An Giang: Chuyển đổi số để đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt
Khách hàng tiêu dùng thanh toán qua thẻ ở siêu thị. |
Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số
Đến cuối quý I/2023, An Giang có 109 doanh nghiệp (DN) và 47 đơn vị trực thuộc tái hoạt động. Đồng thời, có 245 DN và 148 đơn vị trực thuộc đăng ký hoạt động mới, với tổng số vốn đăng ký mới 2.190 tỷ đồng. So cùng kỳ, số DN đăng ký hoạt động tăng 11,77% (tăng 37 DN), số đơn vị trực thuộc đăng ký hoạt động giảm 26% (giảm 52 đơn vị).
Tuy nhiên, số vốn đăng ký tăng 190% (tăng 1.043 tỷ đồng). Bên cạnh đó, số DN đăng ký tạm ngừng hoạt động 203 DN, tăng 16% (28 DN) so cùng kỳ. Số DN hoàn tất thủ tục giải thể 27 DN, giảm 15,62% (giảm 6 DN) so cùng kỳ.
Nhằm hỗ trợ cho DN, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh An Giang đã triển khai chương trình kết nối giữa ngân hàng thương mại và cộng đồng DN, đặc biệt là DN vừa và nhỏ. Qua đó, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho các DN nhỏ và vừa, các lĩnh vực ưu tiên phát triển DN tham gia mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao, DN xuất khẩu, DN công nghiệp hỗ trợ và từng bước mở rộng ra các thành phần kinh tế khác (hợp tác xã, tổ hợp tác, tiểu thương…). Tổng dư nợ cấp tín dụng đến cuối tháng 4 năm 2023 đạt 107.034 tỷ đồng, tăng 4,86% so với cuối năm 2022. Trong đó, dư nợ cho vay hỗ trợ DN nhỏ và vừa đạt 11.360 tỷ đồng, chiếm 10,85% tổng dư nợ.
An Giang sẽ hỗ trợ công nghệ cho DN nhỏ và vừa tối đa 50% giá trị hợp đồng tư vấn giải pháp chuyển đổi số cho DN về qui trình kinh doanh, quản trị, sản xuất, công nghệ và chuyển đổi mô hình kinh doanh nhưng không quá 50 triệu đồng/hợp đồng/năm đối với DN nhỏ và không quá 100 triệu đồng/hợp đồng/năm đối với DN vừa…
Hỗ trợ DN ứng dụng công nghệ, ứng dụng các giải pháp trên nền tảng số. Triển khai dự án đầu tư xây dựng khu làm việc chung hỗ trợ DN nhỏ và vừa khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Hỗ trợ tư vấn, chuyển đổi từ hộ kinh doanh cho DN nhỏ và vừa.
Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn An Giang. |
Phát triển đa kênh TTKDTM
Trong những năm qua, trên địa bàn An Giang việc sử dụng hình thức TTKDTM đang trở thành thói quen hàng ngày của nhiều người dân từ thành thị đến nông thôn. Chỉ cần dùng điện thoại kết nối mạng Internet, tải ứng dụng, đăng ký và kết nối tài khoản ngân hàng thì có thể thực hiện thanh toán hầu hết các dịch vụ mà không cần đến tiền mặt, như: Nhận tiền, chuyển tiền, đóng học phí, đóng bảo hiểm, thanh toán viện phí, đóng tiền điện, tiền nước, thanh toán phí truyền hình, internet; nạp tiền điện thoại, thanh toán cước taxi, mua vé máy bay, xe khách, mua vé xem phim; thanh toán hóa đơn mua hàng tại các quán ăn, trung tâm mua sắm, siêu thị, các cửa hàng tiện lợi, khu vui chơi giải trí...
Trước đây, hàng tháng, anh Nguyễn Quốc Vinh ở TP. Long Xuyên phải đến điểm thu để đóng tiền điện, tiền nước và chờ đợi lâu. Còn hiện nay, chỉ cần điện thoại kết nối internet dù ở bất cứ đâu và thời gian nào, anh Vinh cũng có thể thanh toán được tiền điện, tiền nước thông qua ứng dụng của ngân hàng, sau khi nhận được thông báo qua Zalo.
Hay như chỉ với chiếc điện thoại thông minh quét mã QR, chị Phạm Thị Ngọc Mai ở TP. Châu Đốc thanh toán xong hóa đơn mua hàng tại một cửa hàng tiện lợi gần nhà, mà không cần phải mang theo tiền mặt. Chị Mai chia sẻ khoảng hơn 1 năm nay, chị thường sử dụng các hình thức TTKDTM, như Quét mã QR, ví điện tử, các tiện ích về ngân hàng số… vì vậy chị không cần mang tiền mặt trong người.
Đã trở thành thói quen trong thời gian qua, sau khi chọn mua một số hàng hóa ở siêu thị, cô Nguyễn Thị Ngọc Trân ở TP. Long Xuyên chỉ cần đưa thẻ ATM cho nhân viên thu ngân thanh toán. Bây giờ, mỗi khi mua sắm ở các cửa hàng, siêu thị cô đều thanh toán bằng thẻ ATM hoặc chuyển khoản, vừa thuận tiện, vừa an toàn, cô Trân chia sẻ.
Không chỉ thuận tiện với khách hàng cá nhân, hình thức TTKDTM còn mang đến tiện ích vượt trội cho các cửa hàng, DN nhỏ... giúp tiết kiệm thời gian, chi phí quản lí các giao dịch tiền mặt một cách thuận tiện, an toàn và chính xác.
Từ những tiện ích thiết thực, TTKDTM được sử dụng nhiều trong các giao dịch hàng ngày và trở thành xu thế tất yếu của xã hội. Tuy nhiên, khi sử dụng các phần mềm, ứng dụng TTKDTM, người dân lưu ý không cung cấp mã OTP, mật khẩu cho người lạ; không nhấn vào các đường link lạ gửi qua SMS. Đồng thời, đặt mật khẩu theo hướng dẫn của nhà cung cấp dịch vụ, thiết lập thêm các biện pháp bảo mật/xác thực chặt chẽ hơn với các giao dịch có giá trị lớn, để đảm bảo an toàn trong TTKDTM.
Năm qua, An Giang đã hỗ trợ 50 DN trong tỉnh mở gian hàng trực tuyến trên sàn giao dịch điện tử Shopee và tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn kĩ năng bán hàng trên sàn thương mại điện tử. Qua đó, giúp DN đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động kinh doanh; các sản phẩm của An Giang được người tiêu dùng trong và ngoài nước biết đến nhiều hơn, nhanh hơn, tối ưu hóa các công cụ tìm kiếm. Đồng thời, đẩy mạnh công tác truyền thông, các DN An Giang mở gian hàng trực tuyến trên sàn giao dịch điện tử Shopee, giúp đẩy mạnh hiệu quả bán hàng và nhận thức của các DN, người tiêu dùng.
Các ngành, đơn vị thường xuyên phối hợp Viettel An Giang, VNPT An Giang, Mobifone An Giang triển khai chương trình TTKDTM tại 12 chợ ở các huyện, thị xã, thành phố. Qua đó, phát triển 1.015 điểm chấp nhận TTKDTM. Phối hợp Petrolimex và PVOil An Giang triển khai chương trình TTKDTM trong hệ thống 60/65 cửa hàng xăng dầu của 2 đơn vị. Triển khai TTKDTM tại hệ thống các nhà hàng, khách sạn, nhà nghỉ, quán ăn, quán cà-phê, tiệm vàng, khu du lịch, spa, bệnh viện…
Đến nay đã triển khai hơn 200 đơn vị chấp nhận thẻ Agribank An Giang nhằm tạo chuyển biến tích cực về TTKDTM, thay đổi dần thói quen sử dụng tiền mặt trong hoạt động thanh toán của người dân trên địa bàn tỉnh. Phối hợp các siêu thị triển khai TTKDTM trong hệ thống siêu thị với giải pháp thanh toán bằng thẻ ATM, chuyển khoản hoặc mã QR, được siêu thị bố trí để khách hàng có thể tự trả tiền…
Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị trong tỉnh còn thực hiện tốt việc triển khai cho người nộp thuế khai thuế điện tử, hóa đơn điện tử trên địa bàn; triển khai thanh toán viện phí không dùng tiền mặt trong hệ thống bệnh viện, nhằm giúp bệnh nhân thuận lợi trong thanh toán viện phí, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ của bệnh viện, giảm thời gian chờ đợi của bệnh nhân; triển khai thanh toán học phí cho một số trường học...
Cùng với các giải pháp về đầu tư hạ tầng và công tác quản lí, thời gian tới, tỉnh chú trọng phát triển thương mại điện tử trên cơ sở sàn giao dịch điện tử; thu hẹp khoảng cách giữa thành thị và nông thôn về phát triển thương mại điện tử. Đẩy mạnh hình thức mua sắm trực tuyến, TTKDTM, từng bước thay đổi thói quen, hành vi mua sắm của người tiêu dùng theo hướng hiện đại. Đồng thời khuyến cáo, cảnh báo các thủ đoạn, hành vi lừa đảo, gian lận thương mại và hàng giả, đánh cắp thông tin, tài khoản./.