Tổ vay vốn - Cầu nối những bờ vui
Chúng tôi về xã Tân Minh huyện Thường Tín (Hà Nội). Đây là một xã thuần nông chuyên trồng rau màu, chăn nuôi và cấy lúa. Ở trụ sở ủy ban xã, bà con nông dân đã tập trung tại hội trường để chờ ngân hàng mang tiền xuống cho vay. Hôm nay lại là ngày Agribank tổ chức phát tiền vay qua tổ vay vốn.
Chị Nguyễn Thị Huệ, hội trưởng Hội Phụ nữ xã hồ hởi đón tiếp chúng tôi. Theo người phụ nữ đã 17 năm tâm đắc, gắn bó với bà con nông dân này, thì khác với trước đây, bây giờ số tiền cho vay được nhiều hơn, nên mọi người rất phấn khởi, có điều kiện hơn để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi.
Mức vay bình quân mỗi hộ qua tổ nhóm cũng được từ 50 đến 70 triệu đồng, có người vay nhiều đến 100 triệu đồng. Cả xã Tân Minh có 4 tổ vay vốn tín chấp, riêng Hội Phụ nữ có 2 tổ, dư nợ cho vay 2,2 tỷ đồng. Người dân rất phấn khởi vì thủ tục đơn giản, hạn mức, kỳ hạn cho vay lại nới lỏng hơn trước.
Bây giờ số tiền cho vay được nhiều hơn, nên mọi người rất phấn khởi, có điều kiện hơn để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi |
Cùng ngày tại xã Thư Phú, Agribank Thường Tín cũng đang giải ngân cho vay 10 hộ qua tổ nhóm trong đợt này. Có 2 hộ vay 50 triệu đồng, 2 hộ vay 60 triệu đồng còn lại là vay 100 triệu đồng, họ vay chủ yếu để đào ao, thả cá kết hợp chăn nuôi lợn. Ở đây, người dân vay vốn để trồng rau sạch theo quy trình an toàn vệ sinh thực phẩm và chăn nuôi như làm nhà lưới để trồng rau ngắn ngày như súp lơ, bắp cải, cà chua, cả xã dư nợ cho vay hơn 1 tỷ đồng.
Chúng tôi đi thăm một số hộ là thành viên của tổ vay vốn. Trang trại gia đình của anh Nguyễn Anh Tuấn chuyên sản xuất lợn con giống để cung cấp cho thị trường, hiện có 3 dãy chuồng 1.100 m2 với quy mô 100 lợn nái. Ngoài ra, anh còn một ao cá khoảng 5.000 m2. Năm 2014, tổng doanh thu bán sản phẩm của gia đình được trên 4 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là tiền bán giống lợn con (3 tỷ đồng).
Gia đình có 2 vợ chồng là lao động chính, thuê thêm 2 lao động, còn lại là lao động thời vụ, tổng vốn đầu tư khoảng 14-15 tỷ đồng để đổ đất, san nền, đào ao thả cá. Anh đang chuẩn bị xây thêm 1 chuồng lợn nái nữa, diện tích 600m2, vốn đầu tư 2,5 tỷ đồng, dự kiến vay ngân hàng thêm 1 tỷ đồng. Mong muốn của anh Tuấn là nguồn vốn cho vay được tăng lên, ngân hàng tạo điều kiện vay được thuận lợi hơn.
Kinh tế hàng hóa của xã Thư Phú phát triển rất mạnh, do đường giao thông thuận tiện. Từ một làng quê nghèo thuần nông, đến nay phần lớn các hộ đã xây được nhà ba tầng, nhiều hộ làm kinh tế trang trại xây được biệt thự. Theo anh Thế Anh cán bộ tín dụng phụ trách xã: người dân ở đây trả nợ rất sòng phẳng, mấy năm gần đây không bao giờ có nợ quá hạn.
Chúng tôi đến thăm tiếp cơ sở sản xuất rau an toàn, đây là cơ sở của anh Lê Ngọc Hoàn sinh năm 1991. Anh bị khiếm thị nhưng rất thông thạo trong điều hành tổ chức liên kết sản xuất. Cơ sở của anh có 35 lao động là người khuyết tật, trồng và sơ chế các sản phẩm rau củ quả, thịt, cá đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm để đưa đến các bếp ăn cơ quan, trường học, siêu thị ở địa phương.
Năm 2012 khi mới thành lập, mỗi ngày cơ sở chỉ thu mua được 5 đến 6 tạ rau, doanh thu khoảng 10 triệu đồng. Đến nay lượng rau bán đi đã tăng lên khoảng 3 tấn/ngày, nên nay doanh thu 1 tháng ước chừng khoảng 3 tỷ đồng, lãi khoảng 100-200 triệu đồng. Tháng 7/2013, cơ sở được Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hà Nội cấp phép công nhận là DN sử dụng lao động khuyết tật.
Đầu năm 2015, cơ sở anh được huyện cấp cho 26,5ha đất nông nghiệp để triển khai mô hình trồng rau an toàn, lứa rau đầu tiên 10 tấn đã cho thu về khoảng 200 triệu đồng. Vừa qua, cơ sở đã phát triển thành Công ty TNHH thực phẩm Thọ An. Từ đó, anh đã ký hợp đồng với các hộ nông dân để cung cấp rau sạch cho thị trường. Hiện anh dự kiến sẽ vay thêm 300 triệu đồng để mở rộng sản xuất. Sản phẩm rau sạch của công ty đã được mở rộng sang các địa bàn lân cận.
Hiện nay, cả xã có 39 trang trại hoạt động rất có hiệu quả. Ông Lương Xuân Tiệc chủ tịch UBND xã Thư Phú phấn khởi kể rằng, năm 2010 xã có 434 hộ nghèo, nhưng đến nay chỉ còn 45 hộ. Thu nhập bình quân đầu người trước đây là 22 triệu đồng/người/năm, đến nay là 28 triệu đồng/người/năm.
Ông Phan Văn Tiền, Giám đốc Agribank Thường Tín cho biết, ngân hàng đã chủ động bàn bạc với huyện ủy, UBND huyện và các ngành ở huyện như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Mặt trận Tổ quốc, Công an… tổ chức hội nghị với 28 xã triển khai Nghị định 55 CP của Chính phủ. Cán bộ ngân hàng phụ trách địa bàn đã phối hợp với các tổ vay vốn ở xã để bàn bạc, giúp đỡ bà con, thẩm định kỹ từng hồ sơ; hướng dẫn, xử lý các vướng mắc. Qua đó, mở rộng tín dụng, thúc đẩy kinh tế địa phương.