Xin hãy bảo vệ “nàng tiên cá”
Đảo Hòn Ngư có diện tích khoảng 2,5 km2, vừa là tấm chắn sóng cho khu du lịch Cửa Lò, đồng thời là địa điểm tham quan hấp dẫn. Nơi đây được hình thành từ 2 ngọn núi lớn hướng ra biển. Ngọn cao nhất có chiều cao khoảng 133m, ngọn kia nhỏ hơn khoảng 88m nên từ xưa người dân đã lấy tên gọi là đảo Ngư. Từ lâu, vẻ đẹp hoang sơ và huyền bí của “nàng tiên cá” đã là nguồn cảm hứng cho các nhà văn, nhà thơ.
Giếng cổ trong chùa Hạ trên đảo Hòn Ngư |
Vua Lê Thánh Tông những dịp đi tuần thú phương Nam, thường dừng thuyền nghỉ ngơi ngoạn cảnh đảo và cao hứng đề thơ: “Biển rộng khí yên hơi ngớt lặng/ Âu nằm bãi vắng giăng đang say/ Ba tòa u nhã đều thiêng lạ/ Ðảo cá lô nhô biếc phủ dài”.
Danh sĩ Phan Huy Chú, từng tả Song Ngư: "Dáng tròn đẹp, đứng xa trông như hai con cá bơi lượn trên làn sóng". Ðảo Ngư còn được xem là một vùng địa linh nhân kiệt: "Hồng Lĩnh núi cao. Song Ngư biển rộng. Gặp thời vận sáng. Ðua nở nhân tài".
Đến đảo Ngư, du khách nhất định phải tới bãi Chùa nằm ở phía tây “nàng tiên cá”. Nơi đây có hai ngôi chùa gồm chùa Thượng và chùa Hạ được xây dựng từ thế kỷ thứ XIII. Mỗi chùa có 3 gian lợp ngói âm dương. Các xà hạ khắc chạm các vật Tứ linh (Long, Ly, Quy, Phượng) rất đẹp và tinh tế.
Vườn chùa có nhiều cây cổ thụ như: Đại, Mưng, Duối… Đáng chú ý là hai cây duối và hai cây lộc vừng cổ thụ đã gần 700 năm tuổi. Ngư dân trong vùng cũng không biết chúng mọc hoang dại hay có sự sắp xếp của người xưa, nhưng các cây đều mọc đối xứng tạo nên khung cảnh thơ mộng, cân đối cho quần thể chùa.
Đặc biệt, ở chính giữa chùa Hạ có giếng Ngọc, nơi chứa đựng nguồn nước ngọt mát, chuyên dùng để nấu rượu Song Ngư ngon nức tiếng. Xung quanh giếng Ngọc, có rất nhiều bướm sinh sống. Chúng bay lượn bên những chùm hoa lộc vừng khiến nơi đây tựa như tiên cảnh. Một điều hết sức thú vị nữa là ở đảo có rất nhiều loại động vật hoang dã như chồn, kỳ đà, dê, khỉ… Đa số đều do Chi cục kiểm lâm Nghệ An thả sau khi bắt giữ của những kẻ buôn lậu qua biên giới.
Theo các ngư dân Cửa Lò, những ngày gió bão, bãi Chùa được xem là nơi trú ngụ lý tưởng của tàu thuyền. Các nhà buôn và ngư dân khi đi qua đây đều vào chùa dâng hương cầu xin cho trời yên biển lặng, thuận buồm xuôi gió, buôn bán gặp nhiều may mắn.
Ngoài tắm biển, ngắm đảo, thưởng thức khí hậu trong lành, du khách còn có thể tham gia du lịch leo núi hay du ngoạn bằng thuyền quanh đảo, đến thăm khu nuôi cá giò… Có quá nhiều điều thú vị ở chốn thần tiên nơi hạ giới này, thế nên, bất cứ du khách nào tới đây cũng đều thốt lên rằng: Thật uổng phí nếu tới Cửa Lò mà không khám phá “nàng tiên cá” Song Ngư.
Nếu như trước đây, du khách muốn ra đảo Ngư phải rất vất vả và tốn kém, thì nay, với tour du lịch Cửa Lò, các “thượng đế” có thể ra đảo Ngư bằng thuyền máy trong vòng 25 phút tính từ bãi tắm Cửa Lò; hoặc 10 phút bằng ca nô từ bến cảng ở đảo Lan Châu.
Tuy nhiên, qua thăng trầm của lịch sử, chùa đảo Ngư dần xuống cấp. Năm 2004, chùa đảo Ngư đã được trùng tu, đáp ứng nhu cầu văn hóa tâm linh của nhân dân địa phương và du khách gần xa. Cùng với việc trùng tu chùa, bến cảng ở đảo Song Ngư và ở đảo Lan Châu cũng đã được xây dựng, thuận tiện cho du khách hành hương và viếng thăm chùa.
Hiện nay, trên đảo bắt đầu mở các dịch vụ như quán nước, hàng ăn. Thiết nghĩ, Ban quản lý khu du lịch cần có những quy định cụ thể về vệ sinh an toàn thực phẩm, thu gom rác, không vứt rác bừa bãi… Người đi chơi biển thường ăn mặc “mát mẻ”, thì nên có quy định, biển báo trước cổng chùa hay bến tàu để nhắc nhở du khách không ăn mặc phản cảm khi vào chốn linh thiêng. Và muốn du lịch đảo Ngư ngày càng phát triển, nhất thiết phải bảo vệ những giá trị lịch sử, văn hóa và cả những cây cổ thụ ở chốn này.
Ở đảo có rất nhiều loại động vật hoang dã như chồn, kỳ đà, dê, khỉ… quanh đảo cùng với nhiều loại hải sản quý, đặc biệt là loại “đặc sản” ốc rồng. Đảo Ngư án ngự ở phía ngoài, tạo thế cho bãi biển Cửa Lò thêm nên thơ, mỹ lệ. Màu xanh bốn mùa của nước biển sải dài ra tít tận xa thì gặp màu mây pha sắc hung hung đỏ của vách đảo lúc trời sáng trong. Đảo còn là nơi che chở cho những chiếc thuyền đánh cá nhỏ nhoi khi gặp giông bão.