Bâng khuâng cổng làng
Từ nét đẹp văn hóa…
Họa sĩ Phan Cẩm Thượng từng chia sẻ, cổng làng Việt xưa được làm cùng thông số với kiến trúc đình, đền, chùa, không quá cao to. Có loại cổng chỉ có một tầng và một cửa vòm, có loại có hai ba tầng và ba vòm cổng, nhưng tỷ lệ rất cân đối, thanh nhã và giản dị. Trong khi đó, GS. Hoàng Chương, Tổng giám đốc Trung tâm nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam, cổng làng là bộ mặt đầu tiên của ngôi làng mà khi bước chân qua như bước vào một thế giới mới của làng đó, đồng thời còn là thước đo đơn vị hành chính về vị trí địa lý của ngôi làng. Những nét sinh hoạt làng xã, về tính cách biệt của người dân trong làng cũng được thể hiện qua cổng làng.
Tiến sĩ Vũ Thị Thu Hà nhận định, cổng làng là một bộ phận cấu thành của thực thể làng Việt, có vai trò và chức năng thể hiện khát vọng, ước mơ người dân làng Việt. Ngoài sự tồn tại của cổng làng như một nhân chứng của lịch sử, chứng kiến những thăng trầm của con người thì cổng làng còn là vách ngăn, một thứ phân tầng của xã hội Việt Nam, nó là sự phân định giữa bên trong và bên ngoài... Trong tâm thức của người xưa, cổng làng luôn có một “chỗ đứng” quan trọng. Nhà cửa trong làng có thể tuềnh toàng, cuộc sống có thể còn lam lũ, khó khăn, nhưng cổng làng thì phải được dựng ngay ngắn, đàng hoàng. Cũng bởi vậy, cổng làng thường được đặt ở những vị trí dễ quan sát nhất ở trong làng.
Hà Nội còn giữ được nhiều cổng làng xưa. Trong ảnh là cổng làng lụa Vạn Phúc |
Kiến trúc truyền thống của cổng làng thường được mô phỏng những ngôi tam quan của đình, chùa xưa. Cổng thường có một cửa chính, liền kề với cửa chính có hai cửa phụ hai bên, thấp và nhỏ hơn. Cũng có không ít làng dựng hai cổng, gồm có cổng tiền và cổng hậu. Nhưng không phải ở đâu cổng làng cũng có đủ một cửa chính, hai cửa phụ và được xây dựng bề thế. Ở những làng quê nghèo, người dân quanh năm lam lũ mà cuộc sống vẫn khốn khó, cổng làng thường rất mộc mạc. Một tấm xà bằng gỗ được đặt cẩn thận trên hai bên trụ, không màu mè, không một nét vẽ rồng, phượng, thậm chí không có cả một nét chữ khắc tên làng. Ấy vậy mà, chính những chiếc cổng đơn sơ, bình dị ấy lại trở nên thân thương, gần gũi với biết bao người.
Cổng làng truyền thống thường chuộng kiểu kiến trúc không cầu kỳ, phô trương mà vẫn toát lên vẻ tôn nghiêm, trang trọng, thể hiện sự nề nếp, kỷ cương của văn hóa làng xã. Cổng làng là một điểm nhấn trong cái bố cục hài hòa với không gian của lũy tre xanh, con đường làng, gốc đa, bến nước, ao làng, sân đình và những cánh đồng thẳng cánh cò bay. Cổng làng xưa được dựng lên như là một sự quy ước ngầm về không gian làng xã. Nó được xem là một điểm mốc đánh dấu không gian làng. Phía sau cổng làng chính là sự kết nối, gắn bó cộng đồng, làng xã, là những nét chung về phong tục, tập quán, văn hóa riêng biệt mang dấu ấn, bản sắc riêng của từng làng quê. Chiếc cổng làng vì thế đã trở nên thân thuộc, gắn bó, gắn liền với những kỷ niệm vui buồn của biết bao lớp người dân quê. Để rồi mỗi người con của làng quê vì cuộc sống mưu sinh phải bươn chải làm ăn nơi đất khách quê người mỗi lần nhớ về quê hương, gia đình, nơi chôn nhau cắt rốn là lại bồi hồi, rưng rưng nhớ tới cái cổng làng với bao cảm xúc xốn xang.
Đến sự biến tướng của thời hiện đại
Từ thực tiễn cuộc sống cho thấy, cổng làng xưa đã, đang biến mất vì người dân địa phương cho rằng cổng làng xưa đã “lỗi thời”, từ đó đập đi để xây cổng làng mới to đẹp hơn, hoặc cũng một phần cổng làng xưa “trơ gan cùng tuế nguyệt” nhiều thập kỷ đã xuống cấp không được gìn giữ, tu bổ, tôn tạo để tồn tại mãi mãi với thời gian. Chính vì lẽ đó, thời gian qua, nhiều địa phương ở nước ta đã có những cuộc “chạy đua” làm cổng làng quy mô, hoành tráng với kinh phí hàng trăm triệu, thậm chí lên tới tiền tỷ khiến nhiều người không khỏi băn khoăn, suy ngẫm.
Tại nhiều làng, xã ở tỉnh Nghệ An những năm gần đây, nhiều cổng làng bê tông cốt thép, to sừng sững được thiết kế, xây dựng theo xu hướng hiện đại đứng ngay đầu làng, xã mọc lên như nấm. Thậm chí có những cổng làng được đầu tư với kinh phí xây dựng lên đến tiền tỷ, nguồn tiền công đức của những người xa quê đóng góp. Tại xứ Thanh và nhiều địa phương khác như Thái Bình, Quảng Ninh, Bắc Giang… cũng đã có một số cổng làng được xây dựng với kinh phí vài trăm triệu đồng từ nguồn xã hội hóa, được dư luận xã hội quan tâm.
Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây chính là việc xây cổng làng tại các địa phương đang có dấu hiệu biến tướng, không còn xem cổng làng là biểu tượng của làng, xã mà thể hiện sự phô trương, lãng phí. Xảy ra hiện tượng này vì hiện nay cổng làng Việt không có mẫu chuẩn và quy định chặt chẽ. Làng nào muốn đẹp, khác kiểu thì đi tham khảo ở các nơi khác hoặc trên các trang mạng rồi quyết định. Cùng với đó, nhận thức của người dân về văn hóa còn chưa sâu nên kiến trúc, kiểu dáng của nhiều cổng làng mới khá đa dạng, phong phú và hiện đại nhưng có nhiều chi tiết “thừa”, thực dụng như việc ghi dòng chữ “Kính chào quý khách” ở ngay cổng làng. Thậm chí, để được cho là “chơi sang”, “đẳng cấp”, một số cổng làng còn được gắn bảng điện tử với những dòng chữ: “well come to…” nhấp nháy chạy suốt ngày đêm thể hiện sự học đòi, phô trương trông rất phản cảm.
Tiến sĩ sử học Lê Duy Mạnh, Phó trưởng ban quản lý khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc cho rằng, cổng làng hiện nay nếu xây dựng quá đơn điệu sẽ làm mất đi những nét đẹp văn hóa truyền thống. Cổng làng không cần mẫu chung nhưng phải có những tiêu chí cụ thể trong quá trình xây dựng. Ngoài tên, cổng làng tối thiểu cần có câu đối, đại tự ca ngợi hoặc ghi lại lịch sử phát triển của địa phương. Nếu có thể thì trang trí thêm tứ linh, tứ quý ở cột, xà. Nhưng trên thực tế, nhiều cổng làng ở các địa phương nước ta hiện nay xây dựng vừa tốn kém nhưng lại chưa thực sự tương đồng với đường sá, nhà cửa, điều kiện kinh tế của người dân địa phương. Cổng làng to nhưng nhà dân thì bé, đường giao thông chật chội, xuống cấp. Đây là điều khiến nhiều người phải suy ngẫm!