Xử lý tài sản bảo đảm: Vẫn còn vướng mắc
Hoạt động rao bán nợ, phát mãi tài sản bảo đảm (TSBĐ) là BĐS để thu hồi nợ của các ngân hàng đang diễn ra khá sôi động. Nổi bật trong số đó là Sacombank khi ngân hàng này dự kiến tổ chức bán đấu giá 11 BĐS tại khu vực TP.HCM và Bà Rịa - Vũng Tàu vào ngày 27/9, mức giá khởi điểm của toàn bộ BĐS này là 10.040 tỷ đồng. Từ đầu tháng 9/2018 tới nay, Agribank và VietinBank cũng liên tục rao bán nợ, phát mãi TSBĐ.
Cụ thể, Agribank dự tính tổ chức khoảng 10 đợt đấu giá TSBĐ là BĐS, với tổng giá trị chào bán khởi điểm là hơn 470 tỷ đồng. VietinBank sẽ đấu giá khoản nợ giá trị gần 111 tỷ đồng của Công ty Thương mại NEM; bán khoản nợ hơn 21 tỷ của Địa ốc Gia Phú có TSBĐ giá khởi điểm 6 tỷ đồng...
Lãnh đạo VietinBank cho biết, việc rao bán đấu giá các khoản nợ với tần suất liên tục gần đây thể hiện quan điểm của ngân hàng là quyết liệt và tích cực xử lý nợ xấu. Nhất là sau khi ngân hàng mua lại toàn bộ các khoản nợ từ VAMC thì càng cần phải đẩy nhanh hơn tiến độ thu hồi nợ đảm bảo xử lý dứt điểm các khoản nợ xấu.
Động thái các ngân hàng dồn dập rao bán TSBĐ được nhận định là tất yếu. Bởi trên thực tế, dù nợ xấu đã được bán cho VAMC, nhưng ngân hàng vẫn có trách nhiệm xử lý. Đặc biệt là Nghị quyết 42 về XLNX được Quốc hội thông qua đã và đang tạo cơ chế để xử lý nhanh nợ xấu cho các ngân hàng và VAMC. Theo đánh giá của Chủ tịch VAMC ông Nguyễn Tiến Đông, điều quan trọng của Nghị quyết 42 là phát đi thông điệp “có vay, có trả”, tạo tiền đề cho VAMC và TCTD thu hồi nợ. Các bộ, ngành, địa phương cũng đã phối hợp nhịp nhàng với VAMC và TCTD trong việc thu giữ TSBĐ, điển hình là những vụ việc lớn như thu giữ dự án Sài Gòn One Tower hay một số dự án BĐS dở dang khác…
Mặc dù tích cực phát mại tài sản, nhưng giới chuyên môn và cả người trong cuộc là ngân hàng, VAMC đều e ngại về khả năng thành công của các đợt đấu giá. Nhất là đối với TSBĐ là các dự án BĐS dở dang.
Lãnh đạo VAMC cho hay, các dự án này khi VAMC thu giữ hoặc bán chuyển cho chủ đầu tư mới vẫn còn vướng mắc do phía Bộ Tài nguyên và Môi trường chưa có hướng dẫn cụ thể, nên ở mỗi địa phương lại có cách hiểu, cách làm khác nhau. Bên cạnh đó, mặc dù Nghị quyết 42 cho phép rút gọn quá trình tố tụng và xử lý tranh chấp TSBĐ, nhưng trên thực tế hơn 2.000 vụ việc liên quan đến việc đòi nợ của VAMC chưa có vụ nào được xử lý theo hình thức rút gọn này.
Tại Hội nghị sơ kết 1 năm triển khai Nghị quyết 42, Chủ tịch HĐTV Agribank Trịnh Ngọc Khánh cũng đã đề cập đến vấn đề: Khách hàng không những không bàn giao TSBĐ mà có dấu hiệu tẩu tán tài sản thế chấp, làm tăng nguy cơ thất thoát, nhưng chưa được các cơ quan phụ trách giải quyết. Việc áp dụng thủ tục rút gọn khi tranh chấp về nghĩa vụ bàn giao TSBĐ cũng còn hạn chế. “Trong số 3.166 vụ tranh chấp dân sự của Agribank được xử tại tòa án, mới 2 vụ áp dụng thủ tục rút gọn”, ông Khánh cho biết thêm.
Một thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia bày tỏ lo ngại, nếu nút thắt khung pháp lý không được tháo gỡ kịp thời sẽ làm chậm tiến độ XLNX của các ngân hàng.
“Hiện tại, thị trường BĐS đang phục hồi và khá nhiều nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư nước ngoài quan tâm. Đặc biệt là những TSBĐ là BĐS ở vị trí vàng được bán với giá “mềm” chắc chắn sẽ hút khách và giúp ngân hàng giải phóng được tài sản nhanh hơn. Nhưng nếu những rào cản khung pháp lý không được tháo gỡ sẽ là lực cản đối với hoạt động XLNX trong thời gian tới. Chẳng hạn như NĐT lo ngại không biết TSBĐ mà họ mua có đầy đủ tính pháp lý không, họ có quyền tự quyết hay không”, vị chuyên gia trên đặt vấn đề.
Trước thực tế đó, lãnh đạo VAMC kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm ban hành các quy định, hướng dẫn cụ thể để áp dụng thống nhất tại các địa phương về vấn đề xử lý TSBĐ là dự án BĐS còn dở dang. Đồng thời, kiến nghị Bộ Tư pháp xem xét có văn bản chỉ đạo Tổng cục Thi hành án dân sự xây dựng cơ chế, chính sách và hướng dẫn cơ quan thi hành án các cấp thực hiện có hiệu quả các giải pháp của Nghị quyết 42.
Để đẩy nhanh quá trình XLNX, đại diện VAMC cho biết, sẽ ưu tiên mua các khoản nợ có giá trị lớn nhằm giảm thiểu chi phí theo dõi, quản lý, giám sát đối với khách hàng vay, TSBĐ; ưu tiên chuyển các khoản nợ xấu đã mua bằng TPĐB sang mua theo giá trị thị trường theo quy định. VAMC xem xét lựa chọn mua theo từng khoản nợ xấu hoặc mua theo lô.
Tuy nhiên, để có thể triển khai hiệu quả hoạt động trên đặc biệt là mua bán theo lô, giới chuyên gia nhấn mạnh cần phải tăng vốn điều lệ cho VAMC ít nhất là lên 5.000 tỷ đồng trong năm 2018 theo đúng lộ trình đặt ra theo Đề án 1058.
“Hiện tại VAMC không mua nợ bằng TPĐB nữa mà tập trung mua theo giá thị trường. Mà muốn mua đứt bán đoạn cần có tiền tươi thóc thật. Trong khi số nợ cần phải xử lý còn rất nhiều, vì vậy cần thiết phải tăng vốn điều lệ cho VAMC. Mặt khác, để tạo điều kiện cho VAMC mua bán nợ theo lô cần loại bỏ những quy định hành chính để tạo thanh khoản cho các tài sản”, TS. Nguyễn Trí Hiếu đề xuất.