Bài toán lãi suất
Hỗ trợ lãi suất 2%: Không nên vội vàng |
Cuối tuần qua, nhiều NHTM đã tăng lãi suất huy động. Đây là đợt điều chỉnh mạnh nhất kể từ đầu năm đến nay, với khoảng 10 ngân hàng, bao gồm cả NHTMCP nhỏ và NHTMCP nhà nước, với mức tăng từ 0,1% đến tăng mạnh nhất lên đến 1,2%/năm. Nhìn chung hiện lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng của các NHTMCP đều đã chạm trần quy định của NHNN là 4%/năm; chỉ có các NHTM Nhà nước vẫn duy trì lãi suất các kỳ hạn dưới 6 tháng 3,2% -3,4%/năm. Trong đợt điều chỉnh này các NHTM chủ yếu tăng lãi suất kỳ hạn từ 6 tháng đến 12 tháng với mức lãi suất áp dụng phổ biến hiện lần lượt là 6,5% và trên 7%/năm. Những khách hàng gửi tiết kiệm online hay sử dụng các gói sản phẩm của một ngân hàng có thể được cộng thêm 0,1% đến 0,2%.
Việc các NHTM tăng lãi suất huy động là động thái có thể dự báo được, bởi cả yếu tố trong và ngoài nước. Xung đột giữa Nga và Ukraine vẫn chưa thấy hồi kết; chuỗi cung ứng toàn cầu vẫn chưa được nối lại; giá dầu duy trì ở mức trên 100 USD/thùng, thậm chí có chuyên gia đưa ra dự báo giá dầu thế giới có thể đạt mức 135 USD/thùng trước khi hạ nhiệt do tăng trưởng kinh tế thế giới suy giảm. Còn lúc này, để đối phó với tình trạng lạm phát cao chưa từng có các NHTW trên thế giới đã và đang tiếp tục tăng lãi suất.
Ảnh minh họa |
Trong nước, hôm 28/6 Tổng cục Thống kê công bố, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2022 tăng 0,69% so với tháng trước, tăng 3,18% so với tháng 12/2021 và tăng 3,37% so với cùng kỳ năm trước. Mức tăng của CPI tháng 6/2022 được ghi nhận là cao nhất trong giai đoạn 2016 - 2022. Giá xăng dầu liên tục tăng theo giá nhiên liệu thế giới; giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng theo giá nguyên liệu đầu vào là những nguyên nhân chủ yếu làm CPI tháng 6 tăng. Bình quân sáu tháng đầu năm, CPI tăng 2,44% so với cùng kỳ năm trước. GDP tăng trưởng mạnh nhưng sức ép lạm phát hiện rất lớn. Người dân kỳ vọng lạm phát tăng dẫn đến mong muốn lãi suất tiết kiệm tăng là phản ứng tất yếu. Nếu NHTM không tăng lãi suất huy động sẽ rất khó để huy động vốn phục vụ cho nhu cầu tín dụng sẽ tăng mạnh vào những tháng cuối năm.
Tính đến đầu tháng 6/2022, tín dụng đã tăng 8,5% so cuối năm 2021, nếu so với mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% trong năm nay (có điều chỉnh tuỳ theo tình hình thực tế) thì dư địa cũng không còn nhiều. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng tín dụng và quy mô hoạt động của mỗi NHTM là khác nhau. Do đó trong thời gian tới thị trường sẽ có sự phân hóa. Ngân hàng nào đã sử dụng hết, hay gần hết room tăng trưởng mà không được cấp thêm thì sẽ không có nhu cầu tăng huy động vốn bức thiết, nhưng vẫn phải duy trì một biểu lãi suất huy động ở mức tương đương với mặt bằng chung. Với những NHTM có nhiều dư địa tăng trưởng tín dụng những tháng cuối năm thì phải tăng huy động vốn. Trong bối cảnh sức ép lạm phát tăng, kỳ vọng lạm phát cao như hiện nay thì việc điều chỉnh tăng lãi suất huy động khó tránh khỏi song các NHTM cũng phải tính toán, cân đối các chi phí hoạt động. Bởi chủ trương chung của Chính phủ, NHNN vẫn là ổn định mặt bằng lãi suất, phấn đấu giảm lãi suất cho vay.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định: "NHNN sẽ tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành nhằm tạo điều kiện để các tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp, qua đó có điều kiện giảm lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng phục hồi sản xuất - kinh doanh…". Do đó, nếu các NHTM tăng mạnh lãi suất huy động thì NIM (chênh lệch lãi suất biên ròng) của ngân hàng sẽ giảm mạnh.
Bên cạnh đó, theo TS. Cấn Văn Lực, tăng trưởng lợi nhuận toàn Ngành năm 2022 còn gặp một số khó khăn, thách thức: Thông tư 14 của NHNN nếu không được gia hạn sẽ ảnh hưởng nhất định đến khả năng sinh lời khi các TCTD phải tăng cường trích lập dự phòng rủi ro cho các khoản nợ không được cơ cấu lại. Những khách hàng doanh nghiệp hoạt động trong một số lĩnh vực (như du lịch, lưu trú - ăn uống, xuất khẩu sang thị trường Nga, Ukraine…) còn khó khăn, kéo theo chất lượng tín dụng giảm…
Ngân hàng đang thực sự ở vào thế khó khi chi phí hoạt động tăng, rủi ro tăng nhưng lại khó có thể tăng lãi suất cho vay vì phải hỗ trợ khách hàng hồi phục sản xuất kinh doanh, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế sau đại dịch.