Vươn ra biển
Một dự án mang tính chìa khóa hút vốn | |
TP.HCM: Đưa Cần Giờ thành khu du lịch biển quốc tế |
Kinh tế biển từ góc nhìn chiến lược
Trong tâm thức người Việt, biển Đông là không gian thiêng liêng gắn với hoài niệm về Cha rồng - Mẹ tiên. Tự bao đời, biển đã là môi trường sống, môi trường tiếp giao văn hóa của người Việt. Với chiều dài 3.260km bờ biển, Việt Nam nằm trong số 10 quốc gia có chỉ số cao nhất về chiều dài bờ biển so với diện tích lãnh thổ. Theo đó, bình quân cứ 10km2 đất liền có 1km bờ biển, cao gấp 6 lần chỉ số trung bình của thế giới. Việt Nam có hơn 3.000 hòn đảo và hơn 1 triệu km2 vùng biển kinh tế đặc quyền rộng gấp 3 lần diện tích đất liền, chứa đựng nhiều hệ sinh thái quan trọng và nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng.
Tiềm năng nổi bật của kinh tế biển Việt Nam là nguồn tài nguyên dầu khí |
Xét về vị thế, vùng biển Việt Nam có vị trí hết sức quan trọng, là con đường biển ngắn nhất nối liền Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương và hiện nay là tuyến hàng hải nhộn nhịp thứ 2 trên thế giới. Trong lịch sử và cho đến tận bây giờ, đây vẫn là con đường huyết mạch nối liền đông bán cầu và tây bán cầu. Ngoài giá trị về vị thế, tiềm năng nổi bật của kinh tế biển Việt Nam là nguồn tài nguyên dầu khí, trữ lượng ước tính khoảng 3,0-4,5 tỷ m3 dầu quy đổi và tập trung ở thềm lục địa.
Về thuỷ sản, theo số liệu thống kê, trữ lượng cá ở vùng biển nước ta khoảng 5 triệu tấn/năm, trữ lượng cá có thể đánh bắt hàng năm khoảng 2,3 triệu tấn. Dọc ven biển có trên 37 vạn ha mặt nước các loại có khả năng nuôi trồng thủy sản , nhất là nuôi các loại đặc sản xuất khẩu như tôm, cua, rong câu. Ngoài ra còn có hơn 50 vạn ha các eo vịnh nông và đầm phá ven bờ như vịnh Hạ Long, Bái Tử Long, phá Tam Giang, vịnh Vân Phong… là môi trường để phát triển nuôi cá và đặc sản biển.
Bờ biển Việt Nam cũng có nhiều vũng, vịnh sâu kín gió, rất thuận lợi để làm cảng biển. Không chỉ vậy, Việt Nam được thiên nhiên ban phú cho nhiều bãi tắm đẹp, có giá trị nghỉ dưỡng cao. Theo thống kê, dọc bờ biển Việt Nam có khoảng 125 bãi biển đẹp, trong đó, một số bãi biển và vịnh được đánh giá là những bãi biển và vịnh đẹp nhất của thế giới như bãi biển Mỹ Khê (Đà Nẵng), Phú Quốc (Kiên Giang), Eo Gió (Bình Định), vịnh Nha Trang, vịnh Lăng Cô. Đặc biệt, vịnh Hạ Long với cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp hai lần được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới. Điều này tạo nhiều lợi thế cho Việt Nam phát triển du lịch biển.
Tài nguyên biển phong phú chính là tiền đề cho việc xây dựng các chiến lược về biển. Trong đó, Nghị quyết 09-NQ/TW (9/2/2007) “Về chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020” đặt mục tiêu đưa đất nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu lên từ biển theo hướng phát triển bền vững, phấn đấu đóng góp khoảng 53-55% tổng GDP; 55-60% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước; giải quyết tốt các vấn đề xã hội, cải thiện thêm một bước đáng kể đời sống cho nhân dân vùng biển và ven biển; có thu nhập bình quân đầu người cao gấp 2 lần so với thu nhập bình quân chung của cả nước.
Sản lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng biển năm 2017 đạt hơn 500 triệu tấn |
Định hướng phát triển
Có thể nói Chiến lược biển Việt Nam là quyết tâm rất lớn của Đảng và Nhà nước nhằm đưa nước ta trở thành quốc gia biển. Sau hơn 10 năm thực hiện Chiến lược biển, kinh tế biển Việt Nam đã đạt được một số thành công. Nghị quyết số 36-NQ/TW với Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng kỳ vọng sẽ là bước đột phá tiếp theo để đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh. Tuy nhiên, kinh tế biển hiện nay vẫn chưa bền vững và chưa phát huy được các thế mạnh của tài nguyên biển.
Trong quá trình phát triển kinh tế biển, vấn đề khai thác tổng hợp kinh tế biển là một yêu cầu vô cùng cấp bách do môi trường biển là một môi trường thống nhất, không chia cắt và rất nhạy cảm dưới tác động của con người. Để phát triển kinh tế biển bền vững, cần ưu tiên phát triển các ngành, lĩnh vực kinh tế biển chủ lực dựa trên cách tiếp cận dài hạn, bền vững, đồng bộ và gắn với bảo đảm quốc phòng an ninh, bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển đảo và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.
Riêng với ngành tìm kiếm, thăm dò, khai thác, chế biến dầu khí, cần phát triển ngành dầu khí đồng bộ, trở thành bộ phận quan trọng của an ninh năng lượng quốc gia và hướng tới việc khai thác bảo đảm nhu cầu trong nước và có dự trữ bảo đảm cho phát triển dài hạn. Bên cạnh, cần phát triển ngành dựa trên nguyên tắc sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, hợp lý nguồn tài nguyên; lấy mục đích cuối cùng và yêu cầu của kinh tế thị trường để tiến hành triển khai các hoạt động tìm kiếm thăm dò khai thác, chế biến.
Phát triển du lịch biển cũng cần được đặt trong tổng thể Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam gắn chặt với sự phát triển của các địa phương vùng ven biển. Phát triển du lịch biển có phân khúc, có trọng tâm, hướng tới sự bền vững và có chất lượng, đồng thời phát triển du lịch biển kết hợp chặt chẽ với mục tiêu bảo đảm quốc phòng an ninh. Trong khi đó, ngành khai thác, nuôi trồng và chế biến hải sản cần phát triển phù hợp với chiến lược phát triển tổng thể của ngành nông nghiệp trên cơ sở khai thác, sử dụng hiệu quả lợi thế tiềm năng, theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Bên cạnh việc phát triển các ngành kinh tế biển chủ lực, cần thực hiện song song các giải pháp về bảo vệ môi trường, bảo vệ bờ biển và quy hoạch biển để thúc đẩy kinh tế biển phát triển bền vững.
Có thể nói, phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo có ý nghĩa rất to lớn, nhất là trong bối cảnh các quốc gia trên thế giới đều nỗ lực vươn ra biển, xây dựng chiến lược biển, tăng cường tiềm lực mọi mặt để khai thác và khống chế biển.
Xuất khẩu thủy sản tăng hàng năm 15-20% và dự kiến đạt kim ngạch 10 tỷ USD năm 2018 |
Theo Tổng cục Thống kê, đóng góp ngành dầu khí vào GDP hàng năm 10,83% (2007 -2010); 7,21% (2010-2014) và năm 2017 do biến động thị trường mức đóng góp này 2,76%. Doanh thu du lịch của 28 tỉnh, thành phố ven biển chiếm 70% tổng doanh thu toàn ngành năm 2017. Sản lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng biển năm 2017 đạt hơn 500 triệu tấn. Cả nước có 17 khu kinh tế ven biển với tổng diện tích 845.000 ha, thu hút 78,6 tỷ USD vốn đầu tư, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, xuất khẩu, tăng thu ngân sách , giải quyết việc làm... Xuất khẩu thủy sản tăng hàng năm 15-20% và dự kiến đạt kim ngạch 10 tỷ USD năm 2018. Chủ trương thực hiện đánh bắt xa bờ bằng tàu vỏ thép đã được triển khai với quy mô lớn với sự vào cuộc của hệ thống chính trị, sự tham gia của nhà khoa học, nhà quản lý, nhà chế tạo, ngân hàng và ngư dân. |