Từ kiểm soát sang kiểm toán: Bước chuyển đổi mang tính đột phá
Nguyên Vụ trưởng Vụ Tổng kiểm soát - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), ông Trương Đình Song cẩn thận lật từng trang cuốn “Sổ tay kiểm toán nội bộ” vẫn còn như mới mà đích thân ông làm chủ biên soạn thảo trước ngày nghỉ hưu. Mới đó mà đã 12 năm, đã thêm 2 thế hệ lãnh đạo kế nhiệm, song với ông, những ký ức làm việc ở Vụ Tổng kiểm soát (nay là Vụ Kiểm toán nội bộ) vẫn còn in đậm và tràn đầy cảm xúc.
Bởi nơi đó, ông đã đặt cả tình cảm và tâm huyết không chỉ với công việc của mình, mà là trách nhiệm và tình yêu với NHNN bằng việc quyết trình cho được việc chuyển đổi mô hình tổ chức - hoạt động từ Tổng kiểm soát thành Kiểm toán nội bộ, theo đúng chức năng và đúng quy chuẩn quốc tế.
Quan trọng hơn, đây là cơ sở để Vụ Kiểm toán nội bộ thể hiện đúng vai trò, vị trí, chức năng của mình khi là một trợ thủ đắc lực hỗ trợ Thống đốc trong thực hiện kiểm toán nội bộ và kiểm soát các mặt hoạt động, thực thi chính sách của NHNN.
Đại hội Chi bộ Vụ Kiểm toán nội bộ, nhiệm kỳ 2015-2017 |
Lần hồi lại lịch sử, năm 1988 cùng với sự chuyển đổi hệ thống ngân hàng thành mô hình hai cấp, và tiếp đó là năm 1990 cùng với việc gia nhập Quỹ Tiền tệ quốc tế đòi hỏi NHNN phải thành lập bộ máy Kiểm toán nội bộ để giúp việc cho Thống đốc quản lý hoạt động ngân hàng và thực thi chính sách tiền tệ.
Nhưng thời gian đó, Việt Nam học mô hình của Pháp với trọng tâm là thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính của các đơn vị thuộc NHNN, kiểm tra và giám sát an toàn hoạt động kho quỹ của NHNN. Cái tên Vụ Tổng kiểm soát của NHNN đã ra đời năm 1990 trong bối cảnh đó.
Cùng với đó là nhận thức về hoạt động kiểm soát, kiểm toán nội bộ trong NHNN thời kỳ đó chưa rõ ràng, hoạt động kiểm soát được cho là chức năng chính của Vụ Tổng kiểm soát, chứ không phải là kiểm toán tất cả hoạt động của NHNN. Vì vậy, dù được tư vấn từ các chuyên gia của tổ chức GTZ - NHTW Đức, cũng như NHTW Pháp, Anh… nhiều năm sau, chúng ta vẫn loay hoay cho rằng hoạt động kiểm soát là chức năng của Vụ Tổng kiểm soát ngay trong Luật NHNN năm 1997.
Cũng bởi vì vậy, khi về “tiếp quản” điều hành hoạt động của Vụ, điều mà Vụ trưởng Song tâm huyết là chuyển đổi hoạt động của Vụ về đúng vai trò, chức năng chính là Kiểm toán nội bộ. “Đó là cả một quá trình chuyển đổi nhận thức”, ông Trương Đình Song nhớ lại.
Đầu những năm 2000, nhiều lần Vụ Tổng kiểm soát gửi Vụ Pháp chế thẩm định Quy chế kiểm soát nội bộ, kiểm toán nội bộ NHNN, song vẫn chưa thống nhất được bởi không phù hợp với chức năng, nhiệm vụ theo quy định tại Điều 57 Luật NHNN năm 1997.
Sau khi Vụ Pháp chế báo cáo lên Thống đốc ngày đó là ông Lê Đức Thuý - người trực tiếp phụ trách, chỉ đạo hoạt động của Vụ Tổng kiểm soát về vấn đề này, Vụ đã báo cáo và thuyết trình trực tiếp với Thống đốc nêu rõ chỉ thực hiện kiểm toán nội bộ các đơn vị trong NHNN, nhằm tham mưu, giúp việc cho Thống đốc đảm bảo tính tuân thủ, duy trì sự ổn định và an toàn trong hoạt động, không ảnh hưởng đến pháp nhân khác nên không có gì trái với Luật. Vấn đề chỉ là nhận thức và chuyển được nhận thức ấy thì hoạt động mới có hiệu quả, hiệu lực.
Sau hai lần báo cáo trực tiếp của Lãnh đạo Vụ, Thống đốc đã chấp thuận phê vào tờ trình của Vụ là ông “chịu trách nhiệm cho phép ban hành” Quy chế. “Như vậy, nếu không có sự ủng hộ và quyết định của Thống đốc Lê Đức Thúy thì không thể ban hành được Quy chế kiểm soát nội bộ, kiểm toán nội bộ NHNN tại Quyết định số 486/2003/QĐ-NHNN và không thể chuyển được hoạt động của Vụ Tổng kiểm soát sang hoạt động kiểm toán theo thông lệ quốc tế mà phải đợi đến năm 2010, Quốc hội ban hành Luật NHNN mới, thay thế Luật NHNN năm 1997 mới giải quyết được”, ông Song nói.
Từ việc chuyển đổi này, hai vấn đề đã được nhìn nhận. Thứ nhất là sự chuyển đổi nhận thức của cán bộ các vụ, cục, chi nhánh, coi công tác kiểm soát nội bộ là chức năng của đơn vị mình nhằm đảm bảo an toàn hoạt động và tài sản tại mỗi đơn vị quản lý. Còn Vụ Tổng kiểm soát sẽ kiểm tra tính tuân thủ, hoạt động của các vụ cục, đơn vị một cách độc lập theo chỉ đạo và theo kế hoạch phê duyệt của Thống đốc NHNN.
Thứ hai là Báo cáo tài chính của NHNN có thêm một vòng kiểm soát là hoạt động kiểm toán nội bộ của Vụ Tổng kiểm soát. Trước đây Vụ Tổng kiểm soát chỉ kiểm tra báo cáo tài chính của các chi nhánh mà chưa thực hiện kiểm tra, kiểm toán hoạt động của Vụ Tài chính - Kế toán. Từ khi có Quy chế 486, Vụ mới thực hiện kiểm toán tại Vụ Tài chính - Kế toán.
Thực tế cũng cho thấy hoạt động kiểm toán nội bộ của NHNN là chỗ dựa tin cậy cho kiểm toán độc lập bên ngoài, do hiện nay Kiểm toán Nhà nước khi thực hiện kiểm toán tại NHNN thì thường dựa trên cơ sở xem xét, đánh giá báo cáo kiểm toán của Vụ Kiểm toán nội bộ để lựa chọn trọng tâm kiểm toán, chứ không đủ lực để làm hết các đơn vị.
Năm 2008, để phù hợp với thông lệ quốc tế theo khuyến nghị của Tổ chức Tiền tệ quốc tế, đồng thời phù hợp với yêu cầu thực tế hoạt động, điều hành của NHNN, Chính phủ đã đổi tên Vụ Tổng kiểm soát thành Vụ Kiểm toán nội bộ (Nghị định số 96/2008/NĐ-CP ngày 26/8/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của NHNN Việt Nam). Và sau đó, chức năng kiểm toán nội bộ của Vụ cũng đã được luật hoá trong Luật NHNN năm 2010.
Đã 12 năm kể từ ngày chuyển đổi quy chế hoạt động của Vụ Kiểm toán nội bộ, những đóng góp của toàn thể cán bộ, công chức qua các thế hệ với vai trò tham mưu, giúp việc cho Thống đốc đã hiện hữu rõ nét trong thành quả chung. Đó là việc quản lý hoạt động ngân hàng an toàn, ngày càng hiệu quả trong thực thi chính sách tiền tệ và nâng cao vai trò, vị thế quản lý của NHNN.
Và ông Song có thêm niềm tự hào khi các nguyên tắc kiểm toán nội bộ mà chính ông chủ trì xây dựng trong cuốn “Sổ tay kiểm toán nội bộ” ngày ấy dựa trên việc học hỏi kinh nghiệm của các nước vẫn trở thành “bảo bối” cho các cán bộ kiểm toán của Vụ trong quá trình tác nghiệp, góp phần vào truyền thống tốt đẹp của ngành Ngân hàng với bề dày lịch sử 65 năm qua.