“Anh nhà quê Quảng Nam”
Đến với khu du lịch nhà vườn Triêm Tây (huyện Điện Bàn, Quảng Nam), ngoài con đường bộ vòng từ thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên xuống, phần lớn du khách từ Hội An qua phải dùng phương tiện đường thủy từ bến đò làng gốm Thanh Hà, mất khoảng chừng 15 phút. Thoáng nhìn từ xa, Triêm Tây giống như một cồn đất hoang sơ vắng vẻ, um tùm cây lá.
Kiến trúc sư Bùi Kiến Quốc và một góc nhà vườn Triêm Tây
Thế nhưng, khi cập bờ vào trong mới bất ngờ nhận ra, nơi đây đã xây dựng hoàn thành cả một không gian du lịch bao gồm những ngôi nhà cổ kiến trúc độc đáo, có cả các hồ bơi, có nhà trưng bày sản phẩm và xưởng sản xuất chiếu chẻ truyền thống để phục vụ du khách.
Đón chúng tôi, chủ nhân khu du lịch là một Việt kiều – Kiến trúc sư (KTS) Bùi Kiến Quốc, Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Cộng hòa Pháp, nhưng lúc nào ông cũng thích giới thiệu mình là một “anh nhà quê Quảng Nam”.
Ông cho biết, dự án này được xây dựng vào tháng 6/2009 trên tổng diện tích 13.447m2 được giữ nguyên kiến trúc của một làng quê xứ Quảng. Làng du lịch sinh thái nhà vườn Triêm Tây là khu du lịch được xây dựng theo mô hình văn hóa nông thôn, mang dấu ấn độc đáo và có nhiều khác biệt so với những khu du lịch sinh thái hiện có.
Theo KTS. Bùi Kiến Quốc, đây là một công trình kiến trúc tâm đắc nhất của ông. Phần lớn các ngôi nhà đều thiết kế theo lối sườn gỗ thả cây leo, theo lối nhà trong rừng. Ông nói: “Trước kia khi còn ở Pháp, nếu muốn thể nghiệm lối kiến trúc như thế này, mình chỉ có thể làm theo mô hình 1/10. Còn ở đây mình thực sự thực hiện theo mô hình 1/1”.
Mục đích chính của ông trước khi triển khai dự án, đó là nỗ lực để giữ đất, giữ làng bởi đây là nơi có 147 hộ dân sống chủ yếu bằng nghề dệt chiếu và làm nông đã từng nằm trong đề án di dời dân của tỉnh do tốc độ xói lở quá nhanh. Đề xuất của ông đã thuyết phục được chính quyền địa phương. Sau 3 năm kiên trì, cải tạo với 120m bờ kè, làng Triêm Tây đã trụ lại được qua những mùa mưa lũ.
Giờ đây, hầu như toàn bộ các hộ dân Triêm Tây đều sống bằng nghề làm du lịch cộng đồng. Cả khu nhà vườn đã có 20 phòng lưu trú. Mỗi phòng rộng 3,6m, dài 4,8m, được làm bằng sườn tre, lợp tranh, vách gỗ, thiết kế cửa song sập, vừa đón ánh sáng tự nhiên, vừa có thể điều chỉnh nhiệt độ mà vẫn mang phong cách nhà Việt.
Hàng ngày, có đội thuyền phục vụ du khách tham quan trên sông Thu Bồn và không gian ẩm thực gồm nhiều món ăn đặc sản của xứ Quảng. Bờ sông Thu Bồn phía Tây của thôn Triêm Tây mỗi năm lở sâu vào cả chục mét, kể từ khi có dự án du lịch cải tạo bờ kè, hiện nay người dân thấy yên tâm, hy vọng làng quê thoát khỏi nghèo khó, con em được tạo điều kiện học hành, được đào tạo làm du lịch... Hồi mới đặt chân lên đất Triêm Tây, ông Quốc đã mua lại hơn 10 ngôi nhà và vườn tược của dân, giữ nguyên kiến trúc dân gian, kể cả bàn thờ, giếng nước, lối đi…
KTS. Bùi Kiến Quốc là con trai của bác sĩ Bùi Kiến Tín (nổi tiếng với thương hiệu Dầu Khuynh Diệp từ những năm 1950), là em ruột chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành và là người họ hàng gần của nhà thơ Bùi Giáng.
Ông sang Pháp từ lúc 6 tuổi, về Sài Gòn học trường J.J.Rousseau đến năm 1961 rồi lại qua Pháp từ đó. Trở thành một KTS, ông tham gia thiết kế và là tác giả của các đề án kiến trúc sân bay, khu đô thị khắp châu Âu, nhưng khi về nước, ông mới hiểu hết những giá trị văn hóa, môi sinh của quê hương mình là vô giá. Nó không phải là hàng hóa nên cần phải được bảo vệ, tôn trọng...
Từ năm 1998, ông bắt đầu thực hiện các “công trình thể nghiệm” liên quan đến làng quê, sông nước. Đầu tiên là làng du lịch văn hóa Cẩm Thanh gần Cửa Đại Hội An rộng 5 héc ta giữa bốn bề sông và dừa nước.
Năm 2006, ông ngược dòng Thu Bồn đến làng Trung Phước, quê cha, mua lại mảnh đất trên nền nhà cũ để xây dựng vài công trình kiến trúc. Ông tiến hành kè bờ sông, lập bến thuyền để đưa khách châu Âu đi thăm Hòn Kẽm Đá Dừng, làng cây trái Đại Bường. Công trình chưa xong, ông lại xuôi về Triêm Tây…
Ông nói: Bờ sông, những chiếc thuyền, lũy tre... là những di sản văn hóa Việt Nam phải được giữ lại. Kể cả những nghề truyền thống ở đây như dệt chiếu, trồng tỉa hoa màu, đan lát… cũng là những gì du khách phương Tây muốn thưởng ngoạn, tìm hiểu. Họ đến đây để được ở trong những ngôi nhà truyền thống và sinh hoạt cùng người dân trên đồng ruộng, sông nước. Nếu Cẩm Thanh, Trung Phước là các “bản nháp” thì Triêm Tây là bản chính mà ông chăm chút đầu tư…
Quả thật, giữa làng quê Triêm Tây, nằm nghỉ trên chiếc phản gỗ trong nhà vườn, khách như cảm nhận ngập tràn ánh sáng. Bởi, xung quanh, bốn bề những khung cửa trong suốt, nhìn nơi đâu cũng thấy lá cây, trời xanh, mây trắng, sông nước lượn lờ…
Chợt nhớ đến một câu nói vui của ông KTS, Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Cộng hòa Pháp Bùi Kiến Quốc: “Dù đi đâu làm gì, tôi cũng luôn tự hào mình là anh nhà quê Quảng Nam”.
Bài và ảnh Trần Trung Sáng