Bước đi chiến lược nâng tầm vị thế Việt Nam
Vị thế Việt Nam ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế |
Việt Nam hoàn toàn có thể hiện thực hóa mục tiêu xây dựng thành công trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng trong tương lai gần |
Tại hội nghị, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cho biết, Đà Nẵng đã chủ động phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các bộ, ngành liên quan để xây dựng kế hoạch hành động. Thành phố đã thành lập Ban Chỉ đạo và Tổ giúp việc về phát triển trung tâm tài chính. Các nhóm nhiệm vụ được phân công cụ thể, bao gồm rà soát hạ tầng, chuẩn bị diện tích hơn 6 ha tại quận Sơn Trà để xây dựng trung tâm tài chính và kêu gọi nhà đầu tư chiến lược.
Ngoài ra, thành phố đang tập trung xây dựng các chương trình đào tạo nguồn nhân lực, liên kết với các cơ sở đào tạo quốc tế và tổ chức các hội thảo quốc tế để quảng bá tiềm năng của trung tâm tài chính tại Đà Nẵng. Dự kiến, vào ngày 16/1/2025, Đà Nẵng sẽ tổ chức hội thảo quốc tế với sự tham gia của các tổ chức tài chính, quỹ đầu tư và chuyên gia trong và ngoài nước.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, sau gần 40 năm đổi mới, Việt Nam đạt nhiều thành tựu quan trọng, tạo nền tảng để vươn lên thành quốc gia phát triển. Năm 2024, bất chấp bối cảnh khó khăn, kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng trên 7%, thuộc nhóm cao nhất khu vực. Đây là động lực để Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh phát triển trong năm 2025, một năm có ý nghĩa đặc biệt với nhiều sự kiện lớn của đất nước.
Thủ tướng khẳng định, Việt Nam hội đủ 5 yếu tố để xây dựng trung tâm tài chính quốc tế: Quy mô nền kinh tế lớn, với GDP năm 2024 đạt 470 tỷ USD, bình quân đầu người 4.600-4.700 USD; Ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm; Nền kinh tế hội nhập sâu rộng, đã ký kết 17 hiệp định FTA, quy mô xuất nhập khẩu đạt khoảng 800 tỷ USD; Vị trí chiến lược, Việt Nam nằm trong khu vực phát triển năng động nhất thế giới; Chính trị ổn định, môi trường hòa bình, hợp tác và phát triển.
Thủ tướng nhấn mạnh, việc xây dựng trung tâm tài chính không chỉ là nhiệm vụ của TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, mà là của toàn hệ thống chính trị và toàn dân. Đây là nhiệm vụ khó, nhưng nhất định cần làm và phải làm, với tinh thần chủ động học hỏi kinh nghiệm quốc tế và phát huy sức mạnh nội lực.
Theo Kế hoạch hành động, Chính phủ đã phân công 49 nhóm nhiệm vụ cho 12 bộ, ngành và các địa phương. Các giải pháp tập trung vào các trọng tâm: phát triển hạ tầng tài chính hiện đại, bao gồm hệ thống thanh toán và giao dịch; thu hút nhân tài quốc tế, tạo môi trường làm việc hấp dẫn; thúc đẩy đổi mới tài chính, phát triển các công cụ như tài chính xanh và công nghệ tài chính; tăng cường liên kết khu vực và toàn cầu, khai thác lợi thế địa kinh tế; xây dựng các cơ chế chính sách vượt trội, phù hợp với thông lệ quốc tế.
Lộ trình phát triển trung tâm tài chính tại Việt Nam được chia làm 2 giai đoạn. Trong giai đoạn từ năm 2025-2030, ban hành 8 nhóm chính sách phù hợp với thực tế Việt Nam và thí điểm 6 chính sách phổ biến tại các trung tâm tài chính quốc tế.
Trong giai đoạn, từ năm 2030-2035, thực hiện đầy đủ các chính sách, thúc đẩy tiến độ nếu điều kiện thuận lợi.
Thủ tướng nhấn mạnh, trung tâm tài chính quốc tế sẽ giúp Việt Nam kết nối thị trường tài chính toàn cầu; thu hút các tổ chức tài chính nước ngoài, tạo thêm nguồn lực phát triển; tận dụng cơ hội dịch chuyển dòng vốn đầu tư quốc tế; nâng cao chất lượng thị trường tài chính trong nước theo chuẩn mực quốc tế; tạo động lực mới cho nền kinh tế, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và công nghệ tài chính.
Để thực hiện mục tiêu này, Thủ tướng yêu cầu các địa phương phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, khẩn trương xây dựng dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội. Đồng thời, Chính phủ kêu gọi sự đồng hành của các đối tác quốc tế, góp ý chính sách và hỗ trợ kết nối nguồn lực để xây dựng trung tâm tài chính.
Bên cạnh những thuận lợi, Việt Nam vẫn còn không ít thách thức. Hệ thống pháp lý và chính sách hiện tại cần được cải thiện để tạo môi trường minh bạch và công bằng cho các nhà đầu tư. Khả năng cạnh tranh của Việt Nam so với các trung tâm tài chính lớn trong khu vực vẫn còn hạn chế. Ngoài ra, việc đảm bảo nguồn nhân lực chất lượng cao và cơ sở hạ tầng tài chính hiện đại cũng là những yếu tố cần được chú trọng.
Việc xây dựng trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng là bước đi chiến lược để nâng tầm vị thế Việt Nam trên trường quốc tế. Đây không chỉ là câu chuyện về phát triển kinh tế, mà còn là minh chứng cho khát vọng vươn lên của một dân tộc. Với sự quyết tâm của Đảng, Nhà nước, sự đồng lòng của nhân dân, Việt Nam hoàn toàn có thể hiện thực hóa mục tiêu này trong tương lai gần.