Tỷ giá và yếu tố tâm lý thị trường
Yếu tố nội tại không có tác động
Trả lời cổng thông tin điện tử NHNN Việt Nam hôm 20/5, ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) cho rằng, từ cuối tháng 4 đến nay tỷ giá bắt đầu có xu hướng tăng. Mặc dù tâm lý thị trường có lo lắng nhưng thanh khoản thị trường vẫn được đảm bảo, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ, kịp thời.
Tỷ giá tăng trong những ngày qua chủ yếu do những thông tin mới gần đây về đàm phán thương mại Mỹ - Trung làm gia tăng quan ngại thị trường về khả năng xung đột thương mại quốc tế diễn biến tiêu cực, đồng thời việc đồng Nhân dân tệ (CNY) tiếp tục giảm giá trong một số ngày từ cuối tháng 4 đến nay đã tác động mạnh tới tâm lý thị trường ngoại tệ trong nước, từ đó gây áp lực tới tỷ giá.
Tuy nhiên, qua theo dõi của NHNN, thanh khoản thị trường vẫn ổn định, cân đối cung cầu ngoại tệ tổng thể về cơ bản vẫn tương đối thuận. NHNN sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường trong và ngoài nước, điều hành tỷ giá trung tâm linh hoạt, phù hợp, tiếp tục sử dụng đồng bộ các biện pháp và công cụ chính sách tiền tệ để ổn định thị trường ngoại tệ. Nếu cần thiết, NHNN sẵn sàng bán ngoại tệ can thiệp với tỷ giá bán phù hợp để bình ổn thị trường, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.
Ảnh minh họa |
Theo quan sát của phóng viên Thời báo Ngân hàng, diễn biến tỷ giá trong những tháng đầu năm 2019 có những điểm nhấn rất khác biệt so với thời kỳ trước. Đầu năm nay NHNN công bố tỷ giá trung tâm ở mức 22.825 đồng/USD (ngày 2/1) đến ngày 21/5 tỷ giá trung tâm ở mức 23.069 đồng/USD, như vậy tỷ giá trung tâm từ đầu năm đến nay tăng khoảng 1% so với đầu năm.
Trong khi đó giá bán USD niêm yết của NHTM lại tăng thấp hơn đáng kể, ví như giá bán USD của Vietcombank ra thị trường đầu năm ở mức 23.245 đồng/USD (ngày 1/1) đến ngày hôm qua 21/5 giá bán của ngân hàng này ở mức 23.465 đồng/USD, tương đương với mức tăng khoảng 0,9% so với đầu năm.
Điều quan trọng là tỷ giá trung tâm công bố trong ngày nhưng giá mua bán USD niêm yết của các NHTM không tăng hết biên độ, bên cạnh đó giá mua USD tiền mặt trên thị trường tự do của các chủ điểm thu đổi ngoại tệ có lúc còn thấp hơn giá mua của NHTM.
Chẳng hạn, ngày 21/5, Vietcombank niêm yết giá bán ở mỗi mức 23.465 đồng, mức giá này đã giảm 5 đồng/USD so với trước đó một ngày. Trên thị trường tự do USD tiền mặt giá mua/bán giao dịch ở mức 23.380/23.430 đồng/USD. Chủ một điểm thu đổi ngoại tệ ở chợ Hòa Bình, Quận 5, TP.HCM cho biết đây là mức giá cao nhất từ đầu năm đến nay nhưng thị trường vắng khách mua bán. Nguyên do có thể giá USD trong ngân hàng ngang bằng với giá USD ngoài thị trường tự do, nên người dân đã giao dịch trực tiếp với ngân hàng nên không có nhu cầu mang ra ngoài bán ngoại tệ hưởng chênh lệch như những năm trước đây.
“Nhất là hiện nay các điểm giao dịch ngân hàng mở khắp nơi nên việc ra ngõ gặp ngân hàng nếu có chênh lệch 5, 10 đồng mỗi USD người dân cũng bán cho ngân hàng để đỡ phải đi lại nhiều” – chủ điểm thu đổi ngoại tệ nói.
Thêm nữa, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 4 tháng đầu năm 2019 tăng 2,71% so với cùng kỳ năm 2018, đây là mức tăng bình quân 4 tháng đầu năm thấp nhất trong 3 năm gần đây. Mặt khác, Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu (XNK) hàng hóa 4 tháng đầu năm 2019 ước tính đạt 156,8 tỷ USD, cán cân thương mại hàng hóa thực hiện ước tính thặng dư 711 triệu USD. Trong 4 tháng đầu năm nay, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký mới và vốn tăng thêm đạt 7,4 tỷ USD, tăng 28,6% so với cùng kỳ năm 2018, trong đó vốn FDI thực hiện ước đạt 5,7 tỷ USD, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2018. Định lượng các chỉ số kinh tế vĩ mô cho thấy tỷ giá VND/USD được hỗ trợ quan trọng như thế nào trong cán cân tổng thể.
DN có thể phòng ngừa bằng hợp đồng kỳ hạn
Theo bộ phận kinh doanh ngoại hối của Sacombank, “mặc dù tỷ giá USD/VND có tăng trong thời gian gần đây nhưng hoạt động của ngân hàng vẫn đủ đảm bảo cung ứng ngoại tệ cho khách hàng đến ngân hàng giao dịch và không có biến động đáng kể gì lớn”.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM, cho rằng giá USD trên thị trường trong nước gần đây có tăng nhưng thị trường ngoại tệ không có biến động. Doanh số mua bán ngoại tệ của các TCTD trên địa bàn TP.HCM trong quý I và tháng 4 năm nay không có chênh lệch quá lớn, qua theo dõi doanh số mua bán ngoại tệ chủ yếu do nhu cầu sản xuất kinh doanh của DN.
Không phủ nhận chiến tranh thương mại Mỹ - Trung dẫn đến việc Trung Quốc phá giá đồng CNY đã làm cho đồng USD tăng giá trên thị trường trong nước. Ông Nguyễn Hoàng Minh, cho rằng để chủ động tạo điều kiện cho các DN sản xuất kinh doanh, đặc biệt là những DN hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu có mối quan hệ với Trung Quốc, NHNN thành phố yêu cầu các NHTM đáp ứng mọi yêu cầu ngoại tệ chính đáng của cá nhân và DN và các NHTM không được lợi dụng tỷ giá tăng lãi suất cho vay.
Những lo ngại rủi ro tỷ giá tăng do những tác động từ bên ngoài có thể xảy ra, ông Minh khuyên các DN nên sử dụng các công cụ phái sinh như mua bán hợp đồng ngoại tệ kỳ hạn, hợp đồng hoán đổi, hợp đồng tương lai. Nếu tỷ giá có tăng mức độ rủi ro xảy ra đối với DN sẽ ở mức thấp nhất.
TS. Nguyễn Trí Hiếu cho biết, NHNN đã duy trì được sự ổn định tỷ giá VND/USD từ đầu năm đến nay, nhưng tôi nghĩ rằng NHNN cũng cần uyển chuyển hơn trong việc điều hành tỷ giá từ nay đến cuối năm giữa bối cảnh thế giới rất nhiều biến động. Điển hình, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đến nay đã làm cho Trung Quốc phá giá đồng tiền của họ lên đến 6,91 CNY mua 1 USD. Nếu cuộc chiến thương mại này kéo dài tôi dự báo sẽ lên đến 7 CNY/USD và tôi vẫn hy vọng điều này không diễn ra. Nhưng nếu điều này xảy ra hàng hóa Trung Quốc sẽ đổ vào Việt Nam với giá rất rẻ do chênh lệch tỷ giá, làm cho hàng hóa Việt mất sức cạnh tranh trên thị trường nội địa. Đồng thời, hàng Việt xuất khẩu sang Trung Quốc cũng khó khăn hơn về giá, bởi hàng hóa Việt Nam với Trung Quốc bán qua lại cho nhau có tính tương đồng về chủng loại và đa số là nông sản. Các doanh nghiệp Việt đang có làm ăn với thị trường Trung Quốc nên đa dạng hóa thị trường xuất khẩu để giảm thiểu rủi ro nếu chiến tranh thương mại kéo dài. |