biệt là hoạt động mua bán sáp nhập tự nguyện.
Điều này sẽ góp phần để xử lý TCTD yếu kém, tăng quy mô và nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng cường năng lực tài chính, đảm bảo cho các TCTD có đủ vốn tự có theo chuẩn mực vốn Basel II. Điểm nữa là thực hiện cơ cấu lại các NHTM Nhà nước với vai trò là đầu tàu, đảm bảo sự ổn định trên thị trường tiền tệ và an toàn của hệ thống các TCTD.
Và như gợi ý của TS. Trần Du Lịch - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia là xây dựng một vài NH tầm cỡ khu vực để khẳng định vị thế và thương hiệu trong thời gian tới. Đồng thời, phải đẩy mạnh phát triển thị trường vốn để san sẻ trọng trách cung ứng vốn cho nền kinh tế của hệ thống NH.