UBCKNN độc lập: Sẽ tăng vị thế thị trường tài chính Việt Nam
UBCKNN thuộc Chính phủ: Cần cân nhắc và đánh giá kỹ tác động | |
Xác lập UBCKNN là cơ quan độc lập, thuộc Chính phủ? |
Nhiều chuyên gia đề nghị cần nâng cao vị thế cho UBCKNN |
“Cơ hội không nhiều để nâng cao vai trò của một cơ quan quan trọng như vậy. Tôi thiết tha đề nghị Quốc hội xem xét vấn đề này bởi hiện nay việc đặt UBCKNN ở trong Bộ Tài chính đã tốt rồi nhưng chúng ta cần nó tốt hơn nữa, toàn diện hơn nữa, gắn kết với thị trường tài chính quốc tế hơn nữa và gắn kết với nền tảng công nghệ hiện đại hơn nữa. UBCKNN gắn kết với thế giới không chỉ với vai trò của một cơ quan trực thuộc Bộ Tài chính mà là toàn thể Quốc gia”, TS. Lê Xuân Nghĩa khuyến nghị.
Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, điều quan trọng nhất để nâng cao năng lực thể chế của TTCK nói chung và cơ quan quản lý cần có UBCK độc lập, không trực thuộc Bộ Tài chính. Triết lý quản lý của Bộ Tài chính là cơ quan quản lý ngân sách tài chính công nên nền tảng của nó là an toàn, không có rủi ro, nhưng nay lại quản lý một thị trường rủi ro “khủng khiếp nhất”, biến động thị trường thất thường nhất, lại chịu tác động rất lớn từ các thị trường khác. Triết lý và quản lý không giống nhau như vậy nên chính vì thế UBCK không nằm vào đâu trong hệ thống của Bộ Tài chính.
“Vậy để UBCK trong Bộ Tài chính như dự thảo Luật để giải quyết vấn đề gì”, ông Nghĩa đặt dấu hỏi và phân tích ở khía cạnh khác: Nói là nhỡ ra có gặp khủng hoảng thì Bộ Tài chính bỏ tiền ra cứu, tuy nhiên việc “cứu” UBCK và TTCK phải là chủ trương lớn của Chính phủ, phải có quy trình và bài bản cứu chứ không phải Bộ Tài chính có thể tự “vác tiền” NSNN ra để đi cứu thị trường rủi ro như thế này.
“Tôi không phê phán chuyện nó nằm ở đâu nhưng đã đến lúc chúng ta phải tạo cho UBCKNN vị thế tương xứng với tốc độ phát triển hiện nay của nó và trong thập kỷ tới đây, đồng thời giao cho nó trọng trách lớn hơn để nó có thể bao quát được nhiệm vụ lớn của nó trong bối cảnh thị trường tài chính tiềm ẩn đầy rủi ro”, ông Nghĩa khuyến nghị.
Ông Nguyễn Thanh Kỳ - Tổng thư ký Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán cho rằng, sau gần 25 năm hoạt động đến nay TTCK đã phát triển tốt so với các thời kỳ trước đây nhưng để có sự bứt phá, đồng thời phù hợp với thông lệ quốc tế là trong 128 nước có TTCK thì 121 nước có UBCK độc lập thì không nên cứ để UBCK nằm mãi trong Bộ Tài chính để bị ràng buộc, o ép và khó bứt phá.
“Tôi cho đây là vấn đề Quốc hội nên xem xét lại vì trong sửa đổi luật lần này, đây là điều kiện, là tiền đề tốt cho mở rộng thị trường, để thị trường phát triển mạnh mẽ hơn. Quốc hội cần tạo vị thế cho UBCKNN một cách đầy đủ, độc lập và đủ thẩm quyền như thông lệ quốc tế và 121 quốc gia đã làm”, ông Kỳ đề xuất.
Cũng về vấn đề này, bà Vũ Thị Kim Liên - nguyên Phó chủ tịch UBCKNN đồng tình với Bộ Tài chính là từ năm 2004 khi UBCK được đưa về Bộ Tài chính đã được hỗ trợ rất nhiều để TTCK phát triển. Tuy nhiên, đến giai đoạn hiện nay có nhất thiết để UBCKNN trong Bộ Tài chính hay không cần có tổng kết đánh giá. Theo bà, chính sách của Nhà nước và Chính phủ đã chỉ đạo rất rõ về vấn đề này, tất cả đã được thể chế hóa và việc nâng cao vị thế của UBCKNN là hiển nhiên.
“Trước yêu cầu của hội nhập quốc tế và trước yêu cầu của quản lý hiệu quả thị trường tài chính, chúng ta cần phải xem xét lại vị thế của UBCKNN. UBCK sẽ không thể quản lý tốt hơn nếu vẫn còn nằm trong Bộ Tài chính, đặc biệt là việc ban hành các văn bản pháp quy để điều hành nhanh nhạy, kịp thời. Cùng với đó, thẩm quyền quyết định nhân sự cũng nói lên vị thế và hiệu lực của quản lý nhà nước rất lớn nhưng UBCK chưa có thẩm quyền này.
Vì vậy Ban soạn thảo cần phân tích mặt được, mặt chưa được khi UBCK còn nằm trong Bộ Tài chính. Nhất là việc đánh giá vị thế của UBCKNN trước con mắt các NĐT quốc tế trong việc nâng hạng TTCK Việt Nam trong thời gian tới đây”, bà Liên phát biểu.
Về vị thế của UBCKNN, đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng Bùi Thanh Tùng cho biết, chúng ta mới đưa những quy định của pháp luật trước đây, mà chủ yếu là các nghị định để viện dẫn cho sự ổn định của bộ máy tổ chức từ UBCKNN đến các sở giao dịch chứng khoán mà hiện nay chúng ta đang vận hành, và chúng ta cho rằng sự ổn định cần phải giữ để đảm bảo không có tính rủi ro. Nhưng nếu như thế chúng ta mới chỉ phân tích một chiều, còn chiều thứ hai là chiếc áo đã quá chật, bất cập hiện nay như thế nào, tại sao phải sửa luật và các đề xuất mới thì liệu cần phải có sự thay đổi hay không.
“Tất nhiên cẩn trọng là rất tốt trong quản lý nhà nước nhưng nếu chúng ta cẩn trọng quá thì với lĩnh vực rất sôi động, rất mới và phát triển rất năng động như chứng khoán, đặc biệt trong hội nhập như hiện nay là chúng ta không theo kịp thị trường, không giúp nó bứt phá lên được và như vậy sẽ ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của nền tài chính và nền kinh tế”, ông Tùng nói và đề nghị ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu.
Đại diện cơ quan soạn thảo, Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải đã tiếp thu các ý kiến góp ý và cho biết, bộ không có quan điểm theo kiểu “giữ rịt” UBCKNN trong Bộ Tài chính. Vấn đề là làm thế nào để hoạt động của UBCKNN phát triển giai đoạn mới đáp ứng yêu cầu hội nhập.
“Chúng tôi ghi nhận các ý kiến đóng góp, báo cáo đầy đủ các ý kiến và các phương án với Chính phủ để Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định. Chắc chắn, dự thảo sẽ có bước tiến tối đa về tăng thẩm quyền, vị thế cho UBCK để UBCK thực sự có khả năng, điều kiện để thực thi nhiệm vụ và chức trách của mình”, ông Hải nhấn mạnh.