Xây chợ để… bỏ hoang!
Những công trình dân sinh để… ngắm | |
Nhà máy nước tiền tỷ bị bỏ hoang |
Song tại một số địa phương, chính quyền tích cực đầu tư xây dựng chợ để tạo điều kiện cho tiểu thương và người dân có nơi sinh hoạt giao thương, buôn bán văn minh, nhưng lại không thu hút được người dân. Việc đầu tư xây dựng chợ, rồi lại để hoang hóa, gây lãng phí ngân sách nhà nước và bức xúc trong dư luận xã hội.
Chợ miền núi Cam Thịnh Tây bị bỏ hoang 11 năm nay |
Thực tế cho thấy, nguyên nhân chính được xác định, là do khi quy hoạch xây dựng chợ, chính quyền địa phương không nghiên cứu kỹ, không tính đến việc có phù hợp với nhu cầu của tiểu thương, sự thuận tiện đi lại giao thương trong vùng hay không? Một số chợ triển khai xây dựng xong khi đưa vào sử dụng thì không có người sử dụng, bởi cách quá xa khu dân cư hoặc không phù hợp với tập quán mua bán của người dân trong vùng.
Đơn cử, ngay sau khi hoàn thành, chợ Cam Thịnh Tây, TP. Cam Ranh (Khánh Hòa) đã không phát huy được hiệu quả, phải bỏ hoang, cỏ mọc um tùm từ nhiều năm nay, vừa lãng phí tiền của, vừa gây ô nhiễm môi trường, khiến dư luận địa phương bức xúc.
Theo ghi nhận tại thực địa, vào đầu tháng 3/2017, chợ Cam Thịnh Tây đang có dấu hiệu hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng, cỏ dại mọc um tùm, dưới nền xi măng là phân bò, rác thải vương vãi bừa bãi, gạch men dán trên trụ bị phá hỏng. Chợ không một bóng người đến mua bán, chỉ có vài người dân dắt bò tới chăn thả…
Qua tìm hiểu, Cam Thịnh Tây là xã miền núi, có hơn 1.300 hộ dân, chủ yếu là đồng bào dân tộc Raglai sinh sống, toàn xã có 4 thôn Sông Cạn Đông, Sông Cạn Trung, Suối Rua và Thịnh Sơn. Năm 2006, chợ Cam Thịnh Tây được triển khai xây dựng với diện tích khoảng 250m2, tổng chi phí đầu tư gần 500 triệu đồng. Chợ xây dựng khá khang trang theo kiểu nhà của đồng bào Raglai, rất thoáng mát, dự kiến sau khi hoạt động sẽ góp phần thúc đẩy kết nối giao thương giữa các hộ dân. Tuy nhiên, công trình xây xong… đắp chiếu nhiều năm nay.
Theo ông Lê Đình Thanh, sinh sống gần khu vực chợ Cam Thịnh Tây, nghe thông tin xây dựng chợ mới nên cũng mừng, gia đình ông đã chuyển lên đây sống để kiếm kế mưu sinh, dự tính sẽ tham gia buôn bán các mặt hàng cá, gạo, quần áo.
Thế nhưng từ năm này sang năm khác, chợ vẫn èo uột, bao nhiêu hy vọng giờ trở thành con số không, thu nhập của gia đình cũng trở nên bế tắc. Không thể buôn bán, ông Thanh chuyển sang nghề đi biển. “Hiện gia đình tôi phải đi 5km mới mua được thức ăn hàng ngày. Còn chợ Cam Thịnh Tây thì ngày thả bò, đêm thành nơi tụ tập rượu chè, bài bạc, hết sức mất trật tự!” – ông Thanh bức xúc.
Theo ông Lê Văn Thảo, Chủ tịch UBND xã Cam Thịnh Tây, chợ trên đã bị bỏ hoang 11 năm qua. Mặc dù, chính quyền địa phương đã vận động khuyến khích hơn 10 hộ dân ở các xã khác tới tổ chức họp chợ bán sản phẩm phục vụ cho người dân, thế nhưng, hàng hóa ế ẩm, không có người đến mua nên các hộ kinh doanh này duy trì chỉ được 1 tháng rồi bỏ. Ấy là do đồng bào Raglai nơi đây đi nương rẫy rất sớm, đến chiều muộn mới về nên rất khó họp chợ…
Ngoài thực trạng trên, ông Thảo cũng cho rằng, chợ cũng xây dựng tại khu vực không hợp lý, vì quá xa khu trung tâm dân cư sinh sống. Tuy nhiên, thời gian tới, chính quyền địa phương sẽ nỗ lực vận động người dân tham gia giao thương buôn bán tại chợ Cam Thịnh Tây. Đồng thời, tìm cách tổ chức họp chợ phiên, cứ khoảng 7 - 10 ngày họp một lần. Trước mắt, chính quyền xã Cam Thịnh Tây sẽ chỉ đạo các đơn vị chức năng và vận động người dân xung quanh khu vực chợ thu dọn vệ sinh sạch sẽ, tạo không gian thoáng mát để thu hút người dân đến buôn bán...