Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam: Từ những hạt giống niềm tin
Những năm 1996 - 1998 là giai đoạn khủng hoảng kinh tế thế giới, tác động không chỉ đến các quốc gia phát triển mà ảnh hưởng cả tới những nước đang phát triển. Đối với Việt Nam, tình hình còn trở nên khó khăn hơn, bởi hệ thống ngân hàng mới chính thức chuyển đổi từ mô hình một cấp thành hai cấp từ năm 1988. Ngành Ngân hàng còn non trẻ phải đối mặt với hàng loạt vấn đề: hoạt động tín dụng đứng trước thách thức lớn, tình hình lạm phát cao có chiều hướng trở lại, nợ xấu tăng. Mô hình quỹ tín dụng nhân dân mới được thành lập từ đề án thí điểm được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 390/QĐ-TTg ngày 27/7/1993.
Tới năm 1995, Quỹ tín dụng nhân dân trung ương đã được thành lập và tính đến 31/10/1995 cả nước có 412 quỹ tín dụng cơ sở, 5 quỹ khu vực đã đi vào hoạt động. Chịu ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng kinh tế cũng như do những yếu kém nội tại về quản lý, quản trị rủi ro, hệ thống quỹ tín dụng nhân dân bị rung chuyển, nhiều quỹ có nguy cơ bị mất khả năng chi trả.
Bên cạnh đó, các tổ chức quốc tế như Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cũng khuyến nghị và hối thúc Việt Nam tổ chức lại hệ thống ngân hàng, xây dựng cơ chế bảo hiểm tiền gửi (BHTG). Nhu cầu cần phải thành lập tổ chức BHTG xuất phát chính từ thực tế đó.
Từ những năm 1997 - 1998, NHNN Việt Nam đã cử nhiều đoàn công tác đi học tập mô hình tổ chức BHTG tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Canada… Ngày 25/6/1999, Thống đốc NHNN Việt Nam đã ký Quyết định số 218/1999/QĐ-NHNN9 về việc thành lập Ban trù bị thành lập Công ty BHTGVN để đẩy nhanh việc thành lập tổ chức BHTG. Trong quá trình đó, quan điểm nhất quán của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là ủng hộ tuyệt đối, quyết liệt triển khai, sâu sát trong chỉ đạo và theo dõi, hỗ trợ Ban trù bị. Bản thân các thành viên Ban trù bị và các vụ, cục có liên quan thuộc NHNN đều hừng hực khí thế quyết tâm chuẩn bị cho việc thành lập một tổ chức BHTG chính thức đầu tiên tại Việt Nam.
Khi ấy, việc thành lập BHTGVN đứng trước khó khăn: BHTG là lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ đối với Việt Nam. Chúng ta còn thiếu kinh nghiệm triển khai, thiếu những nghiên cứu sâu về việc áp dụng cơ chế BHTG với thực tế nước ta, trong khi tình hình đã hết sức gấp rút. Đâu đó vẫn còn những ý kiến hoài nghi: hệ thống ngân hàng đang giữa cơn bão khủng hoảng, trong khi tổ chức BHTG mới ra đời, tiềm lực tài chính còn hạn chế, liệu có thể phát huy hiệu quả như kỳ vọng được hay không?
Thời điểm ấy, tổng tài sản của hệ thống ngân hàng đã rất lớn so với vốn điều lệ ban đầu được cấp của BHTGVN. Chúng tôi xác định rằng, việc thành lập BHTGVN là một “liều thuốc tinh thần” để lấy lại niềm tin của người dân, đặc biệt là những người gửi tiền quy mô nhỏ tại các quỹ tín dụng nhân dân.
Sau quá trình chuẩn bị, ngày 9/11/1999, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 218/1999/QĐ-TTg về việc thành lập BHTGVN. Chúng tôi rất phấn khởi và tin tưởng rằng việc tổ chức BHTG đi vào hoạt động sẽ đem lại những giá trị tích cực.
Những ngày đầu, BHTGVN đã phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, trong khi đó, cơ chế hoạt động, khuôn khổ pháp lý cho hoạt động BHTG còn chưa đầy đủ. Có lẽ, chưa có tổ chức BHTG nào trên thế giới vừa được thành lập đã phải chia một nửa nhân sự tham gia xây dựng các cơ chế, quy chế nội bộ cho hoạt động của tổ chức, một nửa nhân sự đi vào tìm hiểu các TCTD gặp vấn đề, đặc biệt là những quỹ tín dụng nhân dân có nguy cơ đổ vỡ để chuẩn bị phương án xử lý, giải cứu các tổ chức này. Nguồn nhân lực của BHTGVN khi ấy còn rất hạn chế, nhưng đã phải lăn xả vào thực tế để triển khai hoạt động. Trong năm đầu tiên đi vào hoạt động, BHTGVN đã xử lý hàng loạt quỹ tín dụng nhân dân tại Kiên Giang, và năm tiếp theo là tại Hải Dương.
Từ những ngày đầu gian khó ấy, trải qua 20 năm, BHTGVN đã từng bước phát triển lớn mạnh. Đặc biệt, nguồn lực tài chính của BHTGVN tăng trưởng nhanh và ổn định, từ 1.000 tỷ đồng ban đầu được cấp theo Quyết định 218 của Thủ tướng Chính phủ ngày 9/11/1999, nay đã đạt gần 58.000 tỷ đồng, đó là điều đáng phấn khởi.
Tôi rất tự hào vì đã được đóng góp công sức nhỏ bé, đặt những viên gạch đầu tiên trong việc xây dựng nền móng cho hoạt động của BHTGVN. Từ khi còn công tác ở Vụ Tổ chức cán bộ - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tôi đã ủng hộ việc thành lập BHTGVN, sau đó lại được phân công tham gia Ban trù bị và trực tiếp xây dựng tổ chức BHTG từ những ngày đầu.
So với quy mô của cả hệ thống ngân hàng, với những trọng trách mà Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước giao phó, cũng như với những nguồn lực đã có BHTGVN còn cả tương lai phía trước để tiếp tục phấn đấu, tăng trưởng, phát triển, thể hiện vai trò to lớn hơn, quan trọng hơn. Tôi mong rằng BHTGVN sẽ bảo vệ người gửi tiền ngày càng hiệu quả hơn nữa, qua đó gìn giữ, nâng cao niềm tin của người gửi tiền cũng như đưa niềm tin ấy ngày càng lan tỏa.
TS. Võ Trí Thành - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương: BHTG có ý nghĩa hết sức quan trọng. Tiền gửi chính là yếu tố quan trọng đảm bảo sự hoạt động an toàn, lành mạnh và hiệu quả của TCTD. Do đó, việc bảo hiểm cho tiền gửi là nhằm tạo thêm lòng tin cho người gửi tiền vào hệ thống. Khi TCTD gặp khó khăn thì BHTGVN thay mặt NHNN, Chính phủ trả tiền bảo hiểm cho người gửi tiền. Nhưng không dừng ở đó, niềm tin ấy còn được vun đắp bởi BHTGVN là một bộ phận hữu cơ quan trọng trong hệ thống giám sát tài chính của Việt Nam qua các nghiệp vụ giám sát, theo dõi, qua sự tương tác giữa BHTGVN với TCTD. Khi có sự cố xảy ra, BHTGVN là một trong những công cụ đắc lực để xử lý. 20 năm qua, chính sách về BHTG đã có bước tiến quan trọng, nhất là cơ sở pháp lý đã được xác lập tương đối tốt. Trên thực tế, TCTD tham gia BHTG gặp khó khăn, BHTGVN đã tham gia hỗ trợ đạt hiệu quả tốt, chưa để xảy ra bất kỳ hệ lụy không mong muốn nào. Họ vẫn “âm thầm” hoàn thành tốt những chức năng, nhiệm vụ được giao. Con đường phía trước vẫn còn dài và BHTGVN vẫn còn phải nỗ lực rất nhiều. TS. Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia, Chuyên gia Kinh tế trưởng – BIDV: BHTG có hai vai trò cực kỳ quan trọng. Trước hết, cơ quan này là một trong những mắt xích rất quan trọng của mạng an toàn tài chính quốc gia. Mạng an toàn tài chính quốc gia gồm có 4 thành tố chính bao gồm: các chính sách, quy trình; Ngân hàng Trung ương với vai trò là người cho vay cuối cùng; tiến trình tái cơ cấu có sự hậu thuẫn của nhà nước; và cuối cùng là chính sách BHTG. Ngoài ra, BHTGVN còn một vai trò nữa là tham gia quá trình giám sát đối với các TCTD, qua đó cảnh báo rủi ro. Tôi cho rằng BHTGVN đã làm tốt vai trò của mình trong việc hỗ trợ các tổ chức tài chính quy mô vừa và nhỏ, trong đó có quỹ tín dụng nhân dân, cũng như tham gia tích cực vào quá trình tái cơ cấu và xử lý nợ xấu, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền. |