Cổng làng quê tôi
Cái cổng làng là hình ảnh đặc trưng của bao vùng quê, nhất là các vùng quê ở Đồng bằng Bắc Bộ. Nó là một cái gì đó mang đậm nét văn hóa làng quê; vừa thân thương vừa gần gũi. Ngày xưa hầu như các làng quê ngay đầu con đường đi vào làng đều có cổng làng.
Trải qua thăng trầm, sự phát triển của các làng quê, cổng làng dần bị tàn phá bởi thời gian và con người. Thời hiện đại ngày nay, con người nhận thức trở lại ý nghĩa văn hóa cổng làng miền quê, nhiều làng xã người dân hoặc một nhà hảo tâm nào đó đã đóng góp kinh phí xây dựng lại cổng làng.
Mẹ tôi kể rằng cổng làng mình đã có từ lâu, khi mẹ sinh ra cổng làng đã có rồi. Dân làng xây cổng làng để giữ làng, phòng chống địch họa, trộm cướp và cũng là tạo thêm nét văn hóa của làng quê.
Làng tôi có cái tên thật lãng mạn “làng Lãng Tình”, người dân quê tôi gọi nôm na là làng Lạng. Làng nằm dọc theo một con sông nhỏ chảy vắt vẻo ở rìa làng.
Ngày xưa bốn hướng đi vào làng tôi có bốn cái cổng. Làng có bốn xóm là xóm Đoài, xóm Giếng, xóm Đông, xóm Đình. Dân làng đặt tên cổng theo vị trí tên xóm nơi xây cổng là cổng Đoài, cổng Giếng, cổng Đông và cổng Đình. Chẳng hiểu có bản vẽ thiết kế hay không, những người thợ bằng bàn tay tài hoa đã xây nên những cổng làng ở miền quê thật đẹp.
Dáng cổng cao chắc, tao nhã, pha chút nghệ thuật, nhưng lại có tính quyền uy. Vươn ra hai bên mé cổng là những lũy tre xanh bao bọc ôm lấy xóm làng. Qua cổng làng là cánh đồng lúa mênh mang. Khi lúa lên xanh, sóng lúa lao xao, thảm lúa trải dài nhấp nhô gợn một màu xanh đằm thắm.
Cổng làng thường là nơi tụ tập của nhiều người. Bọn trẻ con chúng tôi ngày ấy thường hay ra cổng làng chơi. Ở đây có luồng gió mát rượi từ ngoài cánh đồng thổi vào. Các trò chơi ngày ấy của bọn tôi thường là đánh đáo, đánh khăng vào buổi chiều hoặc chơi trò trốn tìm vào buổi tối.
Buổi chiều chơi chán rồi rủ nhau ra sông tắm. Ngày ấy nước sông trong lắm. Những buổi chiều hè túm năm tụm ba bọn trẻ tôi tắm mát trên sông, bơi nhảy, đùa nghịch. Cũng vì tắm sông từ nhỏ nên ngày thơ bé bọn tôi đã biết bơi rất sớm.
Lớn lên đọc truyện “Tắt đèn”, tôi hiểu nhà văn Ngô Tất Tố tài thật và trong suy nghĩ nông cạn của mình, tôi nhận ra rằng nhiều vùng quê có cổng làng như quê tôi. Cổng làng quê tôi có cái gì đó hao hao giống tình tiết trong truyện. Hình ảnh con trâu, cái cày của anh nông phu đứng chờ làng mở cổng trong truyện làm tôi thấy nao lòng.
Trải qua bao năm tháng thời gian, cổng làng đứng im lìm chứng kiến bao đổi thay của đất trời, của đời sống con người.
Làng tôi vẫn còn truyền tụng câu chuyện về những năm kháng chiến đánh giặc giữ làng của những năm đầu thập niên 50 của thế kỷ trước. Cổng làng đã cùng dân làng chốt chặn, chứng kiến và ghi nhận chiến công oanh liệt của các chú bộ đội và dân quân du kích. Đại đội bộ đội có tên Lê Lợi đã anh dũng chiến đấu chống giặc Pháp và “Tề, Ngụy” xâm lấn vào vùng tự do.
Sau trận thắng của đại đội Lê Lợi một bài hát truyền miệng đã ra đời: “Ngày hai mươi mốt tháng Giêng bên sông Lãng Tình, giặc vào đầu cầu rồi giặc khiếp kinh, anh em đại đội Lê Lợi 100 bố trí, tiếng hô xung phong đồng chí Chuộc ơi…”. Chú bộ đội tên Chuộc sau khi giật mìn phá cầu ngăn cản giặc vào làng đã cùng đồng đội xung phong đẩy lùi quân địch và đã anh dũng hy sinh. Câu hát ấy đã đi sâu vào lòng người dân quê tôi.
Cổng làng quê tôi là nơi tiễn đưa bao người con của làng đi xa tới các vùng miền của đất nước. Người đi bộ đội, người đi học trung cấp, đại học trong nước và nước ngoài, người đi làm công nhân. Những người con của làng khi đi xa, họ bịn rịn chia tay nơi cổng làng. Ngày tôi đi bộ đội, mẹ tôi chia tay tôi nơi cổng làng. Mắt mẹ nhòa lệ, mẹ dặn tôi nhiều thứ lắm. Nhìn mẹ, lòng tôi chẳng nói nên lời. Tôi thầm cảm ơn mẹ. Nhìn cổng làng, nhìn mẹ lòng tôi chan chứa bao kỷ niệm về tuổi ấu thơ.
Trải qua bao năm tháng, cổng làng đứng đó. Cổng làng ghi nhận nhiều người con của làng thành danh, ngậm ngùi chia sẻ nỗi đau của người sa cơ lỡ bước, khóc thầm với những người đã khuất ở nơi xa nay trở lại làng. Ai đó về làng, cổng làng vẫn ân cần chào đón, một lối đi chung, cổng làng vẫn bao dung, rộng lòng.
Năm qua đi, tháng qua đi, cổng làng ngày một già nua vì không ai chăm sóc. Những lớp rêu phong, cây cỏ mọc làm cổng làng tàn tạ, mờ dần đi. Những con đường bê tông hóa thay thế đường gạch xưa đã xóa dấu vết cổng làng xưa. Hàng tre xanh bao bọc xóm làng cũng chỉ còn lại trong hoài niệm, trong ký ức của nhiều người.
Mỗi lần về làng, đứng chân trên nền đất cổng làng xưa, lòng tôi lại xốn xang, lâng lâng nhớ về một ngày xưa xa lắm. Hoàng hôn đã buông dần xuống. Bóng thời gian đã dần chuyển sẫm màu. Hình ảnh cổng làng vẫn còn nguyên vẹn trong ký ức của tôi.