UBCKNN thuộc Chính phủ: Cần cân nhắc và đánh giá kỹ tác động
Đề nghị nâng lên tối thiểu 30 tỷ đồng là phù hợp | |
Xác lập UBCKNN là cơ quan độc lập, thuộc Chính phủ? |
Việc thay đổi mô hình hoạt động UBCKNN cần hết sức cân nhắc và đánh giá kỹ tác động đến thị trường |
Theo đại biểu, UBCKNN là cơ quan trực tiếp quản lý, giám sát hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán (TTCK) nhằm bảo vệ nhà đầu tư (NĐT), đảm bảo thị trường công bằng, hiệu quả và minh bạch, giảm rủi ro hệ thống. Để hoạt động hiệu quả, UBCKNN phải độc lập trong việc thực thi các chức năng và quyền hạn của mình; có trách nhiệm rõ ràng, đủ thẩm quyền, nguồn lực và có đủ năng lực để thực hiện nhiệm vụ.
“Nhiệm vụ chủ yếu của UBCKNN là: (1) thực hiện các quy định về quản lý chứng khoán, TTCK, phối hợp với các tổ chức liên quan để điều hành, giám sát TTCK; (2) kiểm soát, giám sát các hoạt động trên thị trường như đăng ký, lưu ký chứng khoán; giám sát các công ty niêm yết; phát hiện, xử lý gian lận trong kinh doanh chứng khoán; (3) quản lý, giám sát các tổ chức tự quản; (4) thanh tra các tổ chức, cá nhân có vi phạm pháp luật…
Như vậy nhìn vào mục tiêu, nguyên tắc hoạt động, chức năng nhiệm vụ thì UBCKNN trực thuộc ai không phải là vấn đề cốt lõi mà quan trọng là phải đảm bảo tính độc lập và quy định rõ trách nhiệm, trao đủ thẩm quyền, nguồn lực để cơ quan này có đủ năng lực quản lý, giám sát hoạt động của TTCK”, đại biểu phát biểu.
Phân tích sâu hơn về vấn đề này, đại biểu cho biết, UBCKNN được thành lập năm 1996, ban đầu là cơ quan thuộc Chính phủ; đến năm 2004 chuyển về trực thuộc Bộ Tài chính đóng góp không nhỏ vào quá trình hình thành và phát triển TTCK. Mặc dù quy mô thị trường còn nhỏ, chưa thực hiện đầy đủ vai trò huy động vốn trung và dài hạn cho DN, vẫn tồn tại sự mất cân đối giữa thị trường tiền tệ và thị trường vốn. Nhưng sự phát triển của TTCK Việt Nam có nhiều chuyển biến tích cực.
Nếu giai đoạn 2000-2005 quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt mức trên dưới 1% GDP thì đến 2018 đạt 71,9% GDP; quy mô thị trường trái phiếu cũng tăng nhanh đến tháng 5/2019 đạt 40,7% GDP, việc phát hành trái phiếu Chính phủ một cách hợp lý đã tăng kỳ hạn nợ, giảm lãi vay, cơ cấu lại nợ công; TTCK phái sinh tuy mới chính thức vận hành từ tháng 8/2017 nhưng năm 2018 thanh khoản tăng mạnh, đã và đang trở thành một kênh đầu tư hấp dẫn, có nhiều triển vọng tăng trưởng; mức độ tham gia của các NĐT nước ngoài trên TTCK tăng từ 10 - 11% các năm trước lên khoảng 15% nửa cuối 2017 và 2018.
Năm 2018, TTCK Việt Nam được ghi nhận là thị trường duy nhất trong khu vực châu Á (sau Trung Quốc) đạt giá trị mua ròng lớn so với GDP; đồng thời năm 2018 có tổ chức quốc tế uy tín đã đưa TTCK Việt Nam vào danh sách theo dõi nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi do thỏa mãn 8 trên 9 điều kiện theo yêu cầu. Số liệu và tình hình của TTCK Việt Nam đã cho thấy mô hình trực thuộc Bộ Tài chính không gây ách tắc cho sự phát triển, chưa cản trở sự tăng trưởng tích cực của TTCK.
Từ phân tích trên, đại biểu cho rằng, việc đưa UBCKNN thành cơ quan thuộc Chính phủ cần hết sức cân nhắc vì sẽ gây xáo trộn, mất thời gian sắp xếp lại tổ chức nhân sự và có thể gây tác động đến TTCK trong khi thị trường đang phát triển bình thường và đạt kết quả tích cực. Hơn nữa đề xuất thay đổi không có đánh giá tác động và không nêu bật được sự cần thiết; các lý do là giảm bớt khâu trung gian, tăng tính độc lập hay đổi mới và cấu trúc lại thị trường tài chính còn nặng về định tính, chưa được chứng minh bằng các lập luận khoa học và bằng chứng thuyết phục là tại sao chuyển đổi lại tăng tính độc lập hay chuyển đổi tác động đến đổi mới và cấu trúc lại thị trường như thế nào…
Để có thể thay đổi mô hình, đại biểu cho rằng, Ban soạn thảo cần phải làm rõ năm nội dung. Thứ nhất, thuộc Chính phủ sẽ tăng tính độc lập như thế nào, tại sao thuộc lại tăng trong khi có thể tăng tính độc lập bằng cách trao đủ thẩm quyền và quy định để UBCK độc lập về chuyên môn khi thực hiện nhiệm vụ;
Thứ hai, thuộc Chính phủ sẽ đảm bảo chủ động, kịp thời khi xử lý các tình huống biến động như thế nào, bớt được thủ tục, thời gian ra sao trong khi xin ý kiến Chính phủ thì Chính phủ vẫn phải lấy ý kiến của Bộ Tài chính, các bộ, ngành liên quan và họp Chính phủ để quyết định;
Thứ ba, thuộc Chính phủ có nâng cao được trách nhiệm của UBCKNN hay không, hay trách nhiệm đó chỉ cần quy định rõ ràng cụ thể trong Luật Chứng khoán;
Thứ tư, cắt việc trực thuộc Bộ Tài chính có rủi ro gì, UBCKNN có đủ năng lực để thực hiện nhiệm vụ hay không, khi trước đây trực thuộc Bộ Tài chính là để có sự hỗ trợ về chính sách, nguồn lực và các yếu tố để thúc đẩy thị trường;
Thứ năm, cắt việc trực thuộc Bộ Tài chính có ảnh hưởng đến lộ trình thoái vốn, cổ phần hóa DNNN không, có đảm bảo việc phát triển TTCK gắn liền với điều hành chính sách tài khóa, phối hợp chặt chẽ với chính sách tiền tệ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đảm bảo cân đối giữ thị trường vốn và thị trường tiền tệ hay không.
“Nếu đề xuất thay đổi mô hình phải là̀m rõ 5 nội dung trên, nếu không cần giữ nguyên như hiện hành là UBCKNN trực thuộc Bộ Tài chính và nghiên cứu bổ sung thêm các quy định để bảo đảm tính độc lập và trao đủ thẩm quyền để UBCKNN quản lý, giám sát được toàn diện chứng khoán và TTCK, đảm bảo sự phát triển ổn định của TTCK”, đại biểu Hoàng Quang Hàm đề xuất.
Trong khi đó, theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, trong điều kiện đang đẩy mạnh tinh gọn bộ máy, việc để UBCKNN thuộc Bộ Tài chính là điều bình thường. “Tuy nhiên, Chủ tịch UBCKNN nên là một Thứ trưởng, người có thể thay mặt Bộ Tài chính để xử lý nhanh hơn những thủ tục hành chính nếu có. Như vậy sẽ tinh gọn hơn”, vị chuyên gia nêu quan điểm.
Được biết, việc UBCKNN lên là cơ quan thuộc Chính phủ hay vẫn thuộc Bộ Tài chính như hiện tại là một trong số nhiều vấn đề hiện còn nhiều ý kiến khác nhau. Bên cạnh đó là các vấn đề: cách nào khả thi để nới room cho nhà đầu tư nước ngoài gia tăng tỷ lệ sở hữu cổ phần trên TTCK Việt Nam. Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam nên tổ chức và vận hành ra sao cho phù hợp với thông lệ quốc tế, đồng thời đáp ứng được yêu cầu phát triển thị trường hiện đại...