Việt Nam đã và đang hòa vào các nỗ lực chung của APEC
Sáng kiến của Việt Nam tại APEC 2017 được đánh giá cao | |
Việt Nam - đối tác kinh doanh tin cậy | |
Khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam |
“Cho phép tôi được nhắc lại rằng vào năm 1994, các vị lãnh đạo của chúng ta đã dự tính và nhìn trước được triển vọng phát triển và bình ổn của khu vực qua các mục tiêu mở rộng và tự do hoá thương mại và đầu tư. Hay được chúng ta biết đến phổ biến hơn dưới tên Mục tiêu Bogor”, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh phát biểu mở đầu khai mạc Hội Nghị Bộ Trưởng APEC (AMM). Đây cũng chính là những vấn đề mà AMM lần này thảo luận để nhìn lại những việc APEC đã và đang thực hiện để hướng tới mục tiêu quan trọng Bogor đã đề ra vào năm 2020.
Đầu tàu kinh tế của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương
“Trong hai thập kỷ vừa qua, dựa vào kế hoạch và tầm nhìn của các nhà lãnh đạo, APEC đã khẳng định được vị trí và tầm quan trọng như một diễn đàn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và hội nhập hoá thương mại tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương” Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh phát biểu.
Trải qua 28 năm thành lập và phát triển, 23 năm thực hiện mục tiêu Bogor về tự do hóa thương mại, đầu tư, APEC đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong cả 3 trụ cột hợp tác chính là: Tự do hóa thương mại và đầu tư, thuận lợi hóa kinh doanh và hợp tác kinh tế, kỹ thuật.
Theo đó, quan hệ kinh tế - thương mại giữa các nền kinh tế thành viên APEC đã chứng kiến những bước phát triển vượt bậc so với các khu vực khác trên thế giới. Giao dịch thương mại trong lĩnh vực hàng hóa và dịch vụ được ghi nhận đã tăng 6,7 lần với tổng giá trị khoảng 20 nghìn tỷ USD vào năm 2015; mức thuế quan trung bình đã giảm đáng kể từ 17% vào năm 1989 xuống còn 5,6% vào năm 2014 nhờ việc củng cố quan hệ thương mại, đầu tư, cũng như sự gia tăng mạnh mẽ của các thỏa thuận thương mại tự do song phương và khu vực (RTAs/FTAs).
Thống kê của Ban Thư ký APEC cho thấy hiện có hơn 150 RTAs/FTAs, trong đó bao gồm ít nhất một thành viên APEC, đã đi vào hiệu lực, bao gồm gần 60 RTAs/FTAs đã được ký kết và thực thi giữa các thành viên APEC với nhau. Thời gian gần đây, ngày càng có nhiều FTAs thế hệ mới trong khu vực tập trung hơn vào các nội dung thương mại và đầu tư thế hệ mới, giải quyết hiệu quả các vấn đề sau biên giới và phi quan thuế. Nhờ tác động tích cực của các RTAs/FTAs, giao dịch thương mại nội khối trong khu vực APEC đã tăng trưởng ở mức 274%, từ 2,3 nghìn tỷ USD lên 6,3 nghìn tỷ USD trong giai đoạn từ năm 2000 đến năm 2016.
Xét về GDP, năm 1989, APEC chỉ chiếm 48,9% tổng GDP của thế giới, nhưng con số này đã tăng lên mức 53,9% vào năm 2015. Về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), năm 2016, các nền kinh tế thành viên APEC chiếm một nửa trong 10 nền kinh tế thu hút FDI lớn nhất thế giới.
Theo đó, Hoa Kỳ đứng đầu với 385 tỷ USD, đạt mức tăng trưởng 11%. Bốn nền kinh tế khác là Trung Quốc với 139 tỷ USD, Hồng Kông, Trung Quốc với 92 tỷ USD, Singapore với 50 tỷ USD và Australia với 44 tỷ USD. Tổng nguồn vốn FDI được rót vào 5 nền kinh tế thành viên APEC nói trên đã đạt mức 710 tỷ USD, tương đương với 46,7% tổng FDI toàn thế giới trong năm 2016. Đây là một con số khá ấn tượng không chỉ với các thành viên APEC mà còn đối với cả nhiều nước trên thế giới. Chính vì vậy, APEC ngày càng được thế giới coi là đầu tàu kinh tế của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương với nhiều chương trình hợp tác thiết thực, hiệu quả.
Riêng với Việt Nam, APEC có vai trò ngày càng quan trọng đối với sự hội nhập sâu rộng và phát triển của nền kinh tế hơn 90 triệu dân này. Hiện 78% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam tới từ các các thành viên APEC; 75% tổng lượng giao dịch thương mại hàng hóa và 79% khách du lịch quốc tế đến Việt Nam có nguồn gốc từ các thành viên APEC. Hơn nữa, khoảng 80% du học sinh Việt Nam đang học tập và tu dưỡng tri thức tại các thành viên APEC. Hiện có 13 thành viên APEC là các đối tác chiến lược và đối tác toàn diện của Việt Nam. Những con số này là minh chứng rõ ràng về tầm quan trọng của APEC đối với sự tăng trưởng và phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam.
Hoàn thành Mục tiêu Bogor luôn là ưu tiên hàng đầu
Việc hoàn thành Mục tiêu Bogor về tự do hoá thương mại và đầu tư trong khu vực đến năm 2020 luôn là ưu tiên hàng đầu của APEC kể từ năm 1994, khi các nhà Lãnh đạo APEC nhóm họp tại Bogor, Indonesia với tuyên bố khởi động và quyết tâm hoàn thành mục tiêu này. Trong hành trình hơn 20 năm qua, APEC đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận về tự do hóa và tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư trong khu vực để xứng đáng với vị thế đầu tàu phát triển kinh tế của thế giới. Theo “Báo cáo đánh giá giữa kỳ về tiến độ thực hiện Mục tiêu Bogor” được APEC công bố năm 2016, mức thuế quan trung bình (MFN) trong khu vực đã giảm đáng kể, từ 18,5% năm 2007 xuống 9,5% năm 2015.
Tuy nhiên, sự thay đổi nhanh chóng về kinh tế, chính trị và xã hội do tác động của thời đại công nghệ 4.0, sự bất ổn về nhiều mặt trong khu vực đã đặt ra cho APEC nhiều thách thức tiềm năng trong quá trình hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư hướng tới việc hoàn thành Mục tiêu Bogor vào năm 2020 cũng như xác định mục tiêu tương lai của APEC sau năm 2020.
“Là một thành viên tích cực trong APEC, kể từ khi gia nhập diễn đàn này, Việt Nam đã và đang hòa vào các nỗ lực chung của APEC nhằm hoàn thành Mục tiêu Bogor thông qua nhiều chương trình hành động tập thể cũng như cá nhân”, Bộ trưởng Bộ Công thương cho biết.
Theo đó, Việt Nam đã và đang kiên định chính sách mở cửa nền kinh tế, chủ động và tích cực hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế, đàm phán, ký kết và thực thi nhiều hiệp định thương mại tự do song phương và khu vực (FTA/RTA), cắt giảm thuế quan và các hàng rào phi thuế, cải cách cơ chế, chính sách nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại và xây dựng môi trường đầu tư, kinh doanh công bằng, minh bạch v.v… Những nỗ lực này của Việt Nam đã và đang được các nước trong khu vực và trên thế giới đánh giá cao.
Song song với đó, Việt Nam cũng đã thực hiện các cam kết giảm thuế và gỡ bỏ hàng rào phi thuế theo đúng lộ trình đề ra trong các hiệp định FTA/RTA có hiệu lực mà Việt Nam là thành viên. Các nỗ lực về tự do hoá và tạo thuận lợi cho kinh doanh trong lĩnh vực dịch vụ cũng đã được ghi nhận, đặc biệt trong các ngành xây dựng, tài chính, giao thông v.v… Đồng thời, Việt Nam cũng đã tích cực triển khai các chính sách thúc đẩy quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của WTO, cải thiện quy trình mua sắm chính phủ, đẩy mạnh thực thi Luật Cạnh tranh v.v…
Với vai trò chủ nhà năm APEC 2017, Việt Nam tiếp tục xác định việc đẩy nhanh tiến trình hoàn thành Mục tiêu Bogor vào năm 2020 là một trong những ưu tiên quan trọng trong chương trình nghị sự của APEC. Việt Nam đã cùng các thành viên thúc đẩy xây dựng các chương trình làm việc từ nay đến 2020 trong các lĩnh vực thuế quan, phi thuế quan, đầu tư, dịch vụ, quy tắc xuất xứ v.v… để giải quyết các rào cản đối với thương mại và đầu tư trong khu vực như đã nêu trong Báo cáo giữa kỳ về Thực hiện Mục tiêu Bogor.
Đây là thông điệp mạnh mẽ khẳng định những nỗ lực kiên định của APEC nhằm hướng tới tự do hoá thương mại và đầu tư, trong bối cảnh xuất hiện một số quan điểm trái chiều, có xu hướng phản đối toàn cầu hoá và quay trở lại xu thế bảo hộ thương mại tại một số nơi trên thế giới.
Ngoài ra, trong năm 2017, Việt Nam cũng đã đề xuất một số sáng kiến về kinh tế, thương mại để trình lên Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế APEC lần thứ 29 trong các lĩnh vực quan trọng như: Thương mại điện tử xuyên biên giới và Công nghiệp hỗ trợ, đồng thời cùng các thành viên APEC thúc đẩy sáng kiến nhằm cải thiện hoạt động của chuỗi cung ứng, tăng cường tham gia của các doanh nghiệp nhỏ và vừa vào chuỗi giá trị toàn cầu, tăng cường kết nối APEC v.v... Những sáng kiến này sẽ góp phần thúc đẩy một cách tích cực luồng giao dịch thương mại và đầu tư trong khu vực, hỗ trợ cho các nỗ lực chung của các thành viên APEC hướng tới hoàn thành Mục tiêu Bogor vào năm 2020.
Việc hoàn thành Mục tiêu Bogor luôn là ưu tiên hàng đầu của APEC trong suốt hai thập kỷ qua kể từ năm 1994. Đó sẽ là cơ sở, tiền đề thuận lợi để APEC xây dựng và định hình tương lai hợp tác sau năm 2020, tập trung vào những mục tiêu rộng hơn tự do hoá thương mại và đầu tư để ứng phó hiệu quả hơn với những thách thức mà bối cảnh mới đã và đang đặt ra, như các thách thức về tăng trưởng bền vững, bao trùm, sáng tạo; cũng như thách thức đặt ra bởi xu thế phát triển của nền kinh tế số/kinh tế mạng và các thách thức mà cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 đặt ra cho các thành viên APEC
APEC bắt đầu thảo luận về việc định hình Viễn cảnh APEC sau năm 2020 (tức là sau khi Mục tiêu Bogor được hoàn thành). Hiện nay vẫn chưa rõ được nội hàm của Viễn cảnh sau 2020. Tuy nhiên, theo như đánh giá của các chuyên gia APEC, định hướng phát triển sau năm 2020 của APEC vẫn cần tập trung vào giải quyết các rào cản đối với thương mại và đầu tư trong khu vực, bởi vì rất khó có thể định lượng được liệu vào năm 2020 APEC có hoàn thành được Mục tiêu Bogor hay không?
Trong bối cảnh hiện nay, khi những hoài nghi về các lợi ích của toàn cầu hóa và tự do hóa thương mại mang lại cho người dân đang trỗi dậy, tạo điều kiện cho chủ nghĩa bảo hộ thương mại có cơ hội bùng phát tại nhiều quốc gia trên thế giới, sau năm 2020, APEC vẫn còn nhiều việc phải thực thi nhằm đảm bảo các thành viên APEC sẽ tiếp tục các cam kết về mở cửa thị trường cho dòng chảy thương mại và đầu tư trong khu vực.
Bên cạnh việc xây dựng các chương trình làm việc để giải quyết các rào cản thương mại và đầu tư trong khu vực, Việt Nam đang cùng các thành viên APEC thúc đẩy một số sáng kiến liên quan đến tăng trưởng bền vững, bao trùm và sáng tạo, trong đó có nội dung thúc đẩy bao trùm về kinh tế, tài chính và xã hội, nhằm đảm bảo các chủ thể và các nhóm khác nhau trong nền kinh tế được hưởng lợi từ tiến trình toàn cầu hóa và tự do hóa thương mại. Việt Nam cũng chủ trì thúc đẩy các sáng kiến liên quan đến phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nâng cao năng lực cạnh tranh và sáng tạo của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, thúc đẩy khởi nghiệp v.v…
Đây cũng được coi là một trong những yếu tố quan trọng giúp định hình tầm nhìn APEC trong tương lai, trong đó APEC tiếp tục là một trong những diễn đàn đi đầu trong việc thực hiện tự do hóa và thuận lợi hóa thương mại và đầu tư, tạo thuận lợi cho kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng bền vững, bao trùm, sáng tạo, an toàn, góp phần đảm bảo, ổn định và thịnh vượng chung trong khu vực.