Việt Nam bất ngờ khi bị đánh giá chưa có nhiều tiến bộ về công khai ngân sách
Siết thu hồi vốn tạm ứng ngân sách | |
Tân cảng Sài Gòn đóng góp 20% cho ngân sách TP.HCM | |
Thu chi ngân sách cần chặt chẽ hơn |
Đây là nhận xét tổng quát trong Báo cáo đánh giá Chỉ số công khai ngân sách OBI 2017 vừa được công bố sáng 29/3/2018.
Kết quả OBI 2017 từ 115 quốc gia mới chỉ đạt mức xếp hạng trung bình hạn chế với 43 điểm trong tổng số tối đa là 100 điểm, giảm 2 điểm so với mức xếp hạng trung bình của năm 2015. Vẫn còn 3/4 số quốc gia chỉ công khai thông tin với mức độ dưới mức đầy đủ (dưới 61/100 điểm). Tình trạng giảm điểm xếp hạng minh bạch công khai ngân sách chủ yếu là do thiếu các thể chế và cơ chế giám sát cho người dân tham gia vào quá trình xây dựng và giám sát việc thực hiện ngân sách. Không có quốc gia nào đạt điểm đầy đủ ở cả 3 trụ cột minh bạch, tham gia và giám sát ngân sách.
Theo OBI 2017, Việt Nam chỉ đạt 15/100 điểm ở trụ cột I về công khai ngân sách, giảm 3 điểm so với vòng 2015, thuộc vào nhóm thứ 5 – Nhóm ít công khai nhất vì việc công bố thông tin và tài liệu ngân sách chưa kịp thời, không đúng thời hạn, công bố chậm hơn các thông lệ tốt của quốc tế. Các tài liệu được công bố còn chưa đủ thông tin, chưa công bố dự thảo dự toán ngân sách trình quốc hội và công bố muộn báo cáo ngân sách dành cho công dân và báo cáo kiểm toán.
Với trụ cột 2 về sự tham gia của người dân, Việt Nam cũng chỉ đạt 7/100 điểm (mức trung bình toàn cầu là 12 điểm). Việt Nam ghi được 72/100 đối với trụ cột 3 giám sát ngân sách của cơ quan lập pháp và 72/100 đối với giám sát ngân sách của cơ quan kiểm toán. Giám sát trong quá trình lập kế hoạch ngân sách là đầy đủ và trong quá trình thực thi ngân sách là hạn chế.
Phát biểu về kết quả đánh giá này, bà Đinh Mai Anh (Vụ Ngân sách – Bộ Tài chính) nói rằng bà bất ngờ trước kết quả 7/100 điểm về sự tham gia của người dân trong khi nhóm dự liệu là phải đạt 12 điểm vì Việt Nam đã rất nỗ lực lấy ý kiến của người dân mỗi khi chuẩn bị thay đổi chính sách hay xây dựng dự toán ngân sách qua nhiều kênh: các tổ chức xã hội, các hiệp hội, hội đồng nhân dân, website của các cơ quan. Bộ Tài chính có một bộ phận chuyên trách tiếp nhận phản hồi của người dân.
Giải thích thêm về việc công bố báo cáo dành cho công dân muộn, bà Đinh Mai Anh cho biết, đặc thù của Việt Nam là hai kỳ họp trong năm của Quốc hội họp vào tháng 5 và tháng 10. Tại các kỳ họp này đều có báo cáo ngân sách nhưng như thế không theo đúng thông lệ của OBI. Một đặc thù của năm 2016 là nửa đầu năm tình hình kinh tế rất khó khăn, thu chi ngân sách cũng rất khó khăn và tình hình này được phản ánh ở báo cáo với Quốc hội trong kỳ họp tháng 10. Nhưng những tháng cuối năm tình hình tốt lên rất nhiều thu ngân sách cũng tốt hơn.
“Chúng tôi đã quá cầu toàn, chúng tôi muốn đưa đến người dân bức tranh kinh tế xã hội và tình hình ngân sách trung thực nhất, cập nhật nhất nên chúng tôi đã chỉnh sửa bổ sung báo cáo ngân sách dành cho công dân theo diễn biến tình hình mới nên có muộn hơn yêu cầu của OBI”.
Tuy nhiên với việc Luật Ngân sách 2015 đã có nhiều điều khoản thúc đẩy mạnh mẽ công khai minh bạch ngân sách, bà Ngô Minh Hương, Trung tâm Phát triển và Hội nhập, nghiên cứu viên của OBI 2017 khẳng định, tới kỳ khảo sát 2019, Việt Nam có thể tăng xếp hạng minh bạch ngân sách.
Thế nhưng "ngoài việc công bố tài liệu ngân sách, Việt Nam cần nâng cao chất lượng và sự đầy đủ thông tin ngân sách hơn và cần có cơ chế tạo cơ hội cho sự tham gia của công chúng thì mới có thể đưa được xếp hạng lên thứ hạng cao như Philippines và Indonesia trong khu vực”, bà Hương khuyến nghị.
Khảo sát công khai ngân sách 2017 của Tổ chức Đối tác ngân sách quốc tế (IBP) là cuộc khảo sát độc lập quốc tế duy nhất về Chỉ số công khai ngân sách (OBI) được thực hiện hai năm một lần từ năm 2006 trên phạm vi toàn cầu. Các chỉ số và tiêu chí của OBI có tính so sánh, nhưng nhất quán dựa theo các tiêu chuẩn và tiêu chí quốc tế của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Tổ chức Phát triển và Hợp tác kinh tế (OECD), Tổ chức Kiểm toán quốc tế (INTOSAI). Khảo sát OBI được thực hiện dựa trên bằng chứng và trích lục các tài liệu về ngân sách, kể cả các văn bản quy phạm pháp luật liên quan được cung cấp với điều kiện các tài liệu này được công bố theo dạng công chúng có thể được bằng nguồn mở. Việc đánh giá về 8 loại tài liệu ngân sách chủ chốt tương đồng với thông lệ chung của các quốc gia khác, và được đánh giá theo các tiêu chí về: (i) tính sẵn có (tài liệu được xây dựng và công bố công khai), (ii) tính kịp thời (cơ quan Chính phủ kịp thời công bố tài liệu và công bố theo thông lệ tốt của quốc tế) và (iii) chất lượng và tính phức hợp của tài liệu (tài liệu đầy đủ về nội dung, thông tin và theo chuẩn mực thông lệ tốt về tài khoá quốc tế). Kết quả khảo sát ban đầu của các nghiên cứu viên độc lập được đánh giá lại và được các Chính phủ xem xét và phản hồi trước khi có kết quả cuối cùng. |