5 vấn đề ảnh hưởng tới việc tăng lãi suất của ECB
ECB sẽ làm gì vào thứ Năm tới?
Tại cuộc họp chính sách diễn ra vào thứ năm tới (ngày 9/6) ECB gần như chắc chắn sẽ thông báo rằng chương trình mua trái phiếu của họ sẽ kết thúc vào giữa năm nay, mở đường cho việc tăng lãi suất vào tháng 7. Nếu điều đó xảy ra, đây sẽ là lần tăng đầu tiên kể từ năm 2011.
Trước đó Chủ tịch ECB Christine Lagarde đã từng phát biểu, lãi suất tiền gửi -0,50% sẽ ở mức 0 hoặc “cao hơn một chút” vào cuối tháng 9, ngụ ý mức lãi suất này sẽ tăng ít nhất 50 điểm cơ bản so với mức hiện tại.
Tuy nhiên các nhà hoạch định chính sách cũng có khả năng sẽ tái lập cam kết tiếp tục tái đầu tư số tiền thu được từ trái phiếu đáo hạn trở lại thị trường, giúp hỗ trợ các nền kinh tế yếu hơn của khu vực đồng euro.
ECB đang đối mặt với lựa chọn khó khăn: Lạm phát hay tăng trưởng |
Liệu ECB có tăng mạnh lãi suất vào tháng 7?
Trước đây các nhà kinh tế và thị trường chỉ dự đoán ECB sẽ tăng lãi suất 25 điểm cơ bản vào tháng 7. Tuy nhiên kỳ vọng về một động thái mạnh mẽ hơn đã tăng lên và được thúc đẩy thêm bởi lạm phát của khu vực Eurozone đạt mức cao kỷ lục trong tháng 5.
Các thống đốc NHTW của Hà Lan, Áo, Latvia và Slovakia đều cho rằng, mức tăng 50 điểm cơ bản nên là một lựa chọn.
Mặc dù bình luận từ Chủ tịch ECB trước những con số lạm phát mới nhất cũng cho thấy mức tăng 25 điểm, nhưng cũng để ngỏ cánh cửa cho những động thái mạnh hơn trong những tháng tới. Đặc biệt với việc lạm phát tại Eurozone tăng vọt lên 8,1% vào tháng 5, gấp bốn lần so với mục tiêu 2% của ECB, hiện bà Lagarde đang chịu áp lực phải tăng lãi suất mạnh hơn dự kiến ban đầu.
Lãi suất trung hòa là bao nhiêu?
Trước đây bà Lagarde đã phát đi tín hiệu là việc tăng lãi suất sẽ hướng tới mức trung hòa, hoặc thậm chí cao hơn mức đó. Vì vậy, cảm giác về mức lãi suất mà ECB cho là trung hòa sẽ định hình phần nào lộ trình tăng lãi suất của ECB.
Lãi suất trung hòa là mức lãi suất nhằm mang lại sản lượng kinh tế phù hợp với tiềm năng và không mang tính kích thích hay hạn chế. Nó được ước tính là từ 1% đến 2%, cho thấy rằng ECB có thể tăng tiếp lãi suất vào năm 2023.
Trong khi đó, ông Fabio Panetta - một thành viên Ban điều hành của ECB cho rằng, việc bình thường hóa chính sách tiền tệ không nên nhằm mục đích đưa lãi suất trở lại mức trung hòa.
Tăng trưởng yếu có cản trở việc tăng lãi suất?
Tuy nhiên cũng giống như nhiều NHTW khác, hiện cơ hội bình thường hóa chính sách tiền tệ của ECB đang bị thu hẹp do tăng trưởng kinh tế suy yếu và cuối cùng ECB cũng sẽ phải đối mặt với một lựa chọn khó khăn giữa chống lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng, mặc dù nhiệm vụ chính của ECB là ổn định giá cả.
Hiện lạm phát tại Eurozone tăng cao đang làm giảm tiêu dùng, từ đó làm suy giảm tăng trưởng. Bên cạnh đó, cuộc xung đột Nga - Ukraine và sự bùng phát dịch Covid-19 tại Trung Quốc đang gây tổn hại cho nền kinh tế toàn cầu nói chung, kinh tế khu vực đồng tiền chung nói riêng.
Các dự báo mới nhất của ECB vào thứ năm có thể cho thấy sự điều chỉnh giảm mạnh đối với tăng trưởng, trong khi dự báo lạm phát sẽ được nâng lên. Theo một cuộc thăm dò gần đây của Reuters, các nhà kinh tế học đưa ra xác suất suy thoái trung bình là 30% trong năm tới.
Bởi vậy Philip Lane - Nhà kinh tế trưởng của ECB cảnh báo rằng, bất kỳ động thái tăng lãi suất nào sau tháng 9 sẽ phụ thuộc vào xu hướng của lạm phát phát triển và tác động của cuộc xung đột Nga - Ukraine.
ECB có lo lắng về sự suy yếu của đồng euro?
Các bình luận gần đây cho thấy đồng tiền chung châu Âu đã trở thành một nỗi lo của ECB. Francois Villeroy de Galhau - Thống đốc NHTW Pháp và là một nhà hoạch định chính sách của ECB cho biết vào tháng 5, đồng euro quá yếu có thể đe dọa nỗ lực điều khiển lạm phát đạt mục tiêu.
Đồng euro đã giảm 6% so với đồng đôla Mỹ kể từ đầu năm, song chủ yếu do động thái thắt chặt tiền tệ của Fed đã thúc đẩy đồng đôla tăng giá. Hơn nữa nếu tính theo tỷ trọng thương mại, đồng euro chỉ giảm nhẹ hơn 1,6%.