Báo chí với công cuộc phục hồi kinh tế
Cầu nối giữa chính quyền với người dân, doanh nghiệp
Nhìn lại chặng đường từ khi chúng ta cơ bản kiểm soát hiệu quả đại dịch, chuyển trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt để dần mở cửa trở lại và bước vào phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong gần hai năm qua, dù còn muôn vàn khó khăn nhưng những thành quả đạt được là không thể phủ nhận. Năm 2022 có thể coi là năm đầu tiên nền kinh tế chính thức bước vào giai đoạn phục hồi. Với quyết tâm phục hồi và phát triển kinh tế, tạo đà hoàn thành mục tiêu kinh tế - xã hội năm 2022 và giai đoạn 2021-2025 theo Nghị quyết Đại hội Đảng XIII, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo bộ, ngành, địa phương triển khai quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết số 01/NQ-CP, Nghị quyết số 02/NQ-CP, Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội...
Phóng viên báo chí luôn bám sát mọi diễn biến trong đời sống kinh tế, xã hội để kịp thời phản ánh |
Nhờ đó, KTVM tiếp tục duy trì ổn định, lạm phát trong tầm kiểm soát, các cân đối lớn được đảm bảo; chính sách tiền tệ, tài khóa được điều hành chủ động, linh hoạt và hiệu quả; môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện tích cực. Những kết quả đạt được năm 2022 cũng rất ấn tượng: Tăng trưởng GDP đạt 8,02% (cao nhất giai đoạn 2011-2022), với hầu hết các ngành, lĩnh vực đã hồi phục mạnh mẽ, tăng trưởng cao; CPI bình quân chỉ tăng 3,15%. Những thành tựu, nỗ lực của toàn hệ thống chính trị, nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp với tinh thần đoàn kết, đồng lòng để Việt Nam đạt được những điểm sáng về tăng trưởng, phục hồi kinh tế sau dịch. Từng bước tiến trong quá trình phục hồi này tất yếu không thể thiếu vai trò của báo chí.
Chúng tôi xin đưa bạn đọc đến Hậu Giang - địa phương năm 2022 đứng đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và đứng thứ tư cả nước về tốc độ tăng trưởng GRDP với mức tăng gần chạm 14% (kế hoạch tỉnh đặt ra là 8%). Trên nền tăng trưởng rất cao đó, Hậu Giang muốn tiếp tục nỗ lực bứt phá với mục tiêu tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2023 sẽ đạt 10%. Cho đến nay, mục tiêu này dường như không xa vời vì theo Tổng cục Thống kê, tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP 6 tháng đầu năm 2023 của Hậu Giang đạt 14,21%, qua đó hiện dẫn đầu tốc độ tăng trưởng của cả nước.
Điều muốn nói ở đây là theo Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang, Nghiêm Xuân Thành, trong thành quả mà Hậu Giang đạt được, có vai trò và sự đóng góp rất lớn của các cơ quan báo chí. Truyền thông đa dạng, đáp ứng nhu cầu thông tin và trở thành cầu nối giúp Hậu Giang đưa các nghị quyết của Trung ương, của tỉnh vào cuộc sống. Và chính sự quan tâm ủng hộ, đóng góp, phản ánh kịp thời của báo chí là một trong những yếu tố để tỉnh có thêm động lực, niềm tin trong lãnh đạo chỉ đạo hướng đến hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ, mục tiêu đặt ra.
Đây chính là một ví dụ cụ thể về sự vào cuộc truyền thông nhanh, đầy đủ, kịp thời, sinh động mọi tình hình lĩnh vực của đời sống người dân, doanh nghiệp; nắm bắt và phản ánh mọi “nhịp thở” của phục hồi đã được báo chí thực hiện rất tốt trong thời gian vừa qua. Theo TS. Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam, báo chí luôn luôn đóng vai trò rất quan trọng trong thông tin về mọi lĩnh vực. Ở góc độ đóng góp vào công cuộc phục hồi kinh tế vừa qua và hiện nay, chuyên gia này nhấn mạnh báo chí đã phản ánh rất đa dạng, sắc nét và toàn diện các vấn đề từ thực tiễn.
Đồng hành vượt qua khó khăn
“Những gì trên thị trường đang diễn ra, thực tiễn cuộc sống đang diễn ra báo chí đều phản ánh rất nhanh nhạy, rõ nét và sát với tình hình. Đây chính là những nguồn thông tin rất quan trọng cho các cơ quan quản lý nhà nước, các nhà hoạch định chính sách; cho những người làm công tác nghiên cứu, tư vấn chính sách; cho các hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp, người dân… để kịp thời nắm bắt được tình hình chung”, TS. Lê Duy Bình nói và cho rằng, nhờ bám sát thực tiễn nên báo chí đã có được nhiều thông tin “sống”, gần gũi với những vấn đề mà doanh nghiệp, người dân và các chủ thể khác nhau trong nền kinh tế đang gặp phải, đang cần biết.
Không chỉ đơn thuần phản ánh tình hình thực tiễn, báo chí cũng tham gia vào truyền tải những thông tin, góc nhìn, quan điểm khác nhau như từ các hiệp hội, các doanh nghiệp, chuyên gia, đại diện các cơ quan quản lý hay từ những đối tượng trực tiếp chịu ảnh hưởng trong quá trình triển khai thực hiện các chính sách… Những góc nhìn như vậy sẽ giúp cho quá trình xây dựng, ban hành chính sách sống động, sát thực tế hơn; giúp cho việc đưa ra các biện pháp cũng như trong tổ chức triển khai thực hiện các chính sách tốt hơn.
TS. Lê Duy Bình lấy ví dụ, trong quá trình thực hiện chính sách giảm thuế VAT năm 2022 vừa qua, thực tế khi bắt tay vào triển khai đã vấp phải những vướng mắc phát sinh nhưng nhờ sự vào cuộc phản ánh rất kịp thời của báo chí, cùng với đó là các đề xuất của các chuyên gia, tổ chức, doanh nghiệp nên đã giúp các cơ quan quản lý nhanh chóng nhận diện, nắm bắt được những bất cập và tháo gỡ kịp thời. Hay với vấn đề giải ngân vốn đầu tư công, báo chí thời gian qua đã phản ánh rất nhiều tiếng nói khác nhau từ các doanh nghiệp, nhà thầu trực tiếp thực hiện các dự án; từ cơ quan quản lý, các địa phương, đại biểu Quốc hội, chuyên gia… về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai. Những tiếng nói đa dạng thông qua báo chí như vậy cho thấy nhiều góc nhìn khác nhau và do đó cũng đã góp phần thúc đẩy giải quyết vấn đề. “Những tiếng nói, góc nhìn đa dạng như vậy về các vấn đề được báo chí phản ánh là rất quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả xây dựng và thực thi chính sách”, chuyên gia này khẳng định.
Bên cạnh đó, báo chí đã truyền thông kịp thời những chủ trương, quyết sách của Đảng, Nhà nước, Quốc hội; các thông điệp, chỉ đạo của Chính phủ, các cơ quan quản lý; những chính sách, quy định mới và điều này giúp cho người dân, doanh nghiệp nắm bắt kịp thời. Qua đó, người dân, doanh nghiệp cũng hiểu rõ hơn tại sao lại có các chính sách như vậy; mục tiêu của các chính sách là gì... từ đó có những chia sẻ, đồng hành giữa người dân, doanh nghiệp với Chính phủ tốt hơn, góp phần nâng cao hiệu quả thực hiện. Đồng thời, báo chí cũng đóng góp quan trọng khi phản ánh kịp thời tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp, tiếng nói của người dân, những đối tượng chịu sự tuân thủ, điều chỉnh của những quy định văn bản pháp luật cũng như các chương trình, chính sách hỗ trợ như trong thời gian vừa qua, và các vấn đề còn vướng mắc, bất cập nhờ đó cũng được các cơ quan quản lý kịp thời tiếp thu, tháo gỡ.
Riêng trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng thời gian vừa qua thu hút nhiều sự quan tâm của người dân, độc giả và thông tin từ báo chí “vô cùng nhiều”. Tất cả những vấn đề từ thực tiễn, diễn biến thị trường tài chính - ngân hàng cũng đã được phản ánh và thảo luận. Báo chí cũng đóng góp rất quan trọng trong việc tạo ra môi trường để mọi người cùng thảo luận về các chính sách, vấn đề liên quan đến lĩnh vực tài chính - ngân hàng. Những khó khăn của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, hay những khó khăn của doanh nghiệp trong tiếp cận vốn; những vấn đề liên quan đến tín dụng, tài chính cho doanh nghiệp… đều được báo chí phản ánh, qua đó tạo ra môi trường cho những đóng góp, phản biện chính sách. Chỉ đạo của Chính phủ về chính sách tiền tệ; các hoạt động điều hành chính sách của NHNN cũng đã được truyền thông một cách rất rõ ràng qua đó có được sự thấu hiểu, thống nhất và chia sẻ từ các doanh nghiệp liên quan và người dân, từ đó góp phần ổn định của thị trường và hệ thống.
Mức tăng trưởng kinh tế rất thấp trong quý I/2023; những thách lớn xuất hiện từ cuối năm 2022 và tiếp tục kéo dài cho đến nay, cũng như những rủi ro, thách thức mới vẫn liên tục phát sinh trong nửa đầu năm 2023 chính là những yếu tố cho thấy chặng đường phục hồi còn gian nan. Trên chặng đường đó, hẳn Chính phủ, các cơ quan quản lý, người dân và cộng đồng doanh nghiệp rất cần báo chí, đặt niềm tin vào báo chí trong tiếp tục phát huy tốt hơn nữa vai trò cầu nối, tiên phong, trung thực và khách quan trong phản ánh các thông tin chính thống về diễn biến đời sống kinh tế - xã hội, từ chính sách đến thực tiễn và ngược lại. Thấu hiểu, chia sẻ và đồng lòng trong hành động để hướng tới các mục tiêu chung sẽ giúp con đường phục hồi dù còn nhiều khó khăn nhưng sẽ bớt chông gai hơn.