Ba phương án tổ chức kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu kết luận nội dung thảo luận tại phiên họp. Ảnh:VGP/Nguyễn Hoàng |
Tại phiên họp thứ 2 sáng 18/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV.
Báo cáo về công tác chuẩn bị cho kỳ họp, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết hiện nay, tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp nên việc tổ chức kỳ họp thứ 2 cần được chuẩn bị, cân nhắc thật kỹ lưỡng về cả nội dung, cách thức tiến hành cũng như các điều kiện bảo đảm để kỳ họp khai mạc đúng thời gian quy định (ngày 20/10/2021), bảo đảm chất lượng, tiến độ và tuyệt đối an toàn về phòng, chống dịch.
Tổng Thư ký Quốc hội đề xuất 2 phương án tổ chức kỳ họp thứ 2. Cụ thể, phương án 1, Quốc hội họp trực tuyến cả kỳ, dự kiến 17 ngày, dự phòng 1 ngày. Phương án 2, họp trực tuyến kết hợp họp tập trung với dự kiến 17 ngày, 1 ngày dự phòng, trong đó đợt 1, họp trực tuyến 11 ngày và đợt 2 họp tập trung 6 ngày.
Về nội dung kỳ họp, ông Bùi Văn Cường cho biết căn cứ quy định tại luật, nghị quyết của Quốc hội, kết luận của UBTVQH, dự kiến kỳ họp thứ 2, Quốc hội xem xét, thông qua dự án Luật sửa đổi, bổ sung Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự, dự thảo Nghị quyết về định hướng công tác lập pháp của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.
Xem xét, cho ý kiến 5 dự án: Luật Cảnh sát cơ động; Luật Điện ảnh (sửa đổi); Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi); Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.
Quốc hội cũng xem xét các vấn đề kinh tế-xã hội, ngân sách Nhà nước, giám sát, tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn của ĐBQH.
Trong phần thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng kỳ họp thứ 2 vẫn nên thực hiện chất vấn và trả lời chất vấn vì đây là nội dung được nhân dân mong đợi. Theo ông Định, Bộ trưởng Bộ Y tế và các Bộ trưởng bận chống dịch thì chưa chất vấn tại kỳ họp này, nhưng vẫn chất vấn các Bộ trưởng khác.
Nêu ý kiến của mình, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng các Bộ trưởng: Y tế, Công an, Quốc phòng đang tập trung chống dịch cũng có thể được chất vấn. Nhất là trong bối cảnh Quốc hội vừa có Nghị quyết 30 giao quyền cho Chính phủ thì chắc chắn sẽ có nhiều ý kiến, nội dung về vấn đề này. Trong khi đó nếu chọn những Bộ trưởng không bận chống dịch để chất vấn thì sẽ không đáp ứng được những vấn đề nổi cộm nhất hiện nay.
Toàn cảnh phiên họp. Ảnh:VGP/Nguyễn Hoàng |
Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, chất vấn là hoạt động bình thường của Quốc hội. Bì vậy cần tích cực chuẩn bị, nhất là những vấn đề quốc kế dân sinh, những vấn đề đại sự mà cử tri, nhân dân quan tâm… Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội lưu ý quyết định nội dung chất vấn nào, ai là người trả lời chất vấn thì tính toán thêm vì còn liên quan đến kiến nghị, đề xuất của các Đoàn ĐBQH.
Liên quan đến các phương án tổ chức kỳ họp, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh và Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng cần phải xây dựng 3 phương án, tùy theo tình hình dịch bệnh.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phân tích phương án 1 là phấn đấu kiểm soát tốt dịch bệnh và họp Quốc hội như bình thường, tập trung tại Nhà Quốc hội, có khai mạc, chất vấn, truyền hình trực tiếp như bình thường.
Phương án 2 là kết hợp trực tuyến và trực tiếp, trong đó, phần họp trực tiếp sẽ dành cho các nội dung mật; chất vấn… Phương án 3 theo ông Định là trong trường hợp dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay, thậm chí trầm trọng hơn thì họp trực tuyến toàn bộ cả kỳ họp.
Kết luận nội dung thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đồng ý chuẩn bị 3 phương án tổ chức kỳ họp. Theo đó, phương án 1 là kết họp họp trực tuyến và tập trung; phương án 2 là họp trực tuyến cả kỳ nếu dịch diễn biến phức tạp; phương án 3 là họp tập trung nếu dịch được kiểm soát tốt.
“Như vậy, chúng ta chuẩn bị 3 phương án, trong đó phương án kết hợp được đưa lên hàng đầu”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.