Không nên “đặt cược” vào nguồn điện than
So với tờ trình hồi tháng 3/2021, tại dự thảo tờ trình lần này của Bộ Công thương có những điểm mới như: Cắt giảm tổng công suất nguồn điện trong cả 2 giai đoạn của thời kỳ quy hoạch (7,6 GW – 2030, 15 GW – 2045); Tăng cường kiểm soát và giám sát thực hiện Quy hoạch; Tập trung cân bằng phụ tải nội vùng để hạn chế truyền tải từ xa…
Nhưng khi nhìn sâu vào tổng công suất điện lắp đặt toàn hệ thống giảm 7.688 MW vào năm 2030 và giảm 15.046 MW vào năm 2045, thì việc giảm công suất tập trung vào năng lượng tái tạo. Cụ thể, đến năm 2030, năng lượng tái tạo bị cắt giảm 8.170 MW trong khi điện than tăng thêm 3.076 MW (so với tờ trình hồi tháng 3/2021). Tương tự, đến năm 2045, năng lượng tái tạo giảm 16.110 MW và điện than tăng thêm 513 MW.
Ảnh minh họa |
Bà Nguỵ Thị Khanh, Chủ tịch Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA) nhìn nhận, dự thảo tờ trình lần này vẫn "đặt cược" vào điện than trong vòng 10 năm chính của quy hoạch (2021-2030) và tiếp tục kéo dài sự phát triển này sang giai đoạn 2035 - 2045. Đây là lựa chọn ẩn chứa nhiều rủi ro và khó khả thi.
Dự thảo lần này đã có “những bước lùi” so với dự thảo hồi tháng 3/2021. Bởi, nhìn vào phân loại 30.000 MW điện than theo hiện trạng tiếp cận vốn, cho thấy, đến thời điểm hiện tại, mới có 10 dự án điện than đã thu xếp được vốn và đang xây dựng với công suất 10.800MW; vẫn còn tới 15 dự án đang ở bước đàm phán, chưa huy động được vốn, công suất vào khoảng 16.400 MW. Với những dự án điện than có tính khả thi thấp, các địa phương không ủng hộ và khó tiếp cận tài chính (tương đương khoảng 16.400 MW) cần được xem xét lại cẩn trọng và tìm các phương án thay thế, bà Khanh cho biết thêm.
Đồng quan điểm trên, PGS – TS. Lê Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Biển đổi khí hậu - Trường đại học Cần Thơ nhấn mạnh, Việt Nam đang rất nỗ lực để giảm phát thải khí nhà kính, song dự thảo Quy hoạch điện VIII lại tăng công suất điện than và cắt giảm năng lượng xanh, năng lượng tái tạo. Điều này sẽ gây ra nhiều tác động, hệ luỵ.
Cũng nên nhắc lại rằng vừa qua, Nghị viện châu Âu đã biểu quyết, ủng hộ ý tưởng áp thuế phát thải đối với hàng hóa nhập khẩu. Đây là bước đi đầu tiên trong việc tạo lập một tiêu chuẩn kỹ thuật mới mà các nước xuất khẩu hàng hoá vào châu Âu, trong đó Việt Nam sẽ phải quan tâm. Nếu hàng hóa của Việt Nam bị đối tác định giá lượng khí thải quá cao (từ việc sử dụng năng lượng không thân thiện với môi trường) sẽ bị buộc phải trả một khoản tiền tương ứng khi đưa hàng hóa đó qua biên giới vào châu Âu, ông Lê Anh Tuấn thông tin.
Các doanh nghiệp xuất khẩu hiện đang phải đối mặt với thách thức về tỷ trọng sử dụng điện sạch trong tổng công suất sử dụng điện chung đối với các sản phẩm xuất khẩu. Có thể ngay trong năm 2022, sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam sẽ bị áp trần nhất định, có nghĩa là các nhãn hàng lớn sẽ áp đặt tỷ trọng sử dụng năng lượng tái tạo trong sản phẩm hàng hóa xuất khẩu. Vì vậy, Quy hoạch điện VIII cần ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch.
Đáng chú ý, việc điện than được ưu tiên hơn năng lượng tái tạo trong bối cảnh hiện nay là không phù hợp với xu thế. Không chỉ vì điện than phụ thuộc rất nhiều vào nhập khẩu, khó tiếp cận nguồn tài chính, gây ra những hệ luỵ về ô nhiễm môi trường. Mà quan trọng hơn, các nhà máy điện than mới không phù hợp với Thỏa thuận Paris về khí hậu quốc tế. Các cơ quan khoa học hàng đầu thế giới đều nhận định rõ ràng: điện than về cơ bản cần phải được loại bỏ dần trong 2 thập kỷ tới để ngăn chặn biến đổi khí hậu lên tới mức nguy hiểm.
Ông Nguyễn Quang Huân, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Halcom Việt Nam chia sẻ, hiện tại không thể ngay lập tức cắt giảm điện than, mà cần phải có lộ trình giảm dần điện than trong thời gian tới. Phải tìm cách tháo gỡ dựa trên sự cân đối về hệ thống điều độ, vận hành, nâng công suất mạng lưới, hay các giải pháp về lưu trữ... Song để khối tư nhân được tham gia phát triển hệ thống phân phối lưới điện, năng lượng cần phải có những thay đổi để phù hợp với thực tiễn, sửa đổi Luật Điện lực, cởi bỏ những rào cản về chính sách.