Trình 2 phương án đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu
Xử lý nợ xấu: Không chỉ đặt trên vai NHNN | |
Xử lý triệt để nợ xấu: Cần bước tiến dài về thể chế | |
Thúc xử lý nợ xấu: Cần sớm tháo gỡ cơ chế cho VAMC |
Tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII, Quốc hội đã cho ý kiến tại tổ và hội trường về dự án Luật đấu giá tài sản. Đa số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành với Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế và nhất trí với nội dung do Chính phủ trình; đồng thời đóng góp nhiều ý kiến cho dự án Luật.
Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật lần này đã được tiếp thu, chỉnh lý gồm 8 Chương và 81 Điều. Trong đó, rà soát, bổ sung các loại tài sản phải bán thông qua đấu giá theo quy định của pháp luật; rà soát, bổ sung trình tự, thủ tục đấu giá tài sản; bổ sung các hành vi nghiêm cấm; rà soát, bổ sung các quy định liên quan đến Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản, doanh nghiệp đấu giá tài sản, đấu giá viên và tổ chức xã hội - nghề nghiệp của đấu giá viên; bổ sung vào dự án Luật một cách tối đa các quy định tại văn bản dưới luật đã áp dụng có tính ổn định trong thời gian qua.
Ảnh minh họa |
2 phương án đấu giá với nợ xấu?
Riêng về đấu giá nợ xấu và TSBĐ của khoản nợ xấu, nhiều ý kiến đề nghị bổ sung quy định về đấu giá nợ xấu và TSBĐ của khoản nợ xấu của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) và của các công ty quản lý tài sản khác. Một số ý kiến đề nghị không quy định về đấu giá nợ xấu và TSBĐ của khoản nợ xấu của VAMC trong dự án Luật. Ý kiến khác cho rằng việc quy định xử lý nợ xấu tại dự án Luật là không phù hợp, không đảm bảo linh hoạt và đề nghị giao Chính phủ quy định về vấn đề xử lý nợ xấu và TSBĐ của khoản nợ xấu.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc xử lý nợ xấu và TSBĐ của các tổ chức tín dụng trước đây được các ngân hàng thương mại cổ phần thực hiện theo Luật các tổ chức tín dụng và trong giai đoạn trước tháng 5/2013, tình hình nợ xấu ở nước ta là rất nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến an toàn hệ thống tiền tệ quốc gia.
Ngày 18/5/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 53/2013/NĐ-CP về thành lập, tổ chức và hoạt động của Công ty VAMC, quy định một số cơ chế đặc thù trong xử lý nợ xấu và TSBĐ của khoản nợ xấu nhằm góp phần xử lý nhanh nợ xấu, lành mạnh hóa tài chính, giảm thiểu rủi ro cho các tổ chức tín dụng và các doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng hợp lý cho nền kinh tế. VAMC được thực hiện nhiều phương thức để xử lý nợ xấu và TSBĐ của khoản nợ xấu, trong đó bán đấu giá tài sản chỉ là một trong các phương thức đó.
Theo quy định của pháp luật hiện hành, VAMC có thể thực hiện cơ cấu lại khoản nợ xấu, hỗ trợ khách hàng vay, thỏa thuận với khách hàng vay về việc chuyển nợ thành vốn góp, vốn cổ phần để tham gia cơ cấu lại tài chính và hoạt động của khách hàng vay, bán nợ cho các tổ chức, cá nhân...
TSBĐ của các khoản nợ xấu mà VAMC đã mua được xử lý theo thỏa thuận của các bên; nếu không có thỏa thuận thì TSBĐ được bán đấu giá thông qua tổ chức đấu giá tài sản chuyên nghiệp hoặc VAMC tự bán đấu giá phù hợp với các quy định của pháp luật và bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch.
Đối với các công ty Quản lý tài sản (AMC) do các tổ chức tín dụng thành lập, quyền và nghĩa vụ của các AMC thực hiện theo ủy quyền của tổ chức tín dụng, theo đó việc mua bán các khoản nợ và TSBĐ của các khoản nợ thực hiện theo thỏa thuận hoặc theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 3 của dự thảo Luật.
Đối với Công ty TNHH mua bán nợ Việt Nam (DATC), được thành lập và chính thức đi vào hoạt động từ ngày 01/01/2004 với mục tiêu góp phần lành mạnh hoá tình hình tài chính doanh nghiệp, thúc đẩy quá trình sắp xếp và chuyển đổi các doanh nghiệp nhà nước. Cũng như các AMC, trường hợp DATC thực hiện bán đấu giá các khoản nợ và tài sản qua hình thức đấu giá thì thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu giá tài sản.
Tuy nhiên, do vấn đề này còn có các loại ý kiến khác nhau, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin đề xuất 2 phương án như sau để xin ý kiến Quốc hội.
Phương án 1: Dự thảo Luật quy định một số nguyên tắc về việc đấu giá nợ xấu và TSBĐ của khoản nợ xấu được thực hiện theo trình tự, thủ tục phù hợp với tình hình thực tiễn xử lý nợ xấu nhưng vẫn phải đồng thời tuân thủ các nguyên tắc, quy định của Luật đấu giá tài sản một cách công khai, minh bạch, chịu sự quản lý của cơ quan có thẩm quyền.
Tại khoản 9 Điều 4 của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp đã sử dụng cụm từ “tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng Việt Nam” để sử dụng cho VAMC.
Do vậy, để đảm bảo tính phổ quát xin sử dụng cụm từ này để tiếp thu bổ sung Mục 3 (gồm 2 Điều) về đấu giá nợ xấu và TSBĐ của khoản nợ xấu tại Chương IV, bao gồm: Điều 64 về đấu giá nợ xấu và TSBĐ của khoản nợ xấu và Điều 65 về đấu giá nợ xấu và TSBĐ của khoản nợ xấu trong trường hợp tự đấu giá tài sản.
Đồng thời, bổ sung tại một số điều, khoản quy định chung trong Luật như khoản 2 Điều 2 về đối tượng áp dụng, điểm 0 khoản 1 Điều 3 về tài sản đấu giá...
Dự thảo Luật đấu giá tài sản hiện đang trình Quốc hội theo phương án 1.
Phương án 2: Không quy định về việc đấu giá nợ xấu và TSBĐ của khoản nợ xấu cũng như các quyền, nghĩa vụ liên quan đến đấu giá nợ xấu và TSBĐ của khoản nợ xấu tại dự án Luật này để đảm bảo cơ chế thị trường và nguyên tắc đấu giá theo quy định của Luật này.
Sau đó, sẽ đề nghị Chính phủ sửa đổi Nghị định số 53/2013/NĐ-CP theo tinh thần của Luật này nhằm tránh các hệ lụy pháp lý về mặt tài chính sau khi xử lý nợ và đảm bảo tính phổ quát của Luật.
Không nên Luật hóa
Các chuyên gia pháp luật ngân hàng cho rằng, lựa chọn phương thức bán nợ xấu và bán TSBĐ của các khoản nợ xấu là quyền đương nhiên của VAMC theo quy định của pháp luật. Nếu luật hóa việc đấu giá nợ xấu và TSBĐ nợ xấu là hạn chế quyền đương nhiên của VAMC.
Cụ thể, đối với quyền bán khoản nợ xấu của VAMC, bản chất việc mua bán nợ là việc mua bán quyền đòi nợ. Theo quy định tại Bộ luật dân sự, quyền đòi nợ là một loại tài sản được mua bán trong giao dịch dân sự. Việc mua bán quyền đòi nợ là một trong các căn cứ xác lập quyền sở hữu theo Bộ luật dân sự. Sau khi mua nợ, bên mua nợ sẽ trở thành chủ sở hữu đối với quyền đòi nợ.
Điều 194 Bộ luật dân sự 2015 cũng quy định, chủ sở hữu tài sản có quyền bán, trao đổi, tặng cho, cho vay, để thừa kế, từ bỏ quyền sở hữu, tiêu dùng, tiêu hủy hoặc thực hiện các hình thức định đoạt khác phù hợp với quy định của pháp luật đối với tài sản.
Còn theo quy định Nghị định 53/2013/NĐ-CP, VAMC được quyền kế thừa quyền và nghĩa vụ chủ nợ của TCTD bán nợ; thực hiện các quyền của chủ nợ đối với khách hàng vay, bên có nghĩa vụ trả nợ.
Như vậy, sau khi mua nợ, VAMC là chủ sở hữu đối với khoản nợ xấu được mua và VAMC đương nhiên có các quyền của chủ sở hữu theo quy định của Bộ luật dân sự, quyền chủ nợ đối với khoản nợ xấu đã mua, trong đó có quyền bán khoản nợ xấu.
Bên cạnh đó, theo quy định tại Thông tư 19/2015/TT-NHNN thì TCTD có quyền lựa chọn một trong hai phương thức mua bán nợ đó là thỏa thuận hoặc thông qua bán đấu giá.
Như vậy, quy định VAMC được bán nợ xấu theo phương thức thỏa thuận là phù hợp với quy định của Bộ luật dân sự về quyền của chủ sở hữu, quyền của chủ nợ. Quyền được bán nợ theo phương thức thỏa thuận của VAMC cũng là quyền bán nợ của TCTD, VAMC không có bất kỳ “đặc quyền” nào so với các chủ thể mua nợ khác theo quy định của pháp luật. Do đó, nếu bắt buộc VAMC phải bán khoản nợ xấu thông qua bán đấu giá là hạn chế quyền đương nhiên của VAMC.
Về việc bán TSBĐ, theo Bộ luật dân sự, bên bảo đảm và bên nhận bảo đảm có quyền thỏa thuận về phương thức xử lý TSBĐ, bao gồm cả việc bên nhận bảo đảm tự bán TSBĐ mà không bắt buộc phải bán thông qua đấu giá. Nghị định 53/2013/NĐ-CP cũng quy định, VAMC được quyền kế thừa quyền và nghĩa vụ chủ nợ của TCTD bán nợ, thực hiện các quyền của bên nhận bảo đảm đối với bên bảo đảm nhằm thu hồi nợ.
Thông tư 09/2015/TT-NHNN cũng quy định khi mua nợ xấu từ TCTD, toàn bộ các quyền và lợi ích gắn liền với khoản nợ xấu, TSBĐ và biện pháp bảo đảm khác cho khoản nợ xấu được bên bán nợ giữ nguyên hiện trạng và chuyển giao cho bên mua nợ.
Như vậy, quyền bán TSBĐ theo phương thức thỏa thuận, bao gồm tự bán TSBĐ nếu có thỏa thuận với bên bảo đảm, không bắt buộc phải thông qua bán đấu giá là quyền của bất kỳ bên nhận bảo đảm nào không chỉ áp dụng riêng cho VAMC. Hay nói cách khác, việc VAMC xử lý TSBĐ theo phương thức thỏa thuận không phải là “đặc quyền” trong việc xử lý TSBĐ. Vì vậy, trường hợp bắt buộc VAMC phải bán TSBĐ thông qua đấu giá sẽ làm hạn chế quyền xử lý TSBĐ của VAMC so với các bên nhận thế chấp khác.