Tỷ giá hạ nhiệt khi tâm lý ổn định
Điểm lại thông tin kinh tế ngày 21/5 | |
Tỷ giá và yếu tố tâm lý thị trường |
Theo thống kê, tính đến nay tỷ giá trung tâm mới chỉ tăng 244 đồng so với cuối năm 2018, tương đương tăng khoảng 1,1%; trong khi tỷ giá niêm yết tại các ngân hàng chỉ tăng khoảng 0,8%. Đáng chú ý, tỷ giá tại các ngân hàng luôn duy trì ở mức thấp hơn khá nhiều so với mức trần biên độ, cho thấy thanh khoản ngoại tệ vẫn rất tốt.
Ảnh minh họa |
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, việc tỷ giá tăng trong thời gian qua chủ yếu do yếu tố tâm lý ảnh hưởng từ những động thái mới trên thị trường quốc tế. Phân tích rõ hơn về những tác động từ thị trường bên ngoài, một chuyên gia ngân hàng cho biết, việc kinh tế Mỹ tăng trưởng mạnh hơn dự kiến trong quý I đã hỗ trợ cho đồng USD tăng giá so với các đồng tiền chủ chốt khác. Chưa hết, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đột ngột leo thang trở lại cũng khiến các nhà đầu tư lo ngại tìm đến đồng bạc xanh để trú ẩn, trong khi lại bán tháo đồng nhân dân tệ, đẩy đồng nội tệ của Trung Quốc rớt giá mạnh.
Theo đó, hiện đồng USD lại đang đứng ở mức rất cao; trong phiên giao dịch hôm 20/5, có thời điểm chỉ số đồng USD đã tăng lên tới 98,036 điểm - cao nhất kể từ ngày 3/5. Trong khi đồng nhân dân tệ đã để mất 2,8% giá trị kể từ đầu tháng 5 đến nay và hiện các nhà đầu tư đang lo ngại nó có thể xuyên thủ ngưỡng tâm lý 7 nhân dân tệ/USD nếu nước này không có các biện pháp hỗ trợ.
Do Mỹ và Trung Quốc là hai đối tác thương mại lớn của Việt Nam, nên cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung bùng phát và những biến động của cặp đồng tiền USD/CNY tất yếu sẽ có tác động đến tỷ giá trong nước. Trả lời phỏng vấn báo giới hôm 20/5, ông Phạm Thanh Hà – Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, NHNN cũng nhìn nhận, việc đồng nhân dân tệ tiếp tục giảm giá trong một số ngày từ cuối tháng 4 đến nay đã tác động mạnh tới tâm lý thị trường ngoại tệ trong nước, từ đó gây áp lực tới tỷ giá. “Tuy nhiên, qua theo dõi của NHNN, thanh khoản thị trường vẫn ổn định, cân đối cung cầu ngoại tệ tổng thể về cơ bản vẫn tương đối thuận”, ông Hà nhấn mạnh.
Điều đó càng củng cố thêm nhận định của các chuyên gia là tỷ giá đang chịu tác động bởi yếu tố tâm lý. Mặc dù vậy nếu không kịp thời xử lý, nó vẫn có thể gây nhiều tác động bất lợi cho thị trường và gây khó khăn cho công tác điều hành tỷ giá của NHNN. Để xua tan những ám ảnh tâm lý này, một thông điệp ổn định phát đi từ cơ quan điều hành là vô cùng cần thiết.
“Trong thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường trong và ngoài nước, điều hành tỷ giá trung tâm linh hoạt, phù hợp, tiếp tục sử dụng đồng bộ các biện pháp và công cụ CSTT để ổn định thị trường ngoại tệ”, ông Phạm Thanh Hà – Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ cho biết và khẳng định: “Nếu cần thiết, NHNN sẵn sàng bán ngoại tệ can thiệp với tỷ giá bán phù hợp để bình ổn thị trường, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô”.
Sau khi thông điệp này được phát đi, tỷ giá thị trường đã ngừng tăng, thậm chí còn có dấu hiệu giảm nhẹ trở lại. Theo đó, đóng cửa phiên giao dịch ngày 21/5, giá mua vào USD tại các ngân hàng đã giảm về quanh 23.330 - 23.340 đồng/USD, trong khi giá bán ra cũng giảm về phổ biến ở mức 23.430 - 23.440 đồng/USD, giảm 30 - 40 đồng so với phiên sáng ngày 20/5.
Thế nhưng theo đánh giá của các chuyên gia, nguyên nhân sâu xa dẫn tới kết quả trên chính là lòng tin của thị trường vào công tác điều hành tỷ giá cũng như khả năng can thiệp của NHNN đang tăng lên rất cao. Điều đó đã được chứng minh qua những “cơn sóng” tỷ giá trong năm 2018.
Tin tưởng việc tỷ giá tăng không đáng lo bởi thời gian qua NHNN có nhiều kinh nghiệm để xử lý ứng phó, TS. Cấn Văn Lực – Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV phân tích, đồng USD chỉ là một trong 8 rổ tiền tệ điều hành của NHNN hàng ngày và chính sách tỷ giá từ năm 2016 trở lại đây đã tương đối linh hoạt, bám sát thị trường, chính vì thế tỷ giá được duy trì ổn định trong 3 năm qua.
Trong báo cáo gửi tới Quốc hội mới đây, NHNN Việt Nam cũng cho biết, trong những tháng đầu năm NHNN tiếp tục mua được ngoại tệ bổ sung dự trữ ngoại hối Nhà nước, đưa quy mô dự trữ ngoại hối Nhà nước lên mức cao nhất từ trước đến nay. Cùng với việc quy mô dự trữ ngoại hối Nhà nước được cải thiện đáng kể, NHNN cũng theo dõi sát tình hình kinh tế thế giới, tình hình xếp hạng của các đối tác và áp dụng linh hoạt các công cụ đầu tư dự trữ ngoại hối Nhà nước, đảm bảo công tác quản lý dự trữ ngoại hối Nhà nước tuân thủ nguyên tắc an toàn, thanh khoản và sinh lời.
“Dự trữ ngoại hối, góp phần củng cố an ninh tài chính tiền tệ quốc gia và tăng khả năng can thiệp thị trường ngoại tệ khi cần thiết”, ông Phạm Thanh Hà cho biết. Hay nói như ông Phạm Hồng Hải – Tổng giám đốc HSBC Việt Nam: “Với dự trữ ngoại hối tương đối cao như hiện nay, NHNN hoàn toàn có thể cung ứng thanh khoản thị trường để giúp tạo ra tâm lý ổn định”.