Áp dụng giảng dạy Khóa học IFRS cho sinh viên ngành Tài chính – Kế toán
Ngày 8/4 vừa qua, ACCA đã hoàn thành kí kết hợp tác với Trường Đại học Bà Rịa – Vũng Tàu. Trước đó, chuỗi hợp tác kí kết đã bắt đầu triển khai với các trường: Đại học Lạc Hồng, Đại học Cần Thơ, Đại học Nha Trang và gần nhất là Đại học Kinh tế - Đại học Huế. Sắp tới, các trường Đại học khác nằm trong khuôn khổ chương trình cũng sẽ tiến hành triển khai như Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TP. Hồ Chí Minh, Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh, Đại học Thái Bình Dương, Đại học Tài chính – Marketing, Đại học Quy Nhơn, Đại học Duy Tân, Đại học Công nghệ TP. Hồ Chí Minh,….
Buổi kí kết hợp tác giữa ACCA và BUV nằm trong chuỗi áp dụng Khoá học IFRS cho sinh viên ngành Tài chình – Kế toán với sự tham gia của Đặc phái viên Thương Mại của Thủ Tướng Anh tại Việt Nam |
Hiện nay, IFRS đang được áp dụng gần như toàn bộ tại hơn 100 quốc gia trên toàn thế giới, trong đó có một số quốc gia ở khu vực Đông Nam Á. Trong xu thế toàn cầu hóa, áp dụng chuẩn mực chung về lập BCTC, Việt Nam cũng không thể nằm ngoài tiến trình hội nhập với hệ thống IFRS. Chứng chỉ IFR cung cấp nền tảng vững chắc về cách lập báo cáo tài chính quốc tế, các chuẩn mực lập báo cáo tài chính quốc tế IFRS, Ủy Ban Chuẩn Mực Kế Toán Quốc Tế (IASB) với những cập nhật thường xuyên và xu hướng thay đổi trong tương lai.
Với mạng lưới hội viên và đối tác lớn mạnh, ACCA và Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA) nhận thấy vai trò tích cực của mình trong việc định hình phát triển ngành nghề kế toán kiểm toán, trong đó có nhiệm vụ hỗ trợ triển khai các chuẩn mực quốc tế tại Việt Nam. Người lập và sử dụng báo cáo tài chính tại Việt Nam cần hiểu về IFRS, đồng thời cần có sự công nhận chính thức về các kỹ năng và kiến thức về IFRS. Chứng chỉ phối hợp ACCA-VACPA về lập Báo Cáo Tài Chính quốc tế là giải pháp nhanh chóng, tiết kiệm chi phí và hiệu quả đáp ứng nhu cầu tại Việt Nam.
Tại sự kiện, ông Graham Stuart, Đặc phái viên Thương Mại của Thủ Tướng Anh tại Việt Nam, Campuchia và Lào chia sẻ: “Buổi kí kết tại trường đại học Bà Rịa – Vũng Tàu hôm nay là dịp khẳng định tiềm năng và mong muốn phát triển hơn nữa nền giáo dục đại học của Anh Quốc tại Việt Nam. Cả ACCA và Pearson đều cam kết cải thiện các cơ hội giáo dục đại học, bao gồm mở rộng quan hệ đối tác giáo dục quốc tế với các đối tác có giá trị như BVU. Tôi tin tưởng rằng những mối quan hệ hợp tác này sẽ mang lại lợi ích to lớn cho sinh viên Việt Nam trong tương lai.” Qua sự kiện lần này, ông cũng hi vọng việc ACCA phối hợp cùng VACPA và các trường Đại học là một bước tiến quan trọng trong mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và UK, mở ra những cơ hội mới, đem lại những lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp trong tương lai. Đây cũng là một trong những ưu tiên cần thúc đẩy trong các năm tới, kết nối các doanh nghiệp, tổ chức hai nước trong các lĩnh vực mà Anh có thế mạnh và Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển.
Ông Graham Stuart chia sẻ về lợi ích lâu dài của việc hợp tác và áp dụng chứng chỉ cho sinh viên và mở ra những cơ hội mới cho doanh nghiệp trong tương lai |
Là Hiệp hội nghề nghiệp toàn cầu của các chuyên gia tài chính, ACCA luôn ủng hộ IFRS trở thành chuẩn mực kế toán toàn cầu. ACCA là hiệp hội nghề nghiệp lớn đầu tiên dùng IFRS làm nền tảng cho các kỳ thi cũng như tham gia đầy đủ vào quá trình tư duy, tranh luận khi có cập nhật và ban hành các chuẩn mực mới. Dưới sự giám sát của ACCA, các hội viên ACCA được yêu cầu cập nhật IFRS trong khuôn khổ chương trình cập nhật kiến thức chuyên môn hàng năm. Với lợi thế mạng lưới toàn cầu, ACCA cũng có các hoạt động hỗ trợ các cơ quan quản lý nhà nước, hiệp hội nghề nghiệp và các bên liên quan đặc biệt là các trường Đại học trong áp dụng IFRS phù hợp với điều kiện của từng quốc gia.
Đối với chương trình giảng dạy Khóa học Chứng chỉ phối hợp lập báo cáo tài chính (IFRS) kí kết với các trường Đại học lần này, cơ cấu nội dung đào tạo rõ ràng và thân thiện với học viên trong đó phân tích nội dung của từng chuẩn mực IFRS cụ thể với các bài tập tình huống thực tiễn. Chương trình đào tạo có các bài thi thử trắc nghiệm ở mỗi học phần để học viên kiểm tra kiến thức thu được và chuẩn bị cho bài thi cấp Chứng chỉ. Mô hình học tập kết hợp khóa học ACCA trực tuyến và học trên lớp tại các trường đại học sẽ giải quyết được rào cản ngôn ngữ tiếng Anh, những nội dung mới và phức tạp của IFRS.
Hợp tác giữa ACCA và BUV là một trong những cột mốc đem lại cơ hội thúc đẩy sự phát triển ngành kế toán – kiểm toán Việt Nam theo các chuẩn mực quốc tế |
Bà Nguyễn Thụy Minh Châu, Trưởng đại diện ACCA tại Việt Nam cho biết: “Chúng tôi tin rằng việc hợp tác với các trường Đại học để tích hợp Khóa học Chứng chỉ phối hợp lập báo cáo tài chính (IFRS) là một bước đi tích cực thúc đẩy sự phát triển của ngành kế toán – kiểm toán Việt Nam hội nhập và phát triển theo các chuẩn mực quốc tế, không chỉ đồng hành cùng các sinh viên trang bị kiến thức và kỹ năng IFRS mà còn nâng cao sự tin tưởng của các nhà đầu tư đối với báo cáo tài chính của Việt Nam.
TS. Trần Khánh Lâm, Phó Chủ tịch Kiêm Tổng thư ký, Hội kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA) chia sẻ: “Với mong muốn đóng góp vào việc hỗ trợ cho Quý thầy cô giáo và sinh viên ngành kế toán-kiểm toán của các trường Đại học trong các hoạt động đào tạo và học tập, VACPA rất vui mừng được đồng hành cùng ACCA và các trường Đại học ký Biên bản hợp tác 3 bên để thúc đẩy các hoạt động đào tạo của các bên và giới thiệu, áp dụng Chứng chỉ phối hợp ACCA-VACPA về Chuẩn mực báo cáo Tài chính quốc tế (IFRS), thông qua đó để kiến tạo và phát triển các chương trình đào tạo ngành tài chính và kế toán trở nên thu hút hơn với sinh viên cũng như giúp nâng cao vị thế, uy tín của nhà trường trong việc đào tạo các chuyên gia kế toán, kiểm toán và tài chính trong tương lai.”
Đại diện về phía Trường Đại học Bà Rịa - Vũng Tàu, PGS.TS.LS Nguyễn Thị Hoài Phương, Q.Hiệu trưởng BVU, cho biết: “Việc áp dụng IFRS đang trở thành một xu hướng tất yếu. Chính điều này đã mở ra cơ hội phát triển nghề nghiệp và tạo động lực cho nhiều sinh viên ngành tài chính- kế toán. Chúng tôi luôn nỗ lực đổi mới cũng như hợp tác với các tổ chức có năng lực như ACCA và VACPA để không ngừng áp dụng phương pháp đào tạo hợp chuẩn quốc tế nhằm tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng được các đòi hỏi thực tiễn của thời đại mới.”