Một dự án mang tính chìa khóa hút vốn
Nhóm Ngân hàng Thế giới dành 200 tỷ USD hỗ trợ ứng phó biến đổi khí hậu | |
Vốn cho phát triển con người và ứng phó biến đổi khí hậu tăng kỉ lục | |
Nhiều vốn cho các dự án môi trường |
Trong năm 2019, sẽ có hơn 1.300 ngôi nhà an toàn được xây dựng và 1.300 ha rừng ngập mặn được trồng mới và phục hồi. Thông tin này vừa được Ban chỉ đạo Dự án “Tăng cường khả năng chống chịu với những tác động của biến đổi khí hậu cho các cộng đồng dễ bị tổn thương ven biển Việt Nam” công bố trong cuộc họp tổng kết dự án năm 2018 cũng như bàn kế hoạch thực hiện năm 2019.
Trưởng ban chỉ đạo dự án, ông Hoàng Văn Thắng - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, được triển khai từ năm 2017, trong năm 2018, Dự án đã hỗ trợ triển khai xây dựng được 1.098 căn nhà an toàn, hỗ trợ trồng và phục hồi gần 200 ha rừng ngập mặn, đồng thời triển khai thực hiện các khóa tập huấn cho hơn 15.000 cán bộ các cấp và người dân ở 100 xã về lập kế hoạch và đánh giá rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng. Đây là một kết quả rất có ý nghĩa đối với Việt Nam một quốc gia bị tác động lớn bởi biến đổi khí hậu, ảnh hưởng đến chất lượng đời sống của cộng đồng dân cư đặc biệt vùng ven biển Việt Nam.
“Là dự án đầu tiên của Quỹ Khí hậu xanh (GCF) ở khu vực ASEAN, Dự án GCF chống chịu biến đổi khí hậu tại Việt Nam đã đạt được những thành công quan trọng và mang ý nghĩa trên phạm vi toàn cầu. Dự án cũng đã có những đổi mới trong các nội dung quan trọng như giám sát và đánh giá nhằm tăng cường lồng ghép giới và bảo đảm các yêu cầu an toàn xã hội. Đây là những chỉ số, mà GCF có thể học hỏi trong việc triển khai dự án chống biến đổi khí hậu”, Quyền đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam, bà Caitlin Wiesen đánh giá.
Nhờ việc giải ngân đúng tiến độ mốc giải ngân đầu tiên là 2,5 triệu USD vào 30/6/2018, nhà tài trợ GCF đã chuyển tiếp đợt tài trợ thứ hai kịp thời. “Việt Nam đã chứng tỏ năng lực của mình trong việc thực hiện các dự án. Đây cũng là điểm mấu chốt để Việt Nam tiếp tục được nhận các dự án tài trợ từ GCF trong tương lai”, bà Caitlin Wiesen phân tích.
Nhìn nhận con số 4,5 triệu USD mà dự án đã giải ngân trong năm 2018 là rất ấn tượng, tuy nhiên với mục tiêu của dự án trong năm 2019 là 8,4 triệu USD, bà Wiesen cho rằng Việt Nam cần nỗ lực gấp đôi để đạt được mục tiêu này. Và cột mốc quan trọng nữa cần thực hiện trước khi hoàn thành mục tiêu 2019, đó là giải ngân 4,8 triệu USD vào tháng 7/2019, để có thể được chuyển tiếp đợt tài trợ thứ 3.
Đây cũng là thách thức đặt ra khi kế hoạch hoạt động 2019 hiện chưa được phê duyệt. Vấn đề vốn đối ứng cũng đang trở thành một nút thắt, triển khai dự án khi với 3 địa phương chưa khẳng định có đủ nguồn đối ứng xây dựng nhà chống chịu bão lũ. Bên cạnh đó, một số tỉnh phê duyệt kế hoạch xây dựng nhưng chưa có danh sách các hộ và chưa lập đủ danh sách các hộ tham gia khi áp dụng tiêu chí xét theo chuẩn nghèo cũ. Hay như với kế hoạch trồng mới và trồng bổ sung 4.000 ha rừng ngập mặn ven biển đến nay mới chỉ xác định được diện tích tham gia dự án là 3.142 ha, do các diện tích khác đã có đơn vị tài trợ, đầu tư. Hơn thế, diện tích tham gia dự án khó triển khai do ở xa, lại nằm xen kẽ khiến suất đầu tư từ dự án không đủ. Bên cạnh đó, có địa phương đề nghị tăng thêm nhà cho các hộ bị ảnh hưởng bởi lũ lưu vực sông.
Song như bà Caitlin Wiesen khẳng định, diện tích rừng và số nhà xây mới trong dự án là không thể tăng thêm mà chỉ có thể điều chỉnh linh hoạt thay vì trồng mới là trồng bổ sung rừng. Đồng thời, các thành viên cũng đề xuất chính quyền địa phương nên tìm thêm nguồn vốn lồng ghép để thực hiện chương trình hiệu quả.
Khó khăn là thế song lãnh đạo Bộ Nông nghiệp nông thôn cùng các tỉnh thành đều đồng thuận với việc tối đa hóa các giải pháp để thực hiện thành công dự án. “Dự án đang ngày càng chứng tỏ là một Dự án kiểu mẫu của nhà tài trợ GCF trên phạm vi toàn cầu. Đây là tín hiệu vui mừng của Việt Nam vì Chính phủ cũng đang xây dựng các dự án và chương trình xin tài trợ Quỹ GCF trong tương lai”, bà Caitlin Wiesen một lần nữa nhấn mạnh vào tầm quan trọng của việc thực hiện thành công dự án này.