Ưu đãi lãi suất cho vay thu mua lúa gạo
Đến cuối tháng 1/2019: Trên 100.000 tỷ đồng cho vay lúa gạo | |
Nhà băng hỗ trợ giải cứu giá lúa |
Chủ trương chung của ngành Ngân hàng là sẽ tiếp tục đồng hành với các bộ ngành, địa phương trong việc đảm bảo nguồn vốn cho lĩnh vực sản xuất, tiêu thụ, xuất khẩu lúa gạo. Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng |
Chấp nhận “3 không” để tăng cho vay
Phát biểu tại Hội nghị thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ lúa gạo vùng Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) tổ chức tại tỉnh Đồng Tháp hôm qua, ngày 26/2, ông Nghiêm Xuân Thành - Chủ tịch HĐQT Vietcombank cho biết, để triển khai ngay những chỉ đạo của NHNN về việc thúc đẩy hỗ trợ vốn đối với lĩnh vực lúa gạo, Vietcombank đã chỉ đạo tất cả các chi nhánh chủ động cân đối nguồn vốn nhằm đáp ứng đủ tất cả nhu cầu vay vốn của DN phục vụ thu mua, chế biến – xuất khẩu lúa gạo.
Vietcombank cũng đã chỉ đạo các chi nhánh tăng cường làm việc với doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, gia tăng cơ hội tiếp cận vốn vay. Đồng thời tiếp tục thực hiện chương trình kết nối ngân hàng với DN để mở rộng hạn mức tín dụng và tăng tốc độ giải ngân đối với các khoản vay thu mua lúa gạo.
Ông Thành khẳng định, toàn hệ thống Vietcombank sẽ dành khoảng 9.000 tỷ đồng để cho vay lĩnh vực sản xuất, kinh doanh lúa gạo trong năm nay. Trong đó khoảng 7.000 tỷ đồng sẽ được giải ngân cho vay trong vụ Đông Xuân 2018-2019. Chính vì vậy hiện nay nguồn vốn để cho vay lúa gạo là không thiếu. Để chủ động hỗ trợ các DN thu mua kịp thời lúa gạo trong dân Vietcombank cam kết sẽ áp dụng “3 không” trong hoạt động cho vay lúa gạo.
Theo đó, ngân hàng áp dụng mức lãi suất cho vay 6%/năm, không đặt vấn đề lợi nhuận từ lãi vay, lợi nhuận trong hoạt động thanh toán và lợi nhuận trong mua bán ngoại tệ của các DN kinh doanh lúa gạo. Đặc biệt, ngân hàng cũng sẽ nới rộng tối đa tỷ lệ cho vay không có tài sản đảm bảo. Các DN có uy tín sẽ được áp dụng mức tín chấp 90% để thuận lợi nhất trong việc gia tăng hạn mức tiếp cận vốn.
Agribank cũng đưa ra các cam kết tương tự. Ông Trịnh Ngọc Khánh - Chủ tịch HĐTV Agribank cho biết, ngân hàng này đã chỉ đạo toàn hệ thống hoàn thiện các phương thức cho vay, tăng hiệu quả cho vay của các tổ, nhóm; cân đối nguồn vốn cho các chi nhánh ở khu vực ĐBSCL để đáp ứng đủ vốn vay cho DN, hợp tác xã và người dân.
Theo ông Khánh, hiện nay 13 chi nhánh tỉnh khu vực ĐBSCL của Agribank đang cho vay khoảng 144.000 tỷ đồng đối với lĩnh vực lúa gạo. Ngoài việc áp dụng mức lãi suất thống nhất là 6%/năm, ngân hàng cũng đang kết hợp nhiều chính sách ưu đãi khác để hạ thêm 0,5-1%/năm lãi suất đối với các DN lúa gạo đáp ứng được các tiêu chí về ứng dụng công nghệ cao và sản xuất nông nghiệp sạch, hoặc hỗ trợ 1-2 năm lãi suất đối với các khoản vay theo Quyết định 68/2013 của Chính phủ về giảm tổn thất sau thu hoạch. Với những ưu đãi này, nhiều DN có thể vay vốn thu mua lúa gạo với mức lãi suất từ 4,5% - 6%/năm, là mức mà phía ngân hàng gần như không có lợi nhuận.
Không chỉ các NHTM Nhà nước, khối ngân hàng cổ phần cũng tích cực vào cuộc. Ông Dương Công Minh - Chủ tịch HĐQT Sacombank cũng cho biết, hiện nay ngân hàng này đang cho vay khoảng 15.000 tỷ đồng trong lĩnh vực kinh doanh lúa gạo. Để hỗ trợ các DN tiếp cận vốn, thời gian tới Sacombank cũng sẽ áp dụng mức lãi suất ưu đãi 6%/năm để tiếp tục cung ứng vốn cho các DN thu mua lúa gạo.
Trong khi đó, ông Đỗ Minh Toàn - Tổng giám đốc ACB cho rằng, ngoài việc xem xét hỗ trợ lãi suất cho các DN lúa gạo, đơn vị cũng sẽ nghiên cứu phát triển các sản phẩm cho vay lúa gạo với kỳ hạn dài hơn 1 mùa vụ để giảm tải áp lực trả nợ cho người nông dân, gia tăng cơ hội dự trữ lúa gạo trong các thời điểm giá thị trường xuống thấp.
Các DN tích cực mua đã khiến giá lúa tăng lên 300-400 đồng/kg |
Tiếp tục chủ động đồng hành
Khẳng định sự chủ động và tích cực của ngành Ngân hàng trong việc cung ứng vốn vào lĩnh vực nông nghiệp – nông thôn nói chung và lúa gạo nói riêng, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết chủ trương chung của ngành Ngân hàng là sẽ tiếp tục đồng hành với các bộ ngành, địa phương trong việc đảm bảo nguồn vốn cho lĩnh vực sản xuất, tiêu thụ, xuất khẩu lúa gạo.
Theo đó, thời gian qua NHNN đã điều hành chính sách tiền tệ chủ động và linh hoạt. Quy định về trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VNĐ đối với lĩnh vực ưu tiên 6,5%/năm và chính sách tỷ giá trung tâm của NHNN thời gian qua đã tạo thuận lợi cho hoạt đông sản xuất kinh doanh, thu hút đầu tư nước ngoài và hỗ trợ cho các DN xuất khẩu, trong đó có các DN hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu gạo.
Bên cạnh đó, NHNN đã thực hiện các giải pháp hỗ trợ các TCTD mở rộng tín dụng, phân bổ và điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các TCTD có tỷ trọng cho vay nông nghiệp, nông thôn lớn (từ 10% trở lên). Để hỗ trợ DN xuất khẩu trong việc giảm chi phí vay vốn. NHNN cũng đã cho phép các TCTD được cho vay bằng ngoại tệ với lãi suất thấp đối với các khách hàng có nguồn thu ngoại tệ để trả nợ vay.
Với sự cởi mở của các NHTM trong việc cấp hạn mức tín dụng và hỗ trợ lãi suất, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, tính đến cuối tháng 1/2019, dư nợ cho vay lúa gạo của toàn hệ thống ngân hàng đã đạt khoảng 100.000 tỷ đồng. Trong đó, cho vay sản xuất lúa khoảng 23.000 tỷ đồng; cho vay thu mua, tiêu thụ lúa gạo khoảng 63.000 tỷ đồng và cho vay chế biến, bảo quản lúa gạo khoảng 14.000 tỷ đồng. Riêng khu vực ĐBSCL, tính đến hiện tại dư nợ cho vay lúa gạo chiếm khoảng 50% tổng dư nợ cho vay lúa gạo cả nước. Trong đó chủ yếu là cho vay thu mua, tiêu thụ lúa gạo với dư nợ ước khoảng 28.000 tỷ đồng.
Để tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tín dụng cho các DN ngành lúa gạo, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, thời gian tới NHNN sẽ chỉ đạo hệ thống TCTD tiếp tục tập trung nguồn vốn đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của thương nhân sản xuất, kinh doanh lúa gạo, người sản xuất lúa với thời hạn và lãi suất hợp lý theo Nghị định 55/2018, Nghị định 116/2018 và Nghị định 107/2018 của Chính phủ.
NHNN cũng sẽ chỉ đạo các TCTD chủ động tiếp cận các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo để nắm bắt khó khăn, vướng mắc của DN, trong đó xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét tăng hạn mức tín dụng và tiếp tục cho vay mới để tháo gỡ khó khăn cho người dân và DN.
Bên cạnh đó, ngành Ngân hàng cũng cam kết sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp phát triển sản xuất, thúc đẩy xuất khẩu gạo thông qua các chính sách tỷ giá, lãi suất và giá cả hàng hóa để hỗ trợ DN xuất khẩu trong việc giảm chi phí vay vốn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có thời gian tiếp cận dần với các sản phẩm phái sinh tỷ giá, lãi suất và giá cả hàng hóa để phòng ngừa rủi ro tỷ giá và rủi ro khác trong quá trình kinh doanh, xuất khẩu hàng hóa.
Vụ Đông Xuân cần tiêu thụ khoảng 10 triệu tấn lúa khô Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong quý I/2019 các tỉnh ĐBSCL sẽ thu hoạch được khoảng 10 triệu tấn lúa khô, đủ để chế biến khoảng 3,6 triệu tấn gạo phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ khoảng 2,7 triệu tấn lúa tại thị trường trong nước. Trong khuôn khổ Hội nghị “Ngành Ngân hàng thúc đẩy cho vay sản xuất, tiêu thụ lúa gạo khu vực ĐBSCL” tổ chức tại Đồng Tháp chiều 26/2, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho rằng về mặt cơ sở pháp lý, đến hiện tại phía ngành Ngân hàng không có vướng mắc gì trong việc cung ứng tín dụng cho ngành hàng lúa gạo. Để triển khai cụ thể các giải pháp, các gói tín dụng và sản phẩm tài chính phục vụ lĩnh vực lúa gạo, Phó Thống đốc yêu cầu các NHTM đưa ra các giải pháp mang tính thực tiễn để có thể thực hiện ngay tại các chi nhánh NHTM ở các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL. Theo khảo sát của phóng viên, với sự vào cuộc tích cực của hệ thống ngân hàng trong việc hỗ trợ vốn cho DN thu mua tạm trữ, giá lúa tại ĐBSCL đã tăng trở lại khoảng 300-400 đồng/kg. |