Băn khoăn quy hoạch điện
Không nên “đặt cược” vào nguồn điện than |
Tăng điện than vì chi phí rẻ?
Theo Bộ Công thương, dự thảo Quy hoạch điện VIII, đơn vị này lấy ý kiến để trình Chính phủ là văn bản đã được xem xét tổng thể, bám sát các chỉ đạo sau khi Chính phủ xem xét tờ trình hồi tháng 3/2021 và liên tục có những thông báo yêu cầu rà soát cân bằng cao nhất cung - cầu nội vùng; giảm thiểu truyền tải xa, phân tích tính kinh tế, kỹ thuật và giá điện.
Quan điểm của Bộ Công thương tại dự thảo mới nhất của Quy hoạch điện VIII vẫn là hạn chế tối đa phát triển thêm nhà máy nhiệt điện than mới. Các nhà máy điện than dự kiến phát triển tại Hải Phòng, Quảng Ninh, Long An, Bạc Liêu… được thay thế bằng các nguồn điện khí LNG thân thiện hơn với môi trường. Mục tiêu chung của Bộ Công thương là đến năm 2030 khống chế tỷ trọng các nhà máy nhiệt điện than chỉ chiếm khoảng 31% tổng sản lượng điện (tương đương khoảng 28% với kịch bản phụ tải cao).
Tuy nhiên, so sánh cơ cấu nguồn điện trong dự thảo mới của Bộ Công thương với tờ trình mà bộ này đã gửi Chính phủ vào cuối tháng 3/2021 thì công suất điện than không những không có sự sụt giảm mà đã tăng hơn 3.070 MW, đạt mức 40.700 GW vào năm 2030. Một nguồn điện khác là thủy điện cũng đã tăng thêm 600 MW. Nhưng đáng chú ý là công suất đặt điện gió giảm xấp xỉ 4.200 MW, điện sinh khối và năng lượng tái tạo khác giảm cũng khoảng 2.000 MW so với tờ trình hồi tháng 3.
Nhiệt điện đốt than đang được các nước trên thế giới thu hẹp để bảo vệ môi trường |
Lập luận về việc tăng thêm công suất điện than, đại diện đơn vị tư vấn xây dựng Quy hoạch điện VIII cho rằng, yêu cầu của Chính phủ đặt ra cho Quy hoạch điện VIII là “giảm chi phí truyền tải xa, đảm bảo cân đối nội vùng và chi phí giá điện”. Với lý do đó, việc lựa chọn tăng thêm công suất các nhà máy điện than hiện hữu là phương án tối ưu nhất. Bởi ngay tại dự thảo, giá than được dự báo chỉ quanh mức 75 USD/tấn vào năm 2030, nếu có tăng gấp đôi thì chi phí sản xuất điện than vẫn rẻ hơn so với điện khí.
Tuy nhiên, góp ý cho dự thảo Quy hoạch điện VIII của Bộ Công thương, Nhóm 10 liên minh (tổ chức đại diện cho trên 200 nhà khoa học Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng sạch, bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu) cho rằng dự báo giá than của dự thảo là thấp hơn quá nhiều so với thực tế. Nhóm này cho biết, giá than thế giới 6 tháng đầu năm 2020 đã là 98,8 USD/tấn, đến năm nay đã tăng lên 159,7 USD/tấn (tương đương tăng 150%). Như vậy giá sản xuất điện than đưa ra trong dự thảo đang thấp hơn so với thực tế. Nếu tính cả chi phí ngoại biên (chi phí môi trường sức khỏe) giá sản xuất điện than có thể tăng thêm 5 UScent/kWh nữa, tương đương 15-16 UScent/kWh, đắt hơn tất cả các loại hình năng lượng tái tạo.
Đối mặt nguy cơ “đói” vốn trầm trọng
Theo các nhà khoa học trong Nhóm 10 liên minh, việc tăng thêm công suất điện than trong dự thảo Quy hoạch điện VIII là đi ngược với xu hướng phát triển năng lượng xanh, sạch của thế giới. Bài học từ Quy hoạch điện VII trước đây đã cho thấy hàng loạt dự án điện than chậm tiến độ do khó tiếp cận tài chính.
“Khó khăn này sẽ ngày càng gia tăng khi phong trào thoái vốn khỏi nhiên liệu hóa thạch ngày càng mạnh mẽ và những quốc gia còn lại cuối cùng trong nhóm hỗ trợ phát triển điện than cũng đã tuyên bố dừng cấp tài chính hoặc chuyển hướng đầu tư sang năng lượng sạch”, bản kiến nghị của Nhóm 10 liên minh nhấn mạnh.
Thực tế cho thấy, vào nửa cuối tháng 9/2021, tại Đại hội đồng Liên hiệp quốc, lãnh đạo Trung Quốc đã phát đi thông điệp sẽ không xây dựng các dự án nhiệt điện than mới ở nước ngoài trong những năm tới.
Bà Ngụy Thị Khanh - Giám đốc Trung tâm Phát triển sáng tạo xanh (GreenID) cho biết, vài tháng trước Hàn Quốc và Nhật Bản đã tuyên bố dừng cấp tài chính cho điện than. Nếu thời gian tới cả Trung Quốc cũng cam kết không xây dựng dự án nhiệt điện than mới ở nước ngoài thì các dự án điện than tại Việt Nam sẽ gặp khó khăn rất lớn về tài chính. Bởi hiện tại 3 quốc gia này là những nước tài trợ vốn nhiều nhất cho lĩnh vực điện than tại Việt Nam. Trong đó Trung Quốc là nước cho vay nhiều nhất với khoảng 8,3 tỷ USD, Nhật Bản khoảng 3,7 tỷ USD và Hàn Quốc khoảng 3 tỷ USD (theo báo cáo “Phát triển nhiệt điện than ở Việt Nam: góc nhìn tài chính” của GreenID phát hành năm 2017).
Ông Hà Đăng Sơn - Giám đốc Trung tâm năng lượng và tăng trưởng xanh cho rằng, việc tăng thêm công suất điện than như dự thảo Quy hoạch điện VIII của Bộ Công thương có lẽ đã được tư vấn giả định là các dự án điện than sẽ thu xếp được vốn. Bởi nếu không đảm bảo được yếu tố này thì tính khả thi của các dự án điện than sẽ không cao. Trong khi đó, ở chiều ngược lại, việc thu hẹp công suất điện gió ngoài khơi và điện sinh khối cũng sẽ khiến hàng loạt dự án đang được khảo sát ở Việt Nam “thiếu chỗ” trong quy hoạch và không thể thực hiện được. Điều này làm mất đi cơ hội thu hút vốn nước ngoài vào lĩnh vực năng lượng sạch và bảo vệ môi trường.
Dự án rủi ro môi trường khó tiếp cận tín dụng hơn Trong diễn biến liên quan, mới đây NHNN cũng đã công bố dự thảo thông tư hướng dẫn thực hiện quản lý rủi ro môi trường trong hoạt động cấp tín dụng của các TCTD. Dự thảo này yêu cầu các TCTD đáp ứng các nguyên tắc quản lý rủi ro môi trường khi cho vay, bao gồm: xây dựng hệ thống quản lý rủi ro môi trường; đánh giá rủi ro môi trường; dùng các tiêu chí rủi ro môi trường để làm căn cứ xếp hạng tín dụng khách hàng, xác định lãi suất, chi phí cấp tín dụng và phân loại nợ để trích lập dự phòng và quản lý rủi ro. Các dự án nhiệt điện đốt than, từ trước đến nay vẫn được xem là các dự án thuộc nhóm rủi ro cao về môi trường. Vì vậy, rất có thể khi pháp lý về quản lý rủi ro môi trường trong hoạt động cấp tín dụng được hoàn thiện và ban hành, thì tín dụng lĩnh vực rủi ro môi trường sẽ được kiểm soát chặt hơn. Nhiều chuyên gia cho rằng, với những yếu tố rủi ro môi trường của các dự án điện than, các dự án này sẽ khó khăn hơn trong quá trình huy động vốn vay từ các TCTD. |