9 tháng đầu năm tín dụng toàn nền kinh tế tăng 7%, doanh nghiệp yên tâm tỷ giá
Nâng cao hiệu quả tham gia các thể chế tài chính - tiền tệ - ngân hàng Kiên định mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô |
Tín dụng toàn nền kinh tế đến cuối tháng 9/2023 tăng gần 7%
Theo thông tin từ NHNN, đến ngày 29/09/2023, tín dụng toàn nền kinh tế đạt khoảng 12,749 triệu tỷ đồng, tăng 6,92% so với cuối năm 2022. Tuy nhiên, mức tăng này vẫn còn thấp hơn đáng kể so với cùng kỳ các năm trước. Đáng chú ý trước đó NHNN cho biết, đến ngày 21/09/2023, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế đạt khoảng 5,91%. Còn theo báo cáo của Tổng cục Thống kê thì tín dụng đến ngày 20/9 tăng khoảng 5,73%. Như vậy chỉ trong tuần cuối tháng 9, tín dụng đã tăng trưởng khá mạnh, từ 5,91% lên 6,92%. Tính theo số tuyệt đối thì có đến hơn 120 nghìn tỷ đồng được ngành Ngân hàng bơm ra nền kinh tế chỉ trong những ngày cuối tháng vừa qua. Sự bứt tốc này cũng gây chú ý bởi kể từ tháng 6, tăng trưởng tín dụng đã chậm lại đáng kể so các tháng trước (tăng trưởng tín dụng cuối tháng 6 là 4,73%, cuối tháng 7 là 4,54%). Điểm sáng nữa là, tín dụng đối với một số lĩnh vực ưu tiên tăng trưởng cao hơn mặt bằng chung.
Cũng theo NHNN, tính đến ngày 30/09, lãi suất huy động bình quân là khoảng 5,9%, tổng vốn huy động của các NHTM là 12.900 nghìn tỷ đồng. Lãi suất cho vay dự đoán là khoảng 6,1-6,2%. Tổng dư nợ của nền kinh tế là 12.630 nghìn tỷ đồng. Số liệu mới nhất về mức giảm trung bình Lãi suất cho vay, nhất là khoản vay mới, là 1,0 - 1,3%. Lãi suất bình quân cho vay đối với các khoản vay ngắn hạn là 5,5-5,7%, vay trung - dài hạn là 5,8-10%.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, ngành Ngân hàng đã và đang áp dụng nhiều biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người vay vốn. Cụ thể: các TCTD cam kết giảm khoảng 22.000 tỷ đồng lãi cho vay; triển khai chương trình 120.000 tỷ đồng phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ theo Nghị quyết 33 của Chính phủ (đến nay, BIDV và Agribank đã ký hợp đồng tín dụng tài trợ 03 dự án nhà ở xã hội tại tỉnh Phú Thọ, Quảng Ninh, Bắc Ninh với số tiền giải ngân đạt 82,7 tỷ đồng...); triển khai chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản với quy mô khoảng 15.000 tỷ đồng, lãi suất cho vay bằng đồng Việt Nam thấp hơn tối thiểu từ 1-2%/năm so với mức lãi suất cho vay bình quân cùng kỳ hạn (ngắn hạn; trung, dài hạn) của chính ngân hàng cho vay, thời gian triển khai đến hết 30/06/2024 (đến nay đã có 13 NHTM đăng ký tham gia chương trình và thực hiện cho vay với doanh số giải ngân đạt gần 5.500 tỷ đồng, bằng 37% tổng số tiền cam kết cho vay theo chương trình, cho 2.000 lượt khách hàng vay vốn); NHNN đã ban hành chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN, nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn trong tất cả các ngành, lĩnh vực được kéo dài thời gian trả nợ mà không bị chuyển nhóm nợ xấu và được tiếp cận các khoản vay mới phục vụ cho hoạt động SXKD, phục vụ đời sống (đến cuối tháng 8/2023, lũy kế tổng giá trị nợ gốc và lãi được cơ cấu thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ là gần 121.000 tỷ đồng, với gần 124.000 lượt khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ).
Có thể thấy, nhiều biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp và người vay vốn đã được triển khai, tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng 9 tháng qua vẫn ở mức thấp. Theo các chuyên gia, nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ các yếu tố khách quan như: cầu đầu tư, SXKD, tiêu dùng giảm; một số nhóm khách hàng có nhu cầu nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn, nhất là nhóm DNNVV; khả năng hấp thụ tín dụng của nhóm BĐS thấp; sau thời gian kinh tế gặp khó khăn, mức độ rủi ro bị đánh giá cao hơn, khi hoạt động của DN khó chứng minh hiệu quả (chi phí đầu vào, nguyên vật liệu nhập khẩu cao, thị trường đầu ra, đơn hàng, doanh thu giảm...); TCTD hiện rất khó khăn trong quyết định cho vay do vẫn luôn phải tuân thủ chuẩn TD để đảm bảo an toàn hệ thống.
Giới chuyên đều kỳ vọng rằng, trong 3 tháng cuối năm, theo yếu tố mùa vụ, tín dụng sẽ tăng tốc nhanh khi nhu cầu tín dụng vào các ngành nghề công nghiệp, sản xuất, thương mại, dịch vụ phục hồi từ động lực xuất - nhập khẩu và tiêu dùng cải thiện cùng những tín hiệu tích cực hơn của thị trường BĐS từ quý IV/2023 khi mặt bằng lãi suất giảm. Tuy nhiên, việc đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14-15% như NHNN đặt ra từ đầu năm vẫn là một thách thức lớn, cần nỗ lực cả từ hệ thống tài chính lẫn phía DN, người vay vốn, trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn do lạm phát cao, rủi ro địa – chính trị lớn...
Ngành Ngân hàng triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng |
Lãi suất liên ngân hàng, tỷ giá tăng
Trong tuần từ 16/10 – 20/10, tỷ giá trung tâm được NHNN điều chỉnh tăng ở tất cả các phiên. Chốt ngày 20/10, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 24.110 đồng/USD, tăng mạnh 33 đồng so với phiên cuối tuần trước đó. NHNN tiếp tục niêm yết tỷ giá mua giao ngay ở mức 23.400 đồng/USD. Tỷ giá bán giao ngay phiên cuối tuần được niêm yết ở mức 25.265 đồng/USD, thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá.
Tỷ giá LNH tiếp tục biến động theo xu hướng tăng trong tuần qua. Kết thúc phiên 20/10, tỷ giá LNH đóng cửa tại 24.525 đồng/USD, tăng 75 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.
Tuần từ 16/10 – 20/10, lãi suất VND LNH tăng mạnh ở tất cả các kỳ hạn từ 1M trở xuống. Chốt ngày 20/10, lãi suất VND LNH giao dịch quanh mức: ON 1,55% (+1,15 đpt); 1W 1,70% (+1,10 đpt); 2W 1,83% (+1,01 đpt); 1M 2,03% (+0,75 đpt).
Lãi suất USD LNH biến động theo xu hướng giảm ở tất cả các kỳ hạn. Phiên cuối tuần 20/10, lãi suất USD LNH đóng cửa ở mức: ON 5,05% (-0,05 đpt); 1W 5,16% (-0,05 đpt); 2W 5,24% (-0,04 đpt) và 1M 5,34% (-0,02 đpt).
Trên thị trường mở tuần từ 16/10 – 20/10, trên kênh cầm cố, NHNN chào thầu ở kỳ hạn 7 ngày với khối lượng là 5.000 tỷ đồng, lãi suất ở mức 4,0%. Không có khối lượng trúng thầu, không có khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố.
NHNN tiếp tục chào thầu tín phiếu NHNN với kỳ hạn 28 ngày, đấu thầu lãi suất. Có 55.899,7 tỷ đồng tín phiếu trúng thầu, lãi suất phiên thứ Sáu ở mức 1,45% (+0,50 đpt so với cuối tuần trước đó). Có 20.000 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn. Như vậy, NHNN hút ròng 35.899,7 tỷ đồng từ thị trường, đưa khối lượng tín phiếu lưu hành trên thị trường lên gần 241.600 tỷ đồng.
Nêu định hướng chính sách tiền tệ thời gian tới, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, NHNN kiên định mục tiêu điều hành đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định tỷ giá. “Giá vàng và giá USD đang tăng theo giá thế giới, cung cầu thị trường tại thời điểm nhất định lúc cao lúc thấp. Tuy vậy, doanh nghiệp cứ yên tâm với tỷ giá. Tỷ giá vẫn đang biến động trong biên độ cho phép, chúng tôi khẳng định sẽ điều hành không để xảy ra tâm lý găm giữ ngoại tệ chờ tỷ giá tăng. Hiện nay, nguồn dự trữ ngoại hối dồi dào, dòng vốn FDI vẫn tiếp tục tăng trưởng, các nguồn ngoại tệ khác cũng diễn biến tích cực… là cơ sở để ổn định tỷ giá”, Phó Thống đốc khẳng định.
Khối lượng trái phiếu trúng thầu thấp
Ngày 16/10, Ngân hàng CSXH chào thầu 2.500 tỷ đồng TPCPBL, khối lượng trúng thầu là 1.500 tỷ đồng, tương đương 60%. Trong đó, kỳ hạn 5 năm trúng thầu toàn bộ 1.500 tỷ đồng chào thầu với lãi suất 2,5% (không đổi so với tuần trước). Kỳ hạn 10 năm và 15 năm chào thầu 500 tỷ đồng mỗi kỳ hạn, tuy nhiên không có khối lượng trúng thầu ở cả hai kỳ hạn này.
Ngày 18/10, KBNN chào thầu 5.000 tỷ đồng TPCP, khối lượng trúng thầu là 2.775 tỷ đồng, tương đương 56%. Trong đó, kỳ hạn 5 năm huy động được toàn bộ 1.000 tỷ đồng chào thầu; kỳ hạn 10 năm huy động được 750 tỷ đồng/1.500 tỷ đồng; kỳ hạn 15 năm huy động được 1.000 tỷ đồng/2.000 tỷ đồng và kỳ hạn 30Y huy động được 25 tỷ đồng/500 tỷ đồng chào thầu. Lãi suất trúng thầu các kỳ hạn lần lượt tại 5 năm 1,65% (+0,01 đpt), 10 năm 2,40% (+0,02 đpt), 15 năm 2,63% (+0,02 đpt), 30 năm 3,05% (không thay đổi).
Trong tuần này, ngày 23/10, NHCSXH chào thầu 2.000 tỷ đồng TPCPBL, trong đó, kỳ hạn 5 năm chào thầu 1.000 tỷ đồng, kỳ hạn 10 năm và 15 năm chào thầu 500 tỷ đồng mỗi kỳ hạn. Ngày 25/10, KBNN chào thầu 5.000 tỷ đồng TPCP, trong đó kỳ hạn 5 năm chào thầu 1.000 tỷ đồng, kỳ hạn 10 năm và 15 năm chào thầu 2.000 tỷ đồng mỗi kỳ hạn.
Giá trị giao dịch Outright và Repos trên thị trường thứ cấp tuần qua đạt trung bình 5.012 tỷ đồng/phiên, giảm so với mức 6.745 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Lợi suất TPCP trong tuần qua tăng ở hầu hết các kỳ hạn. Chốt phiên 20/10, lợi suất TPCP giao dịch quanh 1 năm 1,79% (+0,04 đpt); 2 năm 1,80% (+0,03 đpt); 3Y 1,80% (+0,03 đpt); 5 năm 1,77% (-0,01 đpt); 7 năm 2,70% (+0,18 đpt); 10 năm 3,06% (+0,21 đpt); 15 năm 3,26% (+0,23 đpt); 30 năm 3,37% (+0,15 đpt).
Thị trường chứng khoán phục hồi
Tuần từ 16/10 – 20/10, thị trường chứng khoán mặc dù phục hồi phiên cuối tuần nhưng chốt tuần vẫn giảm điểm mạnh. Chốt phiên 20/10, VN-Index đứng ở mức 1.108,03 điểm, rớt tới 46,70 điểm (-4,04%) so với cuối tuần trước đó; HNX-Index mất 10,60 điểm (-4,43%) về 228,45 điểm; UPCom-Index giảm 2,28 điểm (-2,59%) còn 85,62 điểm.
Thanh khoản thị trường vẫn ở mức thấp với giá trị giao dịch trung bình gần 17.600 tỷ đồng/phiên, tăng nhẹ so với mức khoảng 15.800 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Khối ngoại tiếp tục bán ròng hơn 825 tỷ đồng trên cả 3 sàn.