Tốc độ thu hồi nợ đang được đẩy nhanh
Ông Nguyễn Quốc Hùng |
Nếu như cả năm 2014, VAMC mới thu hồi, xử lý được 4,8 nghìn tỷ đồng nợ xấu thì chỉ trong 4 tháng đầu năm 2015, con số này đã là 3 nghìn tỷ đồng. Đâu là động lực giúp VAMC có được con số “biết nói” đó và dự kiến số lượng nợ xấu sẽ được xử lý trong năm 2015 ra sao? Trao đổi với phóng viên Thời báo Ngân hàng, Chủ tịch HĐTV VAMC Nguyễn Quốc Hùng cho biết:
Tính từ khi VAMC bắt đầu hoạt động (cuối năm 2013) đến thời điểm này, công ty đã mua được trên 152 nghìn tỷ đồng nợ xấu giá gốc với giá mua là trên 120 nghìn tỷ đồng. Riêng từ đầu năm đến nay, VAMC đã duyệt mua 17,4 nghìn tỷ nợ gốc với giá mua 16,1 nghìn tỷ đồng, ký hợp đồng phát hành trái phiếu đặc biệt gần 10 nghìn tỷ đồng. Hiện nay, các TCTD tiếp tục gửi hồ sơ bán trên 10 nghìn tỷ đồng nợ xấu nữa. Mục tiêu từ đầu năm đến hết tháng 6/2015, VAMC sẽ mua khoảng trên 40 nghìn tỷ đồng nợ xấu. Như vậy, sẽ đảm bảo tỷ lệ 60% TCTD bán nợ xấu theo đúng kế hoạch. Do đó lộ trình đưa nợ xấu toàn Ngành về 3% có khả năng thực hiện tốt.
Bên cạnh việc triển khai mua nợ xấu, VAMC cùng TCTD tiến hành thu hồi nợ, kiểm tra công tác ủy quyền. Từ đầu năm đến nay, VAMC đã thu hồi hơn 3.000 tỷ đồng nợ xấu cho các TCTD qua việc xử lý tài sản đảm bảo, xử lý thu hồi nợ...
Biện pháp đặc biệt nào đã giúp VAMC tăng tốc xử lý nợ xấu trong những tháng đầu năm?
Các khoản nợ xấu được thu hồi những tháng đầu năm nay tương đối lớn và xuất phát từ nhiều lý do. Đó là số khách hàng tự nguyện trả nợ khá cao. Thời gian qua, nền kinh tế khởi sắc, dự án bất động sản có chiều hướng tốt lên, nên khách hàng cũng đã chủ động bán tài sản đảm bảo để trả nợ NH, bên cạnh việc tự huy động nguồn lực. Bên cạnh đó, NH đã phối hợp với VAMC đôn đốc, yêu cầu khách hàng rất quyết liệt, bằng mọi biện pháp thu xếp trả nợ NH, nếu không sẽ bị xử lý tài sản đảm bảo, phát mại.
Tuy nhiên, đấy chỉ là bước đầu, khi có sự chủ động của khách hàng, đồng thuận của các bên với giá cả hợp lý. Đối với những trường hợp liên quan đến việc bán tài sản phát mại, triển khai thực hiện bán đấu giá theo Thông tư 18 của Bộ Tư pháp thì đến giờ phút này VAMC vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Điều này đã ảnh hưởng nhiều đến tốc độ xử lý nợ xấu.
Lộ trình đưa nợ xấu toàn Ngành về 3% là khả thi |
Cụ thể là những khó khăn vướng mắc nào thưa ông?
Khó khăn thứ nhất là khi VAMC cùng với TCTD đến thu hồi nợ yêu cầu bàn giao tài sản phát mại đấu giá nhưng khách hàng không hợp tác, không đồng ý bàn giao tài sản để phát mại. Nếu khách hàng không đồng thuận thì chúng tôi không thể thu giữ tài sản. Có những dự án hiện nay, VAMC đang phối hợp với TCTD để xử lý tài sản đảm bảo lên tới 4 đến 5 nghìn tỷ đồng, và đã có người đồng ý mua. Nhưng “con nợ” không thống nhất, cổ đông DN không thống nhất, sự bất hợp tác dẫn tới không bán được.
Ví dụ, vừa rồi Maritime Bank, DongA Bank làm việc với VAMC xử lý một trường hợp nợ xấu với dự án được khách hàng trả 250 triệu USD. Nhưng NH lại không có sự phối hợp của nhóm cổ đông nên VAMC không thể xử lý được dù khả năng thu hồi nợ cả gốc và lãi là rất cao. Hay như dự án Happy Land, có người đồng ý mua nhưng dứt khoát DN không bán vì kỳ vọng giá bán của họ sẽ được cao hơn.
Những ví dụ điển hình trên cho thấy thực tế, dù có người mua nhưng khách hàng không đồng ý bàn giao bán tài sản thì chúng tôi cũng không thể xử lý được. Chưa nói, có những trường hợp tài sản bị thu giữ đến khi chúng tôi tiến hành phát mại xảy ra kiện cáo lại phải dừng lại, rất khó khăn. Do đó, nếu không có hành lang pháp lý đủ mạnh chúng tôi rất khó để triển khai xử lý, thu hồi nợ nhanh.
Tôi cho rằng, trước hết phải có chế tài hết sức quyết liệt đối với người đi vay nếu không họ vẫn sẽ đưa ra nhiều lý do kéo dài thời gian xử lý tài sản đảm bảo đồng nghĩa với việc mất cơ hội để VAMC, TCTD xử lý nợ xấu. Về nguyên tắc tín dụng là vay thì phải trả. Không có lý gì khi NH vay của dân, lúc trả, một đồng cũng không được thiếu, thì tại sao khách hàng đến NH vay vốn thế chấp tài sản, khi không trả được nợ, tôi lại không được động đến tài sản này để thu hồi? Thứ hai, cần có một cơ chế rất rõ ràng giữa người vay, người đi vay và người xử lý tài sản đảm bảo. Nhất là cơ chế về mặt pháp lý. Nếu không, ngay cả những người có quyền xử là cơ quan pháp luật, TCTD... cũng không thể làm gì được với những con nợ chây ỳ.
Ở nước ngoài họ có luật, cơ chế xử lý rất quyết liệt, rõ ràng với những đối tượng này. Nhưng ở Việt Nam không làm thế vì liên quan đến nhiều Luật, các trình tự thủ tục cũng rất rườm rà. Ví dụ, nếu người vay không đồng ý bàn giao tài sản cho chủ nợ là NH khi không trả được nợ, thì NH phải khởi kiện ra toà. Một thời gian sau, tuỳ vào tốc độ xử lý, nhanh thì 1 năm, không thì mất 3-4 năm, cơ quan thi hành án mới có thể hỗ trợ NH cưỡng chế tài sản. Chưa kể, không phải lúc nào công việc này cũng suôn sẻ vì thời gian qua thi hành án bị đọng rất nhiều. Mặc dù còn khó khăn, nhưng trong năm 2015 VAMC vẫn đặt mục tiêu thu hồi, xử lý nợ xấu 10 nghìn tỷ đồng.
Cơ sở nào để ông đưa ra con số trên?
Đối với thu hồi, xử lý nợ xấu, hiện tại có đến 8-10 trường hợp khách hàng đề nghị VAMC cùng với TCTD xem xét, xác định giá để đấu giá. Khả năng trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tổ chức đấu giá tài sản đảm bảo để có thể thu hồi nợ. Bên cạnh đó, VAMC tiếp tục hỗ trợ TCTD đôn đốc thu hồi nợ bằng nhiều giải pháp quyết liệt. Đặc biệt, từ đầu năm đến nay khá nhiều khách hàng đặt vấn đề mua lại các khoản nợ hoặc mua tài sản. Đây là tín hiệu cho thấy, thời gian tới khả năng chúng tôi sẽ xử lý một số khoản nợ liên quan đến dự án dở dang. Đã có một số đối tác trong nước cũng như nước ngoài đặt vấn đề mua lại các dự án đó và tiếp tục mở rộng phù hợp lĩnh vực sản xuất kinh doanh của họ. Công tác thi hành án cũng sẽ được cải thiện trong thời gian tới.
Hiện nay, Cục Thi hành án thuộc Bộ Tư pháp đã phối kết hợp chặt chẽ với VAMC. Bước đầu, hai bên có kế hoạch triển khai thí điểm thi hành án một số dự án liên quan đến VietinBank, Vietcombank. Chúng tôi đã lên danh sách một loạt các vụ án liên quan đến thi hành để chuyển sang bên Cục Thi hành án phối kết hợp làm một cách quyết liệt hơn.
Xin cảm ơn ông!