Tín dụng tam nông đi trước đầu tư công
Báo cáo của Chính phủ về tình hình đầu tư công cho lĩnh vực nông nghiệp - nông dân - nông thôn (tam nông) giai đoạn 2011-2015 cho thấy, trong vòng 5 năm qua, mức đầu tư của ngân sách cho lĩnh vực này đạt khoảng trên 610 ngàn tỷ đồng, gấp khoảng 1,83 lần so với thời điểm 2010. Trong khi đó, nguồn vốn tín dụng đầu tư cho tam nông của hệ thống các TCTD trên cả nước đã đạt khoảng 740 ngàn tỷ đồng vào cuối năm 2014, gấp 2,5 lần so với năm 2010.
Nhiều NHTM đã rất chủ động và sáng tạo trong việc hỗ trợ cấp vốn đến các DN và nông hộ |
Vốn NH bén rễ sâu
Tín dụng vào tam nông có xu hướng tăng trưởng khá bền vững. Theo NHNN, tính đến cuối tháng 8/2015, dư nợ cho vay lĩnh vực tam nông của toàn hệ thống các TCTD (không bao gồm dư nợ cho vay của NH Chính sách xã hội và NH Phát triển Việt Nam) thậm chí còn lên mức trên 811,6 ngàn tỷ đồng, tăng 9% so với thời điểm cuối năm 2014. Kết thúc 3 đợt ký kết các hợp đồng tín dụng thí điểm cho vay theo chuỗi, các TCTD cũng đã được chỉ định cấp vốn cho 31 dự án của 28 DN với số tiền ký kết trên 5.580 tỷ đồng, dư nợ cho vay hơn 1.183 tỷ đồng.
Ngoài ra, các NH đã tích cực cho vay thu mua lúa gạo, hỗ trợ cơ giới hóa nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, với dư nợ lần lượt ở mức 27.500 tỷ đồng, 1.650 tỷ đồng và 58.000 tỷ đồng.
Việc các TCTD tăng mạnh đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn chứng tỏ các chính sách ưu tiên vốn cho lĩnh vực này của ngành NH đã thực sự bén rễ vào cuộc sống một cách khá mạnh mẽ.
Quan sát trong vòng 5 năm qua, có thể thấy NHNN đã liên tục ban hành nhiều chính sách hỗ trợ trực tiếp hoặc gián tiếp qua các công cụ chính sách tiền tệ để ưu tiên cấp vốn cho tam nông. Hầu hết các chính sách hỗ trợ tài chính lĩnh vực này của Chính phủ (như Nghị định 41, Nghị định 67, Nghị định 109, Quyết định 68 và gần đây là Nghị định 55…) đều được NHNN ban hành thông tư hướng dẫn kịp thời và được các NHTM triển khai nhanh chóng.
Ở phía các NHTM, những năm qua hoạt động cho vay tam nông đã có mức tăng trưởng vượt bậc so với các lĩnh vực khác. Dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn giai đoạn 2011-2015 luôn tăng ở mức trên dưới 20%/năm. Một số TCTD chuyên về cho vay tam nông như Agribank thậm chí dư nợ cho vay lĩnh vực này chiếm tới 75-76% tổng dư nợ, đạt những con số khổng lồ lên đến trên 566,7 ngàn tỷ đồng vào thời điểm giữa năm 2015.
Quan sát ở khu vực ĐBSCL và khu vực Tây Nguyên, có thể thấy nhiều NHTM đã rất chủ động và sáng tạo trong việc hỗ trợ cấp vốn đến các DN và nông hộ.
Chẳng hạn, một số chi nhánh của Agribank đã triển khai nghiệp vụ “NH trên ô tô” với cách thức thành lập tổ cho vay vốn lưu động, dùng ô tô chở tiền, kèm theo là nhân viên tín dụng, kế toán xuống tận vùng sâu, vùng xa để cho vay, hay HDBank, LienVietPostBank đầu tư xây kho trữ cà phê để người dân và DN thuận tiện trong các giao dịch vay vốn có tài sản đảm bảo bằng hàng hóa…
Cải tổ đầu tư tăng hiệu quả vốn vay
Trong một phát biểu tại Hội thảo “Vai trò của NH trong việc tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới vùng ĐBSCL” vào đầu tháng 11/2014, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình nhìn nhận rằng, mặc dù từ khi có Nghị định 41 của Chính phủ đến nay, nguồn tín dụng đổ vào khu vực này đã gấp 2,5 lần so với thời điểm năm 2010, nhưng giá trị sản xuất nông nghiệp ở các địa phương không tăng tương ứng.
Tín dụng hướng mạnh về nông thôn trong 3 năm gần đây |
Điều này chứng tỏ những hạn chế lớn về quy hoạch tổng thể, phương thức sản xuất, đầu tư hạ tầng và đầu tư cho xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu… đang làm giảm đáng kể lợi nhuận của người dân và DN, dẫn tới giảm hiệu quả của đồng vốn vay.
Nhìn nhận trên của Thống đốc Bình có thể xem là một đánh giá xác đáng về thực trạng “đủng đỉnh” của các chính sách đầu tư công cho lĩnh vực tam nông. Bởi nếu quan sát trong suốt giai đoạn 4-5 năm trở lại đây có thể thấy, việc xây dựng chiến lược, quy hoạch các vùng sản xuất quy mô lớn diễn ra khá chậm chạp.
Chẳng hạn từ năm 2012, NHNN đã công bố dành cả chục ngàn tỷ đồng cho vay tái canh cây cà phê, nhưng đến nay các bộ, ngành liên quan và các địa phương vẫn chưa triển khai được quy hoạch cụ thể ở các tỉnh trồng cà phê trọng điểm, vì thế các NH chưa thể cho vay vốn.
Hay như các dự án xây dựng và phát triển hệ thống sàn đấu giá hàng hóa để đảm bảo cung cầu giá cả nông sản được minh bạch, mặc dù được đưa ra bàn thảo từ nhiều năm nay, nhưng đến nay hầu như vẫn chưa có dự án nào hoàn thiện và triển khai hoạt động để thu hút các NHTM đầu tư kinh doanh các sản phẩm dịch vụ thanh toán điện tử.
Một trăn trở khác kéo dài nhiều năm nay là bảo hiểm nông nghiệp cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Từ 3-4 năm trở lại đây, các NHTM mặc dù rất trông đợi vào chính sách hỗ trợ từ ngân sách, nhằm triển khai mở rộng chương trình bảo hiểm nông nghiệp, nhưng sau thời gian thí điểm thì cũng đang chững lại chưa thể triển khai tiếp được.
Như vậy, có thể nhìn nhận rằng, trong chuỗi vốn đầu tư vào lĩnh vực tam nông, hiện nay nguồn vốn tín dụng đang có xu hướng tập trung ưu đãi đầu tư vào các mô hình sản xuất lớn. Tuy nhiên, các chính sách khác đối với ngành nông nghiệp như quy hoạch vùng, cơ chế liên hoàn theo chuỗi giá trị, xây dựng sàn đấu giá hàng hóa, bảo hiểm nông nghiệp… lại gần như đang đứng im.
Chính vì vậy, nếu không kịp thời đồng bộ hóa những chính sách đầu tư này thì chắc chắn nguồn vốn từ các NH dù có dồi dào cũng khó có thể rải đến từng lĩnh vực, từng ngành hàng ở địa bàn nông nghiệp - nông thôn.