Vụ truy thuế Sabeco: “Không thu mới là được lớn nhất”
TS. Nguyễn Đình Cung |
Trả lời phóng viên Thời báo Ngân hàng, ông giải thích, DN đã làm đúng quy định, còn pháp luật có khe hở hay không thì đó không phải là lỗi của DN.
Theo Kiểm toán Nhà nước thì Sabeco đã “lách luật” khi không coi các công ty thương mại khu vực nằm trong hệ thống kinh doanh phân phối, nên chỉ nộp thuế tiêu thụ đặc biệt trước khâu đó. Điều này đúng hay sai?
Trong kinh tế thị trường, ngay cả nếu có chuyện lách luật cũng là hiện tượng bình thường. Đây không phải là hiện tượng xấu. DN vẫn tuân thủ luật pháp, nhưng theo cách có lợi cho họ mà không vi phạm gì cả.
“Lỗ hổng” ở đây là tại luật pháp chứ không phải DN. Thực tế thì “lỗ hổng” của pháp luật nước nào cũng có, nhưng chỉ là nhiều hay ít. Trách nhiệm của các nhà làm luật là sao để các lỗ hổng đó càng nhỏ càng tốt, càng ít càng tốt.
Gần đây, cơ quan thu ngân sách cũng nhiều lần cho biết đã buộc phải truy thu thuế khi DN và cơ quan này hiểu khác nhau về cùng quy định về thuế. Sabeco dường như cũng nằm trong nhóm đối tượng này?
Trường hợp đề nghị truy thu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với Sabeco là trường hợp điển hình về những bất cập của luật pháp hiện nay. Trong xây dựng kinh tế thị trường, quyền sở hữu tài sản phải được minh định rất rõ ràng. Đặc biệt, một trong tính chất quan trọng của Nhà nước là phải bảo vệ được tài sản và quyền sở hữu tài sản của người dân và DN. Trong trường hợp như của Sabeco, thuế là đánh vào tài sản. Như vậy chỉ có Quốc hội mới có quyền ra những chính sách và thực thi về tài sản của DN. Thuế đang thu thế này lại bắt thu thế kia thì rõ ràng tài sản của DN bị thiệt rất nhiều đường.
Nếu quy như thế, Sabeco phải nộp lại 408 tỷ đó thì rõ ràng quyền lợi của cổ đông bị ảnh hưởng. Nếu Sabeco niêm yết trên thị trường chứng khoán sẽ có nguy cơ giá cổ phiếu rớt thảm hại, DN sẽ mất lợi nhuận, mất giá trị cổ phiếu. Không chỉ dừng ở mất lợi nhuận mà các đơn vị cung cấp, các chủ nợ, nhà tiêu thụ cũng bắt đầu đánh giá về uy tín của DN… Điều đó sẽ khiến cho DN thiệt đơn, thiệt kép. Cách thực thi luật pháp như thế nàylà chưa bảo vệ được tài sản và quyền sử dụng tài sản của người dân và DN và làm tổn hại cho DN.
Đây là một trường hợp điển hình mà rất phổ biến ở Việt Nam hiện nay. Có thể nói, với cách hành xử thực thi luật pháp như thế này đặt người dân và DN vào thế rất là bất an. Có thể đang bình thường lại quy kết là vi phạm…
Như ông nói thì DN đang phải chịu thiệt. Họ phải làm thế nào khi Kiểm toán Nhà nước đã ra phán quyết như vậy?
Hiện nay, Kiểm toán Nhà nước không phải là một cơ chế ra bản án như tòa án. Thông thường kiểm toán vào DN là để chỉ ra những sai sót, giúp DN hoàn thiện chứ không phải vào để giải thích, giải nghĩa luật pháp. Cụ thể trong trường hợp này, Kiểm toán Nhà nước đi kiểm toán các quy định của Nhà nước. Nếu phát hiện sai sót trong quá trình kiểm toán thì sẽ kiến nghị sửa đổi, khắc phục những khiếm khuyết ấy. Kiểm toán để là hoàn thiện về quản lý DN chứ không phải vào dể tìm ra thứ gì đó để bắt lỗi DN và trừng phạt họ.
Nếu vậy, DN sẽ phải chờ “phán quyết” từ Bộ Tài chính?
Hiện ở Việt Nam có một thực tế là từ luật đến thông tư có khoảng cách rất xa, thậm chí có nhiều trường hợp nghị định, thông tư trái hẳn với luật. Trong khi, một thông tư ban hành ra là ý chí của một bộ, mà luật pháp là ý chí của toàn dân.
Người ta đã thảo luận nhiều bên có liên quan, có chung lợi ích để đưa ra một luật, quy định như thế. Nhưng một quy định do một bộ ban hành, chỉ phản ánh cách nhìn, cách hiểu của một bộ đó, như vậy không công bằng với các bên, dẫn đến mâu thuẫn về cách hiểu giữa các bên. Luật chỉ có Quốc hội mới được quyền ban hành. Luật mà tốt thì người dân và DN được hưởng lợi. Nhưng nếu luật còn khiếm khuyết thì chịu chứ không phải có một bộ đấy lại ban hành thêm những điều mà luật chưa có.
Một khi ra cơ quan pháp luật là phải căn cứ theo luật, nhưng ở Việt Nam nhiều khi căn cứ vào thông tư, thậm chí tòa án còn căn cứ vào công văn nữa. Trong trường hợp Sabeco, đáng lẽ họ có quyền phát hiện thông tư có lỗ hổng, nhưng không vì lỗ hổng đó lại quy kết vi phạm cho DN.
Trong trường hợp của Sabeco, DN phải xử lý vụ việc này như thế nào?
Trong trường hợp này, thông thường các nước cũng có khả năng xảy ra, thì bên thiệt hại có quyền khởi kiện ra tòa để tòa phán quyết chứ không phải là một cơ quan Nhà nước ra phán quyết. Với Sabeco, theo tôi DN phải khởi kiện vụ đó ra tòa. Khi nào tòa phán quyết thì mới là phán quyết cuối cùng. Nếu ý kiến các bên khác nhau mà cảm thấy mình bị thiệt thì DN phải làm như vậy.
Cuối cùng, giả sử Sabeco bị buộc truy thu thuế hơn 400 tỷ đồng, theo ông cái gì được và cái gì mất?
Nền tảng đầu tiên của kinh tế thị trường là tài sản và quyền sở hữu tài sản, và điều đó phải được bảo vệ. Trong trường hợp này, nếu thực hiện truy thu thuế như kiến nghị thì toàn xã hội mất, bởi DN không được bảo vệ là toàn xã hội mất. Còn nếu không thu thì rất tốt đối với người dân và DN. Người dân được làm tất cả những gì pháp luật không cấm. Cơ quan Nhà nước chỉ được làm những gì luật cho phép, một nguyên tắc tuyệt vời.
Cái quan trọng cuối cùng là xã hội được gì, và Nhà nước quản lý đích cuối cùng cũng là xã hội được cái gì. Quản lý xã hội là thúc đẩy xã hội thịnh vượng, phát triển, chứ không phải vì hơn 400 tỷ đồng truy thu thuế. Nếu ra quyết định thu thuế thì xã hội mất.